Trung tâm thương mại đa năng - động lực phát triển du lịch Hải Phòng - Kỳ I: Xuất phát từ nhu cầu thực tế

14:50 08/09/2023

Hiện nay, phần lớn các địa phương vẫn tập trung thu hút du khách và phát triển ngành du lịch bằng việc khai thác các địa điểm nghỉ dưỡng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hoặc những đặc trưng về văn hóa, ẩm thực… Thành phố Hải Phòng với những định hướng phát triển toàn diện đang trở thành thành phố tầm cỡ châu lục, đòi hỏi ngành Du lịch cũng phải có những sự bứt phá, chuyển biến hiện đại. Theo đó, Trung tâm thương mại (TTTM) đa năng là một mô hình hiệu quả mà thành phố có đầy đủ cơ sở và nguồn lực để khai thác như một đòn bẩy phát triển ngành Du lịch.

Nhu cầu cao

Trước tiên, hãy xem xét thực tế ngành du lịch tại các quốc gia khu vực châu Á. Khảo sát một vòng các tour du lịch có lịch trình phù hợp cho nhiều mục đích khác nhau như du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, hoặc du lịch kết hợp xem các trận thi đấu thể thao hay các show nghệ thuật… Song hầu hết các tour du lịch đều sắp xếp cho du khách 1 khoảng thời gian không ngắn để mua sắm. Bên cạnh mua sắm tại các khu chợ, phố đi bộ thì thăm quan và trải nghiệm các TTTM lớn là không thể thiếu.

Tại Hàn Quốc, tòa nhà TTTM thế giới của Tập đoàn Lotte là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch khi tại đây du khách có thể bắt gặp đủ nhãn hàng với nhiều phân khúc giá thành, mua sắm tại các khu vực miễn thuế với nhiều ưu đãi, đặc biệt là có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Seoul từ trên cao cùng với nhiều hoạt động giải trí, ẩm thực đặc trưng. Cũng tại thủ đô Seoul, khách du lịch cũng có thể lựa chọn TTTM Coex nổi tiếng tại khu Gangnam để thỏa mãn đa dạng nhu cầu với không gian giải trí đa dạng của những nhà hàng, cửa tiệm, sự kiện văn hóa, biểu diễn ca nhạc, bảo tàng, thủy cung,…

Nhật Bản hiện có hơn 5000 TTTM, trong đó hơn 1300 điểm có diện tích từ 1ha đến 3ha, hơn 170 điểm có diện tích từ 5ha trở lên. Tại Nhật Bản, hầu như với bất kỳ nhu cầu nào, khách du lịch cũng có thể được đáp ứng dễ dàng trong các TTTM. Trong đó, các TTTM của tập đoàn Aeon Mall xuất hiện tại hầu hết các tỉnh thành của Nhật Bản có thể làm hài lòng mọi cá nhân với các cửa hàng từ cao cấp đến bình dân, từ những thương hiệu xa xỉ đến các sản phẩm đặc trưng của Nhật Bản đi liền với các dịch vụ thư giãn, giải trí, y tế… đa dạng.

Phải công nhận rằng các TTTM trước tiên phải phục vụ cho người dân trên địa bàn. Song, với quy mô và mô hình đủ lớn, các TTTM có thể dễ dàng trở thành một biểu tượng đặc trưng, một địa điểm không thể bỏ qua cho khách du lịch từ các địa phương lân cận cho tới du khách phương xa. Theo đánh giá sơ bộ, nhóm các TTTM lớn và sầm uất tại Việt Nam quy tụ những cái tên quen thuộc như Vincom Times City, Vincom Royal City, Tràng Tiền Plaza, Aeon Mall Long Biên … tại Hà Nội và Sài Gòn Centre, Crescent Mall… tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung bình mỗi ngày, các TTTM này thu hút hàng chục ngàn lượt khách, cao điểm những ngày lễ có thể lên tới hơn 60 nghìn lượt, trong đó có một lượng lớn là khách du lịch từ các tỉnh thành và quốc gia khác. Mặc dù có sự khác biệt về vị trí địa lý, chủ đầu tư, thương hiệu… song các TTTM này đều có điểm chung là được vận hành theo mô hình tổ hợp bao gồm nhiều phân khu, tiện ích như mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, ẩm thực… Việc các gia đình di chuyển vài trăm cây số sang tỉnh thành khác với điểm đến duy nhất là các TTTM lớn vào dịp cuối tuần và ngày lễ đã trở nên dễ dàng khi hệ thống giao thông rất thuận lợi và điều kiện cuộc sống ngày càng nâng cao.

Trung tâm thương mại Aeon Mall Hải Phòng Lê Chân

Nhưng cung chưa đủ

Các TTTM tại thành phố Hải Phòng bắt đầu được hình thành và phát triển mạnh trong khoảng 20 năm trở lại đây với quy mô ngày càng lớn dần. Trong khi người dân mới chỉ quen với việc mua hàng hóa ở chợ và trong các siêu thị nhỏ như Intimex, Ánh Dương thì sự xuất hiện của Siêu thị Metro (2005) và Big C (2006) đã thu hút đông đảo người dân tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa. Năm 2007, TTTM Parkson khai trương ở tòa tháp đôi cao nhất thành phố và tọa lạc trên tuyến đường Lê Hồng Phong đắc địa đã mang lại cho người dân thành phố trải nghiệm với TTTM kết hợp giữa mua sắm và giải trí. Tiếp theo đó, Coopmart (2012), Vincom Lê Thánh Tông (2015), Vincom Imperial (2018) lần lượt được triển khai hoạt động tại thành phố. Tuy nhiên, các TTTM này tại Hải Phòng mới chỉ dừng lại ở các cửa hàng thời trang, hiệu sách, ẩm thực và một số điểm vui chơi trẻ em.

Điều này chắc hẳn chưa thực sự làm hài lòng được du khách khi mà chính người dân Hải Phòng vẫn đến các tỉnh thành phố khác như Hà Nội và Quảng Ninh (Vincom Hạ Long khai trương năm 2014, trước thành phố Hải Phòng). Cho đến năm 2020, TTTM Aeon Mall Lê Chân được khai trương mới phần nào đủ quy mô giải quyết được nhu cầu cho người dân và du khách đến với thành phố Cảng. Có một điều đặc biệt, chỉ một thời gian ngắn sau khi có TTTM mới được khai trương, thì hầu hết các cửa hàng và dịch vụ tại TTTM cũ đều đóng cửa, chuyển sang nơi mới khiến nhiều nơi chỉ còn lác đác bóng người. Vì vậy, sau nhiều năm, đến nay số lượng TTTM được ưa chuộng ở Hải Phòng còn rất ít.

Như vậy, có thể thấy được nhu cầu du lịch để trải nghiệm và sử dụng dịch vụ tại những TTTM lớn, đa chức năng vẫn còn rất lớn đối với cả du khách trong nước cũng như du khách quốc tế khi đến với các tỉnh thành phố tại Việt Nam. Song, Hải Phòng vẫn chưa phải là điểm đến lý tưởng đối với các du khách có nhu cầu này. Phải chăng do số lượng ít hay quy mô và cách thức vận hành các TTTM của Hải Phòng chưa đủ cạnh tranh? Xin được tạm lý giải:

Thứ nhất, nếu để trở thành điểm đến mua sắm cho khách du lịch, thì quy mô hàng hóa chưa đủ đáp ứng. Tại Hải Phòng, hầu hết các nhãn hàng trong TTTM nằm ở phân khúc trung bình trở xuống, hầu như chưa có các thương hiệu cao cấp, nổi tiếng hoặc được ưa chuộng của thế giới. Tuy nhiên, các thương hiệu, sản phẩm tại đây cũng không hẳn là những sản phẩm độc đáo, có tính chất đặc trưng của thành phố, đất nước. Mua sắm tại các TTTM Hải Phòng mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm hàng hóa phổ thông phục vụ nhu cầu hàng ngày, chưa đáp ứng được đa dạng về phân khúc, tính đặc sắc của hàng hóa.

Thứ hai, về giải trí, trong các TTTM của Hải Phòng mới chỉ tập trung cung cấp các dịch vụ vui chơi cho trẻ em, khu chơi game, rạp chiếu phim… So sánh với các TTTM của nơi khác với những thủy cung, bảo tàng, sân trượt băng, nhạc nước… thì khách du lịch khó có thể tìm được điều gì “hay ho” hoặc đáng mong chờ. Đó sẽ là một điểm khó cạnh tranh để thu hút khách du lịch trong các địa bàn lân cận.

Thứ ba, về ẩm thực, trong TTTM lớn nhất của Hải Phòng hiện nay là Aeon Mall Lê Chân, có rất nhiều cửa hàng ăn uống, song phần lớn thực đơn là các món lẩu, nướng, đồ ăn nhanh, đồ Việt truyền thống…có thể bắt gặp ở mọi nơi. Trong khi Hải Phòng đẩy mạnh thu hút khách du lịch bằng food tour thì sự hiện diện một cách chủ động và tập trung của các sản phẩm food tour trong TTTM chưa có nhiều. Nhiều năm trước, người từ Hải Phòng phải đi hơn 100 cây số lên Hà Nội để ăn món lẩu băng chuyền chỉ có trong các TTTM lớn, còn bây giờ thì để ăn món lẩu có thương hiệu Hadilao nổi tiếng. Vậy không có lý do gì mà du khách các tỉnh thành khác không đến với Hải Phòng để tiếp cận dễ dàng với “tổ hợp foodtour” trong một TTTM nào đó nơi đây.

Thứ tư, bên cạnh các nhu cầu phổ biến, các TTTM của Hải Phòng chưa có sự đa dạng trong các dịch vụ khác như chăm sóc sắc đẹp, y tế, thư giãn, giáo dục, biểu diễn nghệ thuật… cũng là một điểm kém hấp dẫn và chưa hút khách.

Từ những nhu cầu thực tế và so sánh với các địa phương phát triển mạnh trong nước cũng như những thành phố hiện đại trong khu vực và châu lục, Hải Phòng chưa phát triển khai thác theo phương hướng phù hợp và hiệu quả hệ thống TTTM vào ngành Du lịch trong khi đây là một trong những điểm đến rất được quan tâm và chú trọng của du khách.

LÊ TẤT (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông