Trọn đời cống hiến cho cách mạng Việt Nam

15:05 16/01/2016

 

Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn
Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23-1-1916 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra, lớn lên trên quê hương Xô - Viết Nghệ Tĩnh - mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, lòng yêu nước nồng nàn cũng như chứng kiến sự tàn bạo của thực dân Pháp với đồng bào đã đánh thức tình yêu nước mãnh liệt, khơi dậy chí khí cách mạng sục sôi của người thanh niên đầy bản lĩnh - Trần Quốc Hoàn.

Ngay từ thời niên thiếu, đồng chí đã tham gia tổ chức Học sinh phản đế của Đảng Cộng sản Đông Dương. Thoát ly gia đình đi làm phu mỏ chì Bo - Neng ở Lào, chàng thanh niên sục sôi tinh thần yêu nước vẫn hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Chính vì vậy, năm 18 tuổi, đồng chí vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cuối năm 1934, đồng chí Trần Quốc Hoàn bị thực dân Pháp bắt, kết án 8 tháng tù giam và 5 năm biệt xứ. Hết hạn tù, chúng đưa đồng chí về Hà Tĩnh. Năm 1936, đồng chí trốn ra Hà Nội, tham gia hoạt động phong trào Mặt trận dân chủ, công tác ở Ban Quản trị của Báo Bạn Dân, Thời Thế, Hà thành thời báo và tham gia các hoạt động công khai của Mặt trận dân chủ. Năm 1937-1939, theo Chỉ thị của Đảng, đồng chí rút vào hoạt động bí mật, tham gia Thường vụ Thành ủy Hà Nội, làm Phó bí thư rồi Bí thư Thành ủy Đảng cộng sản Đông Dương thành phố Hà Nội. Với sự ảnh hưởng lớn đối với phong trào cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn bị địch theo dõi, truy nã gắt gao. Tháng 5-1940, để giữ an toàn cho đồng chí, Đảng đã bố trí cho đồng chí đi khỏi Hà Nội, công tác tại cơ quan in báo Giải phóng, phụ trách Trạm giao thông của Xứ ủy và phụ trách phong trào của hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm một đơn vị Công an trước ngày lên đường đi chiến đấu và công tác ở chiến trường miền Nam.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm một đơn vị Công an trước ngày lên đường đi chiến đấu và công tác ở chiến trường miền Nam.

Đầu năm 1941, đồng chí Trần Quốc Hoàn bị bắt. Lần này, thực dân Pháp kết án đồng chí 6 năm tù và 20 năm quản thúc. Chúng giam tại Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), rồi lưu đầy đồng chí tới Nhà tù Sơn La. Tại nhà tù đế quốc, mặc dù phải chịu cảnh sinh hoạt kham khổ, hà khắc, thiếu thốn, lại bị tra tấn dã man, tàn bạo, phải lao động khổ sai nặng nhọc… nhưng với niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào sự thành công của cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn lạc quan, giữ vững ý chí của người cộng sản.

Đồng chí nhiệt tình, sôi nổi tham gia sinh hoạt chi bộ nhà tù, năm 1944 được bầu làm Bí thư chi bộ, thay đồng chí Lê Thanh Nghị hết hạn được ra tù. Với trách nhiệm là Bí thư chi bộ, đồng chí cùng đồng đội - là những đảng viên trung kiên - đã khéo léo, nhạy bén, mưu trí biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, bồi dưỡng nhiều cán bộ, đồng thời lập ra các ban, các tổ quản lý để điều hành mọi hoạt động giúp công tác đấu tranh có nề nếp, kỷ luật; vừa làm kinh tế, vừa nắm tình hình địch, tập hợp, vận động quần chúng, vận động binh lính địch, bảo vệ nội bộ, chống nội gián, chống âm mưu gây chia rẽ của địch và tổ chức các lớp huấn luyện về chính trị, quân sự; tổ chức sinh hoạt văn nghệ, vui chơi, giải trí nhằm giữ vững tinh thần, chí khí cách mạng của người cộng sản.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với đại biểu dự Hội nghị tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang an ninh miền Nam tháng 6-1976
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với đại biểu dự Hội nghị tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang an ninh miền Nam tháng 6-1976

Là người có tầm nhìn chiến lược, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động thực tiễn nên vào tháng 3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, theo chỉ đạo của Trung ương, đồng chí đã nhạy bén, chủ động nắm thời cơ, cùng Chi bộ lãnh đạo anh em tù chính trị ở Nhà tù Sơn La đề ra nội dung, biện pháp đấu tranh khôn khéo, thuyết phục buộc bọn cai ngục Pháp và tay sai phải trả tự do cho các tù chính trị. Cùng anh em trong Chi bộ, đồng chí tổ chức đưa hơn 200 anh em tù chính trị về xuôi an toàn, kịp thời cung cấp cán bộ cho phong trào cách mạng của Đảng, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Trở về với phong trào cách mạng, tháng 4-1945, Trung ương cử đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp tham gia chuẩn bị và chỉ đạo tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ. Với thời gian rèn luyện, đấu tranh gian khổ trong tù đày, được tôi luyện ý chí sắt đá và phẩm chất cách mạng kiên trung cùng một tầm nhìn chiến lược thời đại, kháng chiến toàn quốc, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn thấm nhuần, quán triệt chủ trương, đường lối, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, sáng tạo, đóng góp công sức, trí tuệ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, viết nên trang sử hào hùng về Cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí còn là phái viên Trung ương Đảng, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc chiến đấu 60 ngày đêm ở Liên khu I “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, sau đó là Bí thư Khu ủy II, Uỷ ban kháng chiến Liên khu II, Bí thư Liên Khu ủy X, Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội.

Đối với Hà Nội, đồng chí 3 lần được phân công làm Bí thư Thành ủy (1939, 1949-1952). Đặc biệt, tháng 9/1954, giải phóng Thủ đô, đồng chí vừa làm Bộ trưởng Bộ Công an vừa được Trung ương chỉ định làm Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy tiếp quản Hà Nội. Trên cương vị Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội, đồng chí cùng Thành ủy Hà Nội lãnh đạo nhân dân Thủ đô đòi thực dân Pháp thi hành nghiêm chỉnh hiệp định, đấu tranh bảo vệ thành phố, bảo vệ xí nghiệp, công sở, chống địch phá hoại, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bên ngoài vào tiếp quản, giải phóng hoàn toàn thủ đô; đề ra nhiệm vụ, phương châm, kế hoạch tiếp quản về quân sự, nội chính, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, y tế; phát động quần chúng đấu tranh chống địch phá hoại, cưỡng ép di dân…

Qua đó, công tác tiếp quản đã hoàn thành tốt đẹp theo đúng sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Đối với công tác công an, đồng chí cũng chính là người đặt nền móng xây dựng, phát triển lý luận CAND Việt Nam với nhiều nội dung lý luận cơ bản của giáo trình nghiệp vụ trong đấu tranh chống tội phạm trên lĩnh vực an ninh trật tự.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn có hơn 30 năm là Uỷ viên BCH TƯ Đảng (1951-1980), hơn 20 năm là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Quân ủy Trung ương (1960-1982), là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII. Đồng chí có gần 28 năm phụ trách ngành Công an, trong đó nhiều năm là Bộ trưởng. Tới năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành TW Đảng, được Trung ương cử làm Trưởng ban Dân vận Trung ương. Ðồng chí Trần Quốc Hoàn đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Suốt cuộc đời, với tài năng cũng như ý thức thường xuyên học tập, trau dồi, tích lũy kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, trên mọi cương vị công tác đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cống hiến trọn cuộc đời phục vụ sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng, của dân tộc, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Minh Phương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông