Trường THPT Hồng Bàng: Mô hình hay phòng chống bạo lực học đường

    14:45 27/04/2018

    Thời gian qua, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra, như: học trò đánh nhau, thầy đánh trò, trò đánh thầy và cũng có cha mẹ học sinh vào trường đánh thầy cô. Đó là chưa kể đến việc lớp học “rớt trần”, cổng trường đổ, thiết bị điện hở... gây nguy cơ mất an toàn đối với giáo viên, học sinh trong các nhà trường. Những hồi chuông đang gióng lên cảnh báo về sự an toàn của học sinh, nhà giáo ngay trong chính nhà trường. Mới đây, mô hình “lớp học an toàn về ANTT” được xây dựng tại Trường THPT Hồng Bàng là một việc làm thiết thực trong phòng chống bạo lực học đường, đảm bảo ATGT...

     

    Hội nghị triển khai mô hình "Lớp học an toàn về ANTT" của Trường THPT Hồng Bàng

    Nguy cơ tiềm ẩn

    Theo khảo sát của Đoàn thanh niên Trường THPT Hồng Bàng, không đứng ngoài vấn đề cấp bách trong học đường hiện nay, nhiều học sinh trong trường vẫn có những hành vi vi phạm pháp luật, như: không đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), hành động biểu hiện bạo lực học đường và sự lo lắng về vấn đề an toàn thiết bị điện, phòng chống cháy nổ.

    Trên cơ sở khảo sát đối với 1.047 học sinh của nhà trường (ở các khối học) về tình hình an toàn trong và ngoài lớp học, Đoàn thanh niên nhà trường đã nhận thấy: về sử dụng các thiết bị điện chưa đúng cách, 60% các em chưa biết cách sử dụng điều hòa, cắm loa, tivi, máy chiếu… đúng theo hướng dẫn và an toàn điện nhất là các tiết hoạt động sinh hoạt do học sinh. Về sử dụng các thiết bị, đồ dùng có khả năng gây cháy, nổ, có đến 31,14% học sinh (trong lớp) và 53,2% (ngoài lớp); trong đó có 80% học sinh dùng sạc điện thoại và điện thoại sử dụng trong ngăn bàn, cặp sách; 10% học sinh sạc điện loa quá tải; 75% học sinh không biết cách sử dụng bình cứu hỏa.

    Về ý thức chấp hành luật ATGT, 11,94% học sinh vi phạm qui định nhà trường và luật ATGT, trong đó: có 5% học sinh còn đi xe trong sân trường, 10% đỗ xe chưa đạt đúng qui định trước vạch sơn tại ngã tư đèn giao thông. Về vi phạm hút thuốc lá, không có học sinh hút thuốc trong lớp và trong sân trường, 3% học sinh lén hút thuốc ngoài nhà trường. Về hành vi ứng xử chưa phù hợp với bạn bè có thể gây xích mích: 12,42% (trong lớp) và 31,42% (ngoài lớp); trong đó có 25% học sinh cảm thấy bức xúc do bị xúc phạm qua lời nói, hành vi; 5% học sinh thể hiện hành động đùa quá giới hạn với bạn bè.

    Về tự ý thức chấp hành tốt nội quy, nề nếp trường THPT Hồng Bàng 2017-2018, có 5,16% (trong lớp); 12,03% (ngoài lớp); trong đó 10% học sinh vi phạm mặc sai quần, áo đồng phục; 5% học sinh nghỉ không có giấy phép của ba mẹ. Về ý thức quan tâm tới vấn đề an toàn học đường, 88,54% (ngoài lớp) và 70,49% (trong lớp) học sinh không quan tâm tới vấn đề an toàn học đường, mặc nhiên việc bảo vệ an toàn là do Đoàn thanh niên và Ban Giám hiệu nhà trường phải chịu trách nhiệm và quản lý.

    Anh Nguyễn Xuân Trung, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Hồng Bàng đánh giá, về mặt tích cực, phần lớn học sinh nhà trường không mắc lỗi vi phạm hình sự, tệ nạn xã hội; đa số ý thức tốt trong tuân thủ nề nếp học sinh trong nội quy nhà trường năm học này. Về mặt tiêu cực, hạn chế, đa số học sinh cảm thấy vấn đề an toàn trong và ngoài lớp học là hiển nhiên và đó là trách nhiệm riêng của thầy cô và nhà trường.

    Trong lớp học, học sinh còn vi phạm những lỗi nề nếp, nội quy; có số ít đã thành thói quen. Vẫn còn hiện tượng học sinh vi phạm các luật: ATGT, quy định độ tuổi hút thuốc lá… Bên cạnh đó, do đặc điểm thói quen sử dụng các thiết bị điện và đồ dùng, thiết bị dạy và học trong lớp học chưa đúng hướng dẫn, bảo quản chưa hợp lý có thể gây cháy, nổm chập điện đã tăng khả năng nguy hiểm trong lớp học.

    Để khắc phục, hạn chế những tồn tại tạo bước chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi học sinh nhà trường và khởi đầu là ý thức cao từ bộ phận lớp học trong nhà trường nâng cao ý thức trách nhiệm của từng học sinh và hiệu quả của vấn đề an ninh học đường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường, Đoàn Thanh niên trường THPT Hồng Bàng đề xuất xây dựng mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ với tên gọi: mô hình “Lớp học an toàn về an ninh trật tự”  nhằm tạo ra môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho học sinh nhà trường...

    Lễ ký kết xây dựng “Lớp học an toàn về an ninh trật tự”

    Mô hình mới

    Sáng 20-4, trên cơ sở đề xuất của Đoàn thanh niên, Trường THPT Hồng Bàng tổ chức triển khai mô hình “Lớp học an toàn về an ninh trật tự”. Mô hình đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của các phòng nghiệp vụ Công an thành phố, Công an quận Hồng Bàng, Công an phường Sở Dầu.

    Ban Chỉ đạo mô hình “Lớp học an toàn về an ninh trật tự” do Hiệu trưởng trường THPT Hồng Bàng ra quyết định thành lập, nhằm tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cán bộ, đảng viên, giáo viên, người lao động và học sinh của trường THPT Hồng Bàng thực hiện nội dung tiêu chí xây dựng mô hình “Lớp học an toàn về an ninh trật tự”; định kỳ báo cáo Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường kết quả thực hiện mô hình (3 tháng/lần) và đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình; đề xuất Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường biểu dương, khen thưởng các tập thể, các nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện mô hình.

    Cô Vương Lệ Thủy, Hiệu Phó trường THPT Hồng Bàng cho biết, lớp học an toàn về an ninh trật tự cần đạt những tiêu chí sau: có cơ sở vật chất đảm bảo sạch sẽ, an toàn: có khẩu hiệu, bảng nội quy theo quy định, được trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định, bàn ghế, đèn, quạt, điện... đảm bảo chất lượng sử dụng và được bảo dưỡng thường xuyên; không có học sinh bị tai nạn nghiêm trọng trong quá trình học tập và trải nghiệm, mọi thành viên trong lớp phải có ý thức gìn giữ và bảo vệ cơ sở vật chất, có kỹ năng thoát hiểm, biết sử dụng các thiết bị PCCC;

    không xảy ra tội phạm và bạo lực học đường; không có học sinh mắc các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật; không có học sinh tham gia hoạt động gây rối, biểu tình, lập hội, nhóm trái phép; không có học sinh vi phạm Luật giao thông, an toàn cháy nổ; chấp hành và thực hiện nghiêm túc nội quy của trường học trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã được Hiệu trưởng ban hành.

    Khi phát hiện các hiện tượng gây nguy cơ mất an toàn cần báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo mô hình và Ban Giám hiệu nhà trường theo quy định. Thường xuyên tổ chức phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của bộ liên ngành và của địa phương về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đến từng cán bộ, giáo viên và học sinh.

    Giáo dục và trang bị cho học sinh những kỹ năng sống cần thiết để các em hiểu và biết cách xử lý một số tình huống thường gặp trong nguy cơ mất an toàn trong và ngoài lớp học. Xây dựng nhóm an ninh lớp học, an ninh trường học và tổ tư vấn an toàn học đường; trong đó, tổ tư vấn an toàn học đường tư vấn tâm lý lứa tuổi định kỳ cho học sinh gồm những cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm, tâm huyết, thực sự yêu mến học sinh, có uy tín; là địa chỉ đáng tin cậy của học sinh, đảm bảo tính bảo mật cá nhân.

    Đoàn trường tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường trong công tác tuyên truyền, phát động các chi đoàn của các lớp tổ chức, duy trì, đổi mới về nội dung, hình thức, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động đoàn, đưa nội dung an toàn lớp học và phòng chống bạo lực học đường vào nội dung giáo dục đoàn viên thanh niên, tiến hành các đợt kiểm tra chuyên đề về nề nếp và an ninh trật tự.

    Giáo viên chủ nhiệm và Ban đại diện cha mẹ học sinh, cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể, Tổ bảo vệ nhà trường cũng cộng đồng trách nhiệm trong thực hiện mô hình.

    Khi phát hiện vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, giáo viên, học sinh báo về ngay cho Ban chỉ đạo để giải quyết trong phạm vi quyền hạn của mình, nếu phức tạp vượt quá thẩm quyền, Ban chỉ đạo báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường và chủ động phối hợp với Công an nơi sở tại giải quyết không để tình hình phức tạp.

    Tổ chức bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn (nếu có), nắm tình hình vụ việc đồng thời Ban chỉ đạo để giải quyết; triển khai lực lượng ngăn chặn, bắt giữ, truy tìm người có hành vi vi phạm pháp luật, thu giữ vật chứng có liên quan; tùy vào tính chất, mức độ của vụ việc mà Ban chỉ đạo đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường các hình thức xử lý học sinh vi phạm theo nội quy của nhà trường.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông