Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng: “Thắp sáng” tri thức và hy vọng cho trẻ khuyết tật

    14:50 04/09/2024

     

    Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng sẵn sàng tâm thế đón chào năm học mới

     

    Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đã và đang nỗ lực tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, hiệu quả cho học sinh khiếm thị, khuyết tật trí tuệ. Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ “đặc biệt”, nhà trường thực hiện nhiều giải pháp quan trọng trong việc giảng dạy, nhất là quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Những nỗ lực đó không chỉ giúp học sinh thuận lợi tiếp cận tri thức, mà còn trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để tự tin hòa nhập xã hội.

    Nâng cao chất lượng GDPT 2018

    Năm học 2023-2024, Trường Nuôi Dạy Trẻ Khiếm Thị Hải Phòng có bước phát triển đáng kể với quy mô 13 lớp học với tổng số 160 học sinh, tăng 33 học sinh so với năm học trước; 133 học sinh hoàn thành tốt và hoàn thành theo đánh giá định kỳ cuối năm học, đạt gần 92,4%.

    Năm học 2024 – 2025, nhà trường đón 35 học sinh lớp 1, tương ứng với 3 lớp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường gồm 33 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó có 3 cán bộ, giáo viên trình độ Thạc sĩ; 18 thầy, cô là Cử nhân Đại học, cao đẳng; cùng các giáo viên có chuyên môn về Toán, Tiếng Việt, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục và Tin học… vững chuyên môn, giàu lòng yêu thương, tận tâm với học trò; bảo đảm đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình GDPT 2018.

    Trước thềm năm học 2024 – 2025, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng vô cùng phấn khởi khi được tham gia tập huấn chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học cho trường chuyên biệt do đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Hồ Chí Minh) trực tiếp hướng dẫn.

    Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng cho biết: Những năm gần đây, nhà trường thực hiện nhiều biện pháp đổi mới giáo dục để đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018- chương trình đặt trọng tâm vào phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

    Nhằm giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng cao năng lực để triển khai hiệu quả chương trình này ở các khối lớp tiểu học, nhà trường chủ động kết nối với các chuyên gia thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức đợt chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy ở các nội dung quan trọng: Xây dựng kế hoạch bài giảng; xử lý tình huống sư phạm trong trường chuyên biệt; thực hiện hiệu quả môn học “Hoạt động trải nghiệm”; hướng dẫn phát hiện, can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật; tổ chức bộ môn “Định hướng di chuyển”; sử dụng phần mềm in sách giáo khoa chữ nổi, sử dụng máy in chữ nổi…

    Ý nghĩa hơn cả là tại đợt tập huấn này, các giảng viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu còn hỗ trợ nhà trường các trang, thiết bị giáo dục đặc biệt, như máy in chữ nổi, gậy chỉ đường, giúp nhà trường chủ động trong giảng dạy, tiết kiệm kinh phí đặt mua tài liệu, sách bài tập; trong khi đó học sinh có thể tiếp cận các bài học thuận tiện và an toàn hơn​.

    Một điểm nhấn quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng là việc Ban Giám hiệu nhà trường chú trọng triển khai các chuyên đề giảng dạy phù hợp với từng khối lớp và đặc điểm riêng của học sinh khiếm thị, khuyết tật trí tuệ.

    Đối với khối lớp 1 và 3, nhà trường thực hiện các chuyên đề dạy học môn Toán theo chương trình GDPT 2018. Đồng thời, nhà trường tổ chức dạy môn Tin học là môn bắt buộc đối với khối lớp 3, 4 và 5. Theo đó, tổng số học sinh được học Tin học là 37 em, đạt tỷ lệ 25,7%, tăng 12,5% so với năm học trước.

    Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Hồ Chí Minh) trao tặng nhà trường các trang, thiết bị giáo dục đặc thù

     

    Tạo động lực cho thầy và trò

    Song hành với hoạt động dạy văn hóa theo chương trình GDPT 2018, Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng cũng chú trọng thực hiện tốt chương trình giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật, như giảng dạy kỹ năng sử dụng chữ Braille (chữ nổi), kỹ năng tự phòng vệ bản thân, định hướng di chuyển cho học sinh theo kế hoạch cá nhân; chăm sóc tốt cho học sinh nội trú, bán trú.

    Đây là các nội dung học tập vô cùng quan trọng giúp học sinh khuyết tật tự học và tiếp cận tri thức, bảo đảm an toàn thân thể, cũng như giảm bớt sự phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, là bước đệm giúp các em rèn khả năng tự lập và tự tin hòa nhập cộng đồng​.

    Bên cạnh đó, để tạo hứng thú học tập và bồi dưỡng năng khiếu của học sinh, thời gian qua, Trường còn quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa đa dạng. Các chương trình văn nghệ, thể thao, hội chợ từ thiện, hay thi kể chuyện, đọc thơ đều được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện để tất cả học sinh tham gia, thể hiện bản thân và phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm. Những hoạt động này đã thiết thực giúp các em cảm thấy được quan tâm, tôn trọng, thư giãn sau giờ học.

    Bước sang năm học mới 2024-2025 trong tâm thế quyết tâm thi đua “Dạy tốt, học tốt”, Trường Nuôi Dạy Trẻ Khiếm Thị Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình GDPT 2018, với mục tiêu bảo đảm tất cả học sinh khiếm thị, khuyết tật trí tuệ đều có thể tiếp cận giáo dục một cách công bằng và hiệu quả.

    Cùng với đó, nhà trường tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, đặc biệt là kỹ năng giảng dạy theo các phương pháp thân thiện, sáng tạo và sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy cho học sinh khiếm thị và khuyết tật trí tuệ.

    Để mang lại nhiều cơ hội học tập và phát triển cho các em, nhà trường sẽ tăng cường triển khai các hoạt động giáo dục STEM, nhằm khơi dậy niềm đam mê khám phá khoa học và phát triển tư duy sáng tạo ở học sinh​.

    Trong những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia của các đồng chí lãnh đạo thành phố; Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT), đặc biệt là đồng chí Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở; cùng các phòng ban chuyên môn Sở và các mạnh thường quân.

    Năm học 2024 -2025, nhà trường mong muốn quý lãnh đạo thành phố và Sở GD – ĐT, các ban, ngành, đoàn thể của thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất, bổ sung trang, thiết bị giáo dục đặc thù đáp ứng công tác giảng dạy học sinh khuyết tật. Mặt khác, Ban giám hiệu nhà trường cũng sớm nghiên cứu cơ chế đối với trường khuyết tật nội trú để tham mưu UBND thành phố xây dựng phương án phù hợp, tương xứng.

    LINH ANH 

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông