Trang trọng Lễ Khai bút tại khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc (Thủy Nguyên)

15:57 18/02/2024

Sáng 17/2 (tức mùng 8 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), UBND huyện Thuỷ Nguyên tổ chức Lễ Khai bút Xuân Giáp Thìn 2024 tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc, xã Quảng Thanh. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Xuân mới, tôn vinh đạo Học, truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Trạng Nguyên Lê Ích Mộc - vị trạng nguyên khai khoa của Hải Phòng.
Đại diện lãnh đạo các sở ngành thành phố và huyện Thủy Nguyên tại lễ dâng hương tưởng nhớ Trạng nguyên Lê Ích Mộc

Lễ khai bút xuân Giáp Thìn và Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ năm 2024 của Huyện Thuỷ Nguyên được tổ chức từ ngày 17/2 đến hết ngày 24/2; cùng với Lễ hội Kỷ niệm 486 năm Ngày mất của Trạng nguyên Lê Ích Mộc được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 2 Âm lịch là dịp tri ân đến Trạng nguyên Lê Ích Mộc và các bậc tiền nhân; mong cầu một năm may mắn, bình an, hạnh phúc; được hoà mình vào nhiều hoạt động trải nghiệm văn hoá, tham gia gìn giữ và phát huy các di sản văn hoá phục vụ cộng đồng.

Sau nghi thức khai hội, các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục& Đào tạo, lãnh đạo huyện Thuỷ Nguyên, cùng các giáo viên và các em học sinh tiêu biểu từ các trường học trên địa bàn huyện thực hiện nghi thức khai bút với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Lễ Khai bút đầu xuân là hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với mọi người dân Việt Nam. Khai bút có ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới tượng trưng cho khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới. Không chỉ vậy, những nét chữ đầu xuân ấy thể hiện một ước nguyện chung về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý.

Một số hình ảnh tại lễ khai bút

Trong khuôn khổ Lễ Khai bút đầu xuân còn giới thiệu nhưng sản phẩm văn hoá, nét đặc trưng truyền thống của đất và người Thuỷ Nguyên như: Hát Đúm, ca Trù; các gian hàng triển lãm những vật phẩm do các em học sinh và thầy cô giáo làm ra…. tạo không khí vui tươi, lành mạnh đầu xuân. Thông qua các hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài thành phố về với Thuỷ Nguyên, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trạng nguyên Lê Ích Mộc người làng Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, Hải Dương, nay thuộc xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Thủa nhỏ, gia cảnh bần hàn, Lê Ích Mộc phải đến ở nhờ chùa Diên Phúc của làng để học. Ông nổi tiếng thông minh.

Mùa xuân năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502) đời Lê Hiến Tông, triều đình mở hội thi kén người tài. Khoa thi năm ấy đỗ 61 người, ông vượt lên đỗ đầu khoa - đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ nhất danh (tức Trạng nguyên). Ra làm quan, ông trải thăng đến chức Tả Thị Lang. Sau khi trí sĩ, ông về quê tiếp tục nghiên cứu đạo phật, bỏ tiền ra tu sửa mở mang chùa Ráng, hưng công xây dựng nhiều chùa tại quê hương và mở trường dạy học đào tạo nhân tài cho quê hương.

Năm 1538, Lê Ích Mộc qua đời hưởng thọ 80 tuổi. Sau khi ông mất, nhân dân Thanh Lãng và nhiều nơi lập đền miếu tôn thờ, đời đời hương khói, cúng tế.

Với tình cảm trân trọng, những năm qua huyện Thủy Nguyên đã huy động các nguồn lực xã hội tập trung quy hoạch, trùng tu, tôn tạo Quần thể Di tích tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc; khôi phục lại rừng Lim mà Quan Trạng từng vun trồng; đồng thời, thực hiện đưa vào phối thờ 17 vị Khoa bảng huyện Thủy Nguyên tại Nhà tưởng niệm, từng bước đưa quần thể di tích trở thành một trung tâm văn hóa có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, một địa điểm du lịch hấp dẫn, góp phần tôn vinh xứng tầm cho vị thế và những đóng góp to lớn của Trạng nguyên.

ĐỖ HIẾU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông