14:11 11/11/2024 Trong kỷ nguyên công nghệ số, AI đã và đang trở thành công cụ mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội mới để tạo ra môi trường học tập tương tác và hiệu quả. Theo đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tích cực định hướng, bồi dưỡng năng lực số cho giáo viên và học sinh; cũng như thực hiện các chuyên đề lan toả kinh nghiệm đưa thành tựu của công nghệ số vào dạy học chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Thích thú với tiết học “thông minh”
Đầu tháng 10 vừa qua, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng và học sinh lớp 5A5, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng) đã xây dựng tiết học tìm hiểu kiến thức về Địa lý vô cùng sôi nổi và hấp dẫn tại phòng học thông minh của nhà trường.
Theo đó, với bài học “Thiên nhiên Việt Nam - Tiết 1”, nội dung “Khoáng sản”, cô Hồng và các em học sinh đã sử dụng các thiết bị, phương tiện học tập hiện đại, như máy tính bảng kết nối internet, kính 3D; khai thác tư liệu từ kho học liệu số trong thư viện số, ứng dụng bản đồ số (Google Earth) để thực hiện các nhiệm vụ học tập; trải nghiệm, khám phá không gian thực tế ảo; tương tác đa chiều giữa giáo viên và học sinh, học sinh với học sinh trong mỗi nhóm. Qua tiết học, học sinh nắm bắt kiến thức một cách tự nhiên, hào hứng, cũng như thêm cơ hội rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Em Vũ Diệu Linh, học sinh lớp 5A5, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng bày tỏ: Với việc được tiếp cận kiến thức thông qua lời giảng của cô giáo, kết hợp sử dụng các thiết bị công nghệ số, chúng em chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin phục vụ bài học; biết thêm được đặc trưng khoáng sản của các vùng, miền; đặc biệt là được thoả sức quan sát nhiều hình ảnh trong cuộc sống, đi tìm mỏ quặng “ảo” mô phỏng như trên thực tế. Vì thế, em thấy bài học trở nên gần gũi, dễ dàng ghi nhớ các nội dung.
Cũng tích cực nghiên cứu và đưa thành tựu của công nghệ số vào giảng dạy, ngày 26/9/2024, Trường THCSTrần Phú (quận Lê Chân) tổ chức chuyên đề cấp thành phố “Sử dụng công nghệ AI hỗ trợ giáo viên dạy học môn khoa học tự nhiên”. Tại chuyên đề, cô giáo Lưu Thị Mai Phương và các em học sinh thực hiện tiết dạy minh hoạ: Tiết 103 - Bài 6: “Giới thiệu về liên kết hóa học” ở sách Khoa học tự nhiên lớp 7 thuộc bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống.
Trong tiết học này, việc ứng dụng công nghệ AI và các phần mềm vào giảng dạy đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Cô giáo đã triển khai các công cụ như Chat GPT để hỗ trợ học sinh giải thích kiến thức một cách chi tiết, và phần mềm mô phỏng giúp học sinh quan sát cấu trúc và quá trình hình thành liên kết hóa học một cách trực quan. Đồng thời, việc sử dụng các phần mềm kiểm tra như Kahoot đã tạo ra môi trường học tập tương tác, giúp đánh giá hiệu quả hơn.
Ngoài ra, giáo viên còn khuyến khích việc sử dụng các phần mềm tạo bài hát, thơ, vè và bản đồ tư duy để giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sáng tạo. Những công cụ này không chỉ làm cho bài học trở nên sinh động, sáng tạo mà còn nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, hướng đến một môi trường học tập hiện đại và hiệu quả.
Cần “ứng dụng”, tránh “lạm dụng”
Năm học 2024 - 2025 là là năm học mà ngành giáo dục thành phố phải bứt tốc để về đích hoàn thành chu trình đổi mới GDPT, triển khai Chương trình GDPT 2018. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) đã chủ động xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm học, triển khai chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục. Cùng với đó, các trường học đăng ký chuyên đề từ cấp cơ sở đến cấp thành phố nhằm tạo cơ hội trao đổi, giao lưu học tập kinh nghiệm trong chuyên môn, nhằm triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Cô Lê Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân) cho biết: Việc giảng dạy môn Khoa học Tự nhiên của nhà trường đang đối mặt với nhiều thách thức do số lượng học sinh đông, trong khi đội ngũ giáo viên chưa thể đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng chuyên môn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của công nghệ AI đang mở ra những giải pháp tiềm năng cho vấn đề này.
Nhờ AI, giáo viên có thể tạo ra các bài giảng sinh động và trực quan, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, AI còn hỗ trợ cá nhân hóa quá trình học tập, tạo ra môi trường học tập tương tác và hiệu quả, giúp giáo viên tự tin hơn trong việc giảng dạy môn Khoa học Tự nhiên, dù phải dạy chéo chuyên môn. Bằng cách tận dụng AI, nhà trường có thể nâng cao trải nghiệm học tập của học sinh, tạo ra những bài giảng mà trước đây chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm. Các thí nghiệm ảo với mô phỏng sinh động sẽ giúp học sinh hiểu sâu hơn về bài học, từ đó khơi dậy sự hứng thú và niềm đam mê học hỏi.
Để chuẩn bị cho Chuyên đề cấp thành phố “Sử dụng công nghệ AI hỗ trợ giáo viên dạy học môn khoa học tự nhiên”, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo tổ, nhóm Khoa học tự nhiên xây dựng kế hoạch, thảo luận hướng triển khai nhiệm vụ cụ thể, nghiên cứu bài học và tham khảo tài liệu, xin ý kiến của chuyên gia AI để cùng thúc đẩy và nâng cao hiệu quả dạy học; sao cho vừa phát huy được tinh hoa của phương pháp truyền thống vừa khai thác được thế mạnh của phương pháp dạy học hiện đại và tích cực.
Theo đồng chí Phạm Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT: "Chương trình GDPT mới chú trọng phát triển năng lực học sinh, gồm năng lực tự chủ, tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cần được quan tâm. Để phát triển toàn diện năng lự của học trò, các thầy, cô giáo cần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, trong đó ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giảng dậy và học tập là xu thế tất yếu.
Với sự hỗ trợ của AI, giáo viên có thêm công cụ mạnh mẽ để truyền tải kiến thức, học sinh có môi trường học tập tốt hơn và ngành giáo dục sẽ đạt được những bước tiến xa hơn. Tuy nhiên, AI không thay thế sự tương tác của giáo viên và học sinh trong lớp học. Hơn hết, vai trò của người thầy trong việc truyền thụ, dẫn dắt học sinh tiếp thu kiến thức vẫn là trọng tâm".
LINH ANH
21:17 22/11/2024
17:01 20/11/2024