15:45 21/06/2024 Tổ hợp Khu Công nghiệp DEEP C là đơn vị tiên phong, kiên trì với định hướng phát triển KCN sinh thái, điển hình là KCN DEEP C1. Theo đó đã thực hiện nhiều dự án, sáng kiến phát triển bền vững nhằm mục tiêu chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Hải Phòng. Tiêu biểu như Chương trình chuyển đổi KCN sinh thái theo hướng tiếp cận toàn cầu (do SECO tài trợ, UNIDO và Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp thực hiện); thực hiện các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…). Tuy nhiên, quá trình hình thành KCN sinh thái của DEEP C còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Đạt nhiều tiêu chí
Theo bà Diệp Thị im Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững của DEEP C, tại Việt Nam có 5 dự án KCN sinh thái, trong đó có DEEP C1. Khung quốc tế về KCN sinh thái đề ra 9 chỉ tiêu về quản lý KCN (7 chỉ tiêu bắt buộc và 2 chỉ tiêu thực hiện) thì DEEP C1 đạt cả 9/9 chỉ tiêu, bao gồm các chỉ tiêu về dịch vụ quản lý KCN, kiểm soát; quy hoạch và thiết kế. Trong số 30 chỉ tiêu về môi trường ( 15 chỉ tiêu bắt buộc, 15 chỉ tiêu thực hiện) thì DEEP C1 đã đạt 22 chỉ tiêu bao gồm 11 chỉ tiêu bắt buộc và 11 chỉ tiêu thực hiện. Đó là các chỉ tiêu về quản lý và quan trắc môi trường; quản lý năng lượng; quản lý nước; rác thải và sử dụng vật liệu; môi trường tự nhiên và chống biến đổi khí hậu. Về 14 chỉ tiêu xã hội (2 bắt buộc, 12 thực hiện), DEEP C1 đạt 11 chỉ tiêu gôm 2 bắt buộc và 9 thực hiện như quản lý và quan trắc xã hội; hạ tầng xã hội; đối thoại cộng đồng. Về 11 chỉ tiêu kinh tế (7 bắt buộc và 4 thực hiện), DEEP C1 đạt 10 chỉ tiêu (6 bắt buộc và 4 thực hiện) bao gồm; Tạo việc làm; hỗ trợ doanh nghiêp địa phương và doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo giá trị kinh tế… Tổng hợp lại, DEEP C1 đã đạt 52/64 chỉ tiêu (26/31 chỉ tiêu bắt buộc và 26/33 chỉ tiêu thực hiện).
DEEP C1 đã thực hiện nhiều dự án liên quan tới KCN sinh thái như dự án kinh tế tuần hoàn (tái sử dụng rác thải làm 200m đường nhựa trong KCN; giai đoạn 2 sử dụng gần 1 tấn rác thải nhựa); tái chế rác thải nhà bếp làm phân compost; tái chế bã cà phê làm phân compost, mục tiêu tạo thu nhập cho người yếu thế và sản phẩm phân compost; tái chế chất thải gypsum là vật liệu xây dựng… DEEP C1 cũng hưởng ứng các dự án thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính như sản xuất năng lượng tái tạo tổng công suất hơn 5800 MWh năm 2023; khu trữ nước và bảo tồn đa dạng sinh học tổng diện tích hơn 85.700 m2, hiện có 54 loại cây và 18 loại con; thay thế 100% bóng đèn Halogen bằng đèn LED; thay thế 100% se máy chạy xăng bằng xe điên; thực hiện dự án thí điểm trồng rừng ngập mặn…
Với những kết quả đó, DEEP C1 tiếp tục được lựa chọn tham gia giai đoạn 2 của Chương trình phát triển KCN sinh thái toàn cầu (GEIPP) với định hướng tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn. Các KCN khác của DEEP C mặc dù không thuộc Chương trình phát triển KCN sinh thái toàn cầu nhưng vẫn triển khai các sáng kiến phát triển bền vững theo định hướng phát triển KCN sinh thái.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững của DEEP C, các chỉ tiêu chưa đạt chủ yếu liên quan tới các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN, ngoài tầm kiểm soát của DEEP C. Đó là các công ty tiêu thụ nhiều điện cần có các biện pháp thu hồi nhiệt; các hoạt động trao đổi nhiệt dư, năng lượng dư giữa các hà đầu tư thứ cấp; tổng mức tiêu thụ điện tái tạo của KCN ít nhất phải bằng tỷ lệ điện tái tạo trên tổng lượng điện hỗn hợp trên lưới điện quốc gia; 10% lượng phát thải khí nhà kính phải được bù bằng các chính chỉ cấp cho việc sử dụng hiệu quả năng lượng (LEED, DGNB, hoặc ISO 50001). Ngoài ra, còn cần ít nhất 25% nước thải đã qua xử lý được tái sử dụng; ít nhất 80% lao động nữ và 80% lao động nam của các nhà đầu tư thứ cấp được có thu nhập công bằng, có nhà ở, được hưởng chế độ chăm sóc, hài lòng với hạ tầng xã hội của doanh nghiệp và KCN; ít nhất 50% số lao động thuộc giới tính thiểu số được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo kỹ năng; ít nhất 25% nguyên vật liệu được mua từ các đơn vị cung cấp địa phương trong bán kính 100 km…
Ngoài ra, trong số các chỉ tiêu của Khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái mà KCN DEEP C1 chưa đạt có các chỉ tiêu liên quan đến việc thiết lập các mô hình cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp. Các mô hình cộng sinh công nghiệp đòi hỏi các bên tham gia phối hợp, chia sẻ các nguồn tài nguyên dùng chung. Việc này gặp khó khăn và gây lúng túng cho các doanh nghiệp do vướng mắc về thủ tục pháp lý, xin cấp phép.
Tương tự như vướng mắc trong hoạt động cộng sinh công nghiệp, giai đoạn 2 của chương trình tập trung vào kinh tế tuần hoàn. Theo đó, một doanh nghiệp sẽ tiếp nhận và xử lý chất thải từ một doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp. Việc tiếp nhận và xử lý chất thải này phải được cơ quan nhà nước cấp phép, thủ tục phức tạp với các điều kiện rất khó khăn. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, bên chuyển giao chất thải và bên tiếp nhận chất thải đều phải nộp hồ sơ xin cấp, điều chỉnh giấy phép môi trường. Ngoài ra bên tiếp nhận chất thải phải có giấy phép xử lý chất thải. Với giấy phép này thì họ có quyền tiếp nhận và xử lý chất thải không chỉ trong mà cả ngoài khu công nghiệp nên thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, với mô hình kinh tế tuần hoàn trong nội bộ khu công nghiệp thì sẽ chỉ tiếp nhận từ 1 hoặc một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chỉ xử lý một hoặc một số loại chất thải nhất định nên phạm vi và quy mô rất nhỏ. Điều này khiến các doanh nghiệp trong khu công nghiệp e ngại trong việc tham gia.
Khu công nghiệp DEEP C muốn được triển khai các dự án tái chế, tái sử dụng chất thải, nước thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn cũng gặp rất nhiều khó khăn khi xin cấp phép. Ví dụ như dự án tái chế rác thải nhà bếp làm phân compost, dự án tái sử dụng nước thải đã qua xử lý để đưa trở lại quy trình sản xuất công nghiệp (làm mát, lò hơi...), dự án chuyển giao bột mài kính của Flat làm vật liệu san lấp (đã có xác nhận của Bộ Xây dựng về sự phù hợp làm vật liệu san lấp của bột mài kính, tuy nhiên hiện nay Flat chưa nhận được phê duyệt của thành phố để chuyển giao cho DEEP C làm vật liệu san lấp theo mô hình cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái)....
Theo DEEP C, dự thảo Nghị định mới của Chính phủ về điện mặt trời áp mái tạo tâm lý e ngại cho các chủ đầu tư khi chỉ được phép tự tiêu thụ mà không được bán cho bên khác hoặc chỉ được đưa lên lưới điện với giá 0 đồng. Việc này dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C trong quá trình chuyển đổi xanh với mục tiêu cung cấp năng lượng điện tái tạo cho các khách hàng trong khu công nghiệp, thay thế một phần năng lượng điện truyền thống sử dụng nguyên liệu hóa thạch hoặc tài nguyên nước.
Cùng với đó là sự e ngại tham gia vào khu công nghiệp sinh thái của các nhà đầu tư thứ cấp. Kiến thức và sự hiểu biết về phát triển bền vững, phát triển khu công nghiệp sinh thái của một số nhà đầu tư còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó là tâm lý lo ngại phải đầu tư nhiều hơn dẫn đến chi phí cao hơn, sự e ngại phải chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất (nguyên vật liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra; thủ tục xin cấp phép phức tạp, mất thời gian, tốn nhân lực. Các yếu tố này khiến các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp không có động lực tham gia vào chương trình khu công nghiệp sinh thái
Từ đó, Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C đề xuất thành phố có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện và cho phép thực hiện các dự án thí điểm tái chế và tuần hoàn kinh tế trong nội bộ khu công nghiệp. Sau khi chứng minh được tính khả thi sẽ làm thủ tục xin cấp phép theo quy định của pháp luật./.
Hồng Thanh
07:41 23/11/2024
22:01 22/11/2024