11:54 18/09/2021 Dù không có những biến động tiêu cực, nhưng thị trường hàng hóa thành phố đang trải qua một khoảng thời gian không mấy suôn sẻ bởi “ đa tác động” giữa sự kết hợp của dịch bệnh Covid-19, mưa nhiều và tâm lý “tháng cô hồn”. Trong đó nhóm hàng hóa phục vụ Trung thu cũng lâm vào tình cảnh ảm đạm, khi nhiều phân khúc không thể triển khai như truyền thống như những năm trước.
Khách hàng chờ đến lượt mua bánh Trung thu trên phố Cầu Đất
Bánh truyền thống… vượt khó
Đơn cử như mặt hàng bánh Trung thu, nếu như những năm trước được khởi động trước Rằm tháng Tám (âm lịch) hàng tháng, trên các tuyến phố nhan nhản quầy hàng của các nhà sản xuất lớn, thì năm nay hoạt động này đã không diễn ra vì việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Khảo sát cho thấy, thị trường bánh năm nay khởi động muộn và có quy mô hạn chế, chủ yếu tập trung ở khu vực phố Cầu Đất, một số đại lý bánh kẹo lớn và cũng rất khiêm tốn ở một vài siêu thị
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp, tại Hải Phòng, nhiều thương hiệu bánh Trung thu năm nay chọn mạng Internet là nơi trao đổi chính, thay cho cách tiếp cận thị trường truyền thống. Hơn nữa, sản phẩm bánh Trung thu năm nay không khác nhiều so với năm trước, thậm chí chủng loại ít hơn và giá cả cao hơn một chút so với năm ngoái.
Theo báo giá của một hiệu bánh ở phố Cầu Đất, hầu hết các loại bánh năm nay đều xuất phát điểm từ 50.000 đồng/chiếc, thay cho mức xuất phát 40.000 đồng/chiếc của năm trước. Với những sản phẩm đắt tiền, nhà sản xuất này cũng chỉ nhận làm theo đơn đặt hàng, nhưng thực tế số lượng đơn cũng ít hơn.
Mấy ngày gần đây, ngoài giao dịch trực tuyến, trên phố Cầu Đất đã xuất hiện khá đông khách hàng quan tâm đến các thương hiệu truyền thống như Đông Phương, Như Ý, Thanh Lịch… Càng gần đến Trung thu, lượng khách đến càng nhiều, dù không gây cảnh ách tắc giao thông, nhưng có thời điểm một số cửa hàng phải treo biển báo “hết hàng”.
Một khách hàng tên là T. sau khi mua được sản phẩm của nhà bánh Đ.P, ông T. cho biết, rất nhiều người như ông không đến mua bánh để sử dụng, mà chỉ đề làm quà biếu, ông T. nói: “Trung thu năm nào tôi cũng mua bánh Đ.P để làm quà cho cô giáo các cháu, biếu hai bên nội ngoại và những người thân, vì vậy năm nay dù khó cũng phải mua bằng được, sợ mua thương hiệu khác mất uy tín…”.
Điều đáng mừng là, năm nay bánh Trung thu truyền thống của Hải Phòng được nhiều địa phương khác ở khu vực phía Bắc ưa chuộng, nên mặc dù lưu thông khó khăn trong mùa dịch, nhưng số lượng xuất đi các nơi khác, nhất là Hà Nội không hề nhỏ.
Điểm lưu ý nữa là, mấy năm ngoài lượng bánh truyền thống, thị trường thành phố còn có khá nhiều loại bánh nhập khẩu. Nhưng năm nay phân khúc này co hẹp, chỉ còn một phần nhỏ phục vụ cộng đồng doanh nhân, chuyên gia và người lao động nước ngoài, đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Dịch vụ múa lân – sư dịp Trung thu thất thủ vì Covid-19
Bánh kẹo, đồ uống cũng “nỗ lực”
Thông thường, trong các mâm cỗ Trung thu truyền thống, ngoài bánh Trung thu thì còn nhiều loại hoa quả và bánh kẹo khác được sử dụng. Năm nay, dù dịch Covid-19 gây rất nhiều khó khăn, nhất là việc triển khai giãn cách xã hội kéo dài ở khu vực phía Nam, khiến nhiều loại hoa quả bị hạn chế nguồn cung.
Tuy nhiên tại Hải Phòng, thị trường hoa quả vẫn tương đối ổn, một phần do sản lượng nhãn năm này lớn, phong phú giống loại với giá bán rất rẻ, một phần nguồn hoa quả tự cung khác tại khu vực phía Bắc đang rộ vụ. Giá một số quả ngoài chợ truyền thống đang có giá khá dễ chịu như: Dưa hấu ruột đỏ 15.000 đồng/kg, nhãn vườn 12.000 đồng/kg, nho đỏ 60.000 đồng/kg…
Tương tự như vậy, thị trường bánh kẹo và đồ uống của Hải Phòng cũng đang dồi dào nguồn cung và ổn định về giá. Theo chia sẻ của bà H. – Chủ một đại lý bánh kẹo lớn ở đường Lạch Tray, hiện chỉ có bánh kẹo và đồ uống xuất xứ miền Nam tăng giá và thiếu hàng, còn lại nguồn hàng khu vực phía Bắc cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
Bà H. cũng cho biết thêm, do ảnh hưởng dịch bệnh, thu nhập của người dân giảm nên mức tiêu thụ cũng kém rất nhiều, hầu như không có các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp… đặt mua túi quà tặng hay tổ chức mừng Trung thu như thời điểm trước dịch. Cùng với bánh kẹo, đồ uống cũng đang tiêu thụ khá chậm, bao gồm cả bia, nước ngọt, nước trà, nước gạo các loại.
Ở một diễn biến khác, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, Trung thu thực sự là ngày hội tưng bừng, đồng thời cũng là cơ hội tốt cho thị trường sản phẩm đồ chơi và dịch vụ vui chơi. Nhưng kể từ năm 2020, hoạt động của các tụ điểm vui chơi cho trẻ em trên địa bàn thành phố gần như tê liệt, một phần do chuyển đổi cấu trúc quy hoạch, một phần phải tạm dừng do thực hiện phòng, chống dịch.
Trong khi đó, đồ chơi trẻ em cũng không còn hấp dẫn nữa do thiếu mẫu mã mới và cũng do sức mua của người tiêu dùng đang cạn kiệt vì dịch bệnh. Như tâm sự của chị C. ở ngõ Nam Pháp (quận Ngô Quyền): “Thu nhập khó khăn, thay vì đi vườn trẻ và mua đồ chơi, Trung thu năm nay tôi cho các cháu đi nhà sách mua truyện, nhân thể mua thêm vài cuốn sách tham khảo chuẩn bị cho năm học mới”.
Trong mảng dịch vụ, nhất là dịch vụ tổ chức Trung thu cho các cơ quan, đơn vị dịp Trung thu năm nay hầu như bết bát. Ông T., người chuyên nghề tổ chức sự kiện buồn bã nói: “Mọi năm vào dịp này, chúng tôi nhận được rất nhiều hợp đồng, nhưng năm nay chưa thấy đơn vị nào gọi tới…”.
Còn anh K., vừa là chủ một phường múa, vừa là chủ cơ sở chuyên sản xuất đầu lân, sư, trống hội, mặt nạ… ở phường Hàng Kênh thì cho biết, ngoài những hợp đồng múa phục vụ Trung thu, mọi năm cơ sở anh K. còn tự tổ chức múa ngoài đường phố, đồng thời sản xuất đồ múa cho các khách hàng khác.
Năm nay mọi hoạt động này đều đình trệ do dịch bệnh, “Kể cả được phép hoạt động, đến thời điểm này chúng tôi cũng không chuẩn bị kịp, vì đặc thù đồ múa phải làm mới hoàn toàn, đồ cũ bị đốt bỏ lấy khước…” – anh K chia sẻ.
Nhìn chung, diễn biến của thị trường Trung thu năm nay không còn rộn rã, như đã nói, hầu hết nguyên nhân liên quan đến đại dịch Covid-19, thêm nữa thời tiết năm nay mưa nhiều chứ không đẹp như mọi năm.
Đây cũng là tình cảnh chung của thị trường cũng như toàn xã hội, khi mà dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kinh tế bị ảnh hưởng, thu nhập và nhu cầu của người dân đều giảm sút
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão