Hải Phòng là địa phương đi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Bắc nhưng là nơi cuối cùng của miền Bắc được giải phóng.
| Thiếu nhi Hải Phòng chào đón lực lượng vũ trang tiếp quản Hải Phòng 13-5-1955 |
Theo hiệp định Giơ-ne-vơ, Hải Phòng và Kiến An là khu vực địch tập kết 300 ngày để rút khỏi miền Bắc. Thời gian này đã diễn ra cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt chống những âm mưu quỷ quyệt của kẻ địch nhằm phá hoại chúng ta trước mắt và lâu dài. Ngay sau khi ký hiệp định Giơ-ne-vơ, theo sự chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng công an Hải Phòng, Kiến An đã chủ động triển khai công tác góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu phá hoại hiệp định của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ.
Nổi bật là: đấu tranh chống lại âm mưu phá huỷ hoặc tháo dỡ máy móc của các nhà máy di chuyển vào Nam làm tê liệt nền kinh tế thành phố; và ngăn chặn âm mưu thâm độc của địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào chủ yếu là đồng bào công giáo từ các tỉnh kéo về Hải Phòng để di cư vào Nam nhằm làm mất ổn định miền Bắc, chia cắt đất nước ta. Đồng thời lực lượng công an đẩy mạnh hoạt động nắm âm mưu thủ đoạn cài cắm gián điệp, phản động ở lại phá hoại miền bắc. Qua đó chủ động trong công tác đánh địch, tạo tiền đề thuận lợi để đấu tranh thắng lợi với hàng loạt chuyên án gián điệp, phản động làm thất bại âm mưu trước mắt và lâu dài của kẻ thù lúc đó.
Quảng trường nhà hát lớn xưa Trong thời gian 300 ngày, được sự quan tâm của Bộ Công an và công an khu tả ngạn, công an Hải Phòng, Kiến An đã được tăng cường lực lượng, bao gồm nhiều đồng chí có kinh nghiệm công tác, tin cậy, được học tập về chính trị, nội quy, chế độ công tác khi vào tiếp quản nhận bàn giao của địch. Lực lượng công an nhân dân vào tiếp quản Hải Phòng, Kiến An được biên chế vào các đoàn hành chính và đội trật tự.
5 giờ sáng ngày 13-5-1955, lực lượng công an cùng quân đội và các ngành từ các cửa ô vào tiếp quản thành phố. Ta tiến tới đâu, địch rút lui tới đó. Quần chúng nhân dân được sự chỉ dẫn của đoàn thể, cơ sở bí mật đã chuẩn bị từ trước tay cầm cờ, hoa vẫy chào, reo hò hoan hô đoàn quân giải phóng.
Phố Hoàng Văn Thụ xưa Lúc này, lực lượng Công an vừa làm nhiệm vụ tiếp quản các cơ quan công an, cảnh sát địch; vừa giữ gìn an ninh trật tự địa bàn mới tiếp thu; đồng thời triển khai ngay các công tác nghiệp vụ làm nền tảng cho công tác công an sau này: Lực lượng Công an Hải Phòng, Kiến An đã nhanh chóng có mặt ở tất cả các địa điểm tổ chức đăng ký trình diện, đồng thời phân công cán bộ chiến sỹ phụ trách khu vực, xuống từng hộ để tuyên truyền giải thích chính sách khoan hồng của Đảng, nhà nước ta đối với những người lầm đường lạc lối, động viên họ tự giác trình diện và trở lại cơ quan xí nghiệp làm việc, duy trì hoạt động bình thường. Sau một tuần đã có hơn 29.000 ngụy quân, ngụy quyền, 1.305 người trong các đảng phái phản động, 18 tên chỉ điểm, đặc vụ lần lượt ra trình diện chính quyền cách mạng và đã nộp 135 súng các loại, 28 lựu đạn và hàng nghìn viên đạn.
Ngày 19-5-1955, phối hợp với lực lượng quân đội, Công an Hải Phòng bảo vệ an toàn cuộc mít tinh trọng thể có hàng vạn đồng bào tại quảng trường nhà hát thành phố chào mừng quê hương giải phóng. Đặc biệt công an Hải Phòng đã lập kế hoạch và tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quân dân Hải Phòng lần thứ hai vào ngày 2-6-1955.
Ngã tư An Dương Sau ngày tiếp quản, một người dân đem nộp đồn công an Máy Nước 1 bộ điện đài và 1 quyển mật mã. Sau khi kiểm tra xác minh, công an Hải Phòng đã lập án truy tìm đối tượng, đó chính là chuyên án gián điệp Mỹ cài lại GM65 sau này. Đồng thời lực lượng bảo vệ chính trị Công an Hải Phòng đã trực tiếp tổ chức đấu tranh với các đối tượng trong các chuyên án TN25, HF14, DC41 của các cơ quan tình báo nước ngoài.
Thông qua phát động quần chúng, ngày 10-6-1955, lực lượng cảnh sát đã mở đợt tập trung truy quét bắt hơn 300 tên lưu manh côn đồ, vây bắt ổ lưu manh gồm 18 tên ở khách sạn Phúc Châu (thuộc phường Lương Khánh Thiện ngày nay) thu nhiều súng, lựu đạn, lưỡi lê. Đồng thời tiến hành đăng ký quản lý đặc doanh; tập trung thu gom giáo dục hàng trăm gái điếm, người nghiện hút thuốc phiện… góp phần xoá bỏ tệ nạn xã hội, giảm bớt tình hình phức tạp trong thành phố. Chiến công xuất sắc của lực lượng cảnh sát thời điểm này là khẩn trương điều tra làm rõ vụ án bắt giữ 2 hung thủ giết hại bà Nam Tân – một nhà tư sản lúc đó tại nhà riêng ở phố Bonal (nay là phố Nguyễn Đức Cảnh). Khi vụ án xảy ra đã bị bọn xấu lợi dụng tung tin bóp méo sự thật, vu khống chính quyền ta, gây hoang mang trong quần chúng. Hung thủ Sơn Linh bị toà án thành phố tuyên phạt tử hình, đồng phạm thị Nâu bị phạt 16 năm tù. Phá vụ án này đã lấy lại niềm tin với chính quyền cách mạng của nhân dân.
Đầu phố Cầu Đất xưa Vừa chiến đấu, công an Hải Phòng, Kiến An vừa củng cố, bổ sung xây dựng lực lượng trưởng thành hết sức nhanh chóng. Lúc đó công an Hải Phòng đã thành lập các đơn vị chuyên môn là Văn phòng sở, Phòng bảo vệ chính trị, Phòng trị an hành chính, Phòng bảo vệ nội bộ, Phòng quản lý ngoại kiều, trực thuộc có công an 3 quận và 1 huyện. Công an Kiến An thành lập Ban bảo vệ chính trị, Ban trị an hành chính và Văn phòng, trực thuộc có công an thị xã và công an 5 huyện. Với đội ngũ cán bộ đã được tôi luyện trong 9 năm kháng chiến, năng động, sáng tạo trong công tác tiếp quản thành phố, đáp ứng kịp thời yêu cầu giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự và phục vụ công cuộc khôi phục kinh tế những năm sau đó.
Thành phố ổn định, an toàn, nhân dân tin tưởng, phấn khởi trong không khí hòa bình xây dựng là thắng lợi mở đầu thời kỳ mới của cách mạng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho công cuộc đấu tranh chống phản cách mạng giữ gìn an ninh trật tự. Thời gian này cũng đánh dấu một bước phát triển nhanh và tiến bộ gấp bội so với 9 năm kháng chiến cả về tổ chức bộ máy, lãnh đạo chỉ huy và phát triển lực lượng, tạo tiền đề cho lực lượng Công an Hải Phòng, Kiến An hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo.
PV |