Tìm hiểu Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND

16:33 09/03/2016

Hỏi: Xin quý báo cho biết, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 có điểm gì mới so với luật cũ?

(Ông Nguyễn Trung Chính, phường Nam Hải, quận Hải An)

Trả lời: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, gồm 10 chương, 98 điều, được kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII thông qua 25-6-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015. So với các văn bản luật cũ thì Luật này có 3 điểm mới đáng chú ý sau đây:

- Thứ nhất: Trước đây, quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc, bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội và quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nay theo luật mới quy định quyền này thuộc về Quốc hội. Cụ thể là, tại Điều 4, khoản 1 luật này quy định như sau: “Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định và thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia”. Tại Điều 5, luật này cũng quy định: “Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử”.

- Thứ hai: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định cụ thể về tỷ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ (Điều 8, khoản 2,3 và Điều 9, khoản 2, luật này).

- Thứ ba: Những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, nơi người đó đang bị tạm giam, đang bị giáo dục, cai nghiện bắt buộc (Điều 29, khoản 5, luật này). Đây là điểm mới khác biệt hoàn toàn so với các văn bản luật trước đây.

ANHP 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông