U19 Việt Nam: Con bò bị vắt sữa?

14:41 18/10/2014

 

 

U19 Việt Nam vẫn là thỏi nam châm hút khán giả tới sân trong hoàn cảnh các sân bóng trong nước thường xuyên rơi vào tình trạng trống vắng. Tại giải U21 quốc tế sắp tới, ai cũng biết rằng sự có mặt của các cầu thủ U19 sẽ kéo khán giả đến sân, không như giải U21 quốc gia vừa diễn ra ở Cần Thơ mỗi trận chỉ vài trăm người xem. Tuy vậy, dư luận đặt câu hỏi về lịch thi đấu quá dày đặc với các cầu thủ U19 khi tham gia nhiều giải giao hữu vô thưởng vô phạt liệu có tốt hay không?

Thầy Guillaume Graechen không có ngày nghỉ

Từ khi nhận nhiệm vụ dẫn dắt U19 Việt Nam với nòng cốt là cầu thủ học viện của HAGL, thầy Giôm bắt đầu được biết đến nhiều hơn, đồng nghĩa ông chấp nhận đứng trước nhiều áp lực cùng công việc ngập đầu. Dẫn dắt đội bóng đang là niềm tin yêu của hàng triệu người hâm mộ, ông thừa nhận áp lực vô cùng lớn. Là người khá cởi mở, hay cười nhưng đôi lúc ông thầy người Pháp cũng cảm thấy mệt mỏi, chẳng hạn như sau trận thua 0-6 trước U19 Hàn Quốc. Ông Giôm bỏ ăn, mất ngủ để tìm nguyên nhân và giúp đội chơi khởi sắc trong hai trận còn lại trước Nhật Bản và Trung Quốc.

Thường xuyên xa nhà để chinh phục các mục tiêu cùng U19 Việt Nam, những khoảng thời gian ở bên gia đình thường khá hiếm hoi với thầy Giôm. Sau công việc, gia đình nhỏ tại Pleiku (Gia Lai) với hai đứa con cùng người vợ đảm Ngô Thị Loan luôn là hậu phương vững chắc cho HLV Guilaume Graechen. Vợ thầy Giôm, chị Ngô Thị Loan, từng làm đầu bếp của học viện. Để giúp chồng yên tâm công tác, chị rút lui khỏi công việc để tập trung nuôi dạy hai con.

Nửa cuối tháng 9 vừa qua, gia đình thầy Giôm đã chuyển về biệt thự nhỏ ở ngoại ô TP Pleiku. Việc xây nhà dựng cửa quan trọng trong đời nhưng ông Guilaume Graechen cũng không thể trực tiếp đứng ra thu vén mà phải phó thác cho người tin cậy. Rất may cho thuyền trưởng người Pháp khi ông có được cô vợ đảm đang vừa lo chăm sóc hai đứa con, vừa quán xuyến công việc gia đình.

Từ đầu năm đến nay, chiến lược gia người Pháp luôn theo sát U19 Việt Nam để tập luyện và tham gia các giải đấu trong nước và quốc tế. Sau khi đáp chuyến bay từ Myanmar trở về, thầy Giôm sẽ chỉ có ít ngày nghỉ ngơi tại Pleiku trước khi cùng các học trò ở học viện như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… tiếp tục hành trình tại giải U21 quốc tế tại Cần Thơ, giải sinh viên Đông Nam Á và chuẩn bị cho V-League 2015.

Cầu thủ trẻ bị vắt kiệt sức

Bản danh sách mà HLV Guillaume Graechen đăng ký cho thấy có đến 13 cái tên của U19 là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Đông Triều, Hồng Duy, Văn Sơn, Thanh Tùng, Văn Trường, Anh Tài, Minh Vương, Thanh Hậu, Ksor Úc sẽ có mặt trong đội hình U21 HAGL Arsenal JMG tham gia giải U21 quốc tế. Dư luận đặt câu hỏi liệu lứa U19 có bị "tận dụng tối đa” sức lực dù họ vừa trải qua một giai đoạn thi đấu liên tục.

Công Phượng nói không ra hơi khi trả lời phỏng vấn truyền hình kết thúc trận đấu với U19 Hàn Quốc. "Toàn đội đã đá hết sức” là hình ảnh rõ nét cho thấy họ đã cố đến cạn lực. Rồi đến các tình huống thường xuyên phải nhận bàn thua ở những phút cuối trận tại vòng chung kết U19 châu Á mà nguyên nhân chính là thể lực không đủ để họ có thể theo kèm, giữ cự ly đội hình cũng như chạy bọc lót cho nhau.

Chỉ trong vòng một năm qua U19 HAGL đã thi đấu 38 trận. Một con số quá lớn nếu nhìn vào số trận mà các bậc đàn anh khi đá V-League và kể cả AFC Cup năm qua cũng chỉ đến 30 trận. Chỉ tính riêng trong hơn hai tháng vừa qua, họ đã có 17 trận đấu. Với cầu thủ trẻ việc được thi đấu càng nhiều sẽ càng có lợi, nhưng U19 Việt Nam vốn không được đánh giá cao về thể lực, sức mạnh nên với mật độ thi đấu dày như vậy dễ dẫn đến tình trạng chấn thương của các cầu thủ. Có người cho rằng nếu không có thể lực mà buộc phải liên tục tham gia các giải đấu dày đặc, liệu họ tích luỹ được bao nhiêu kinh nghiệm.

Lê Hiếu


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông