Đối với nhiều người châu Á, uống rượu là một việc không mấy dễ chịu.Nguyên nhân là rượu khiến họ cảm thấy buồn nuôn và gây ra hiện tượng đỏmặt.
| |
Giờ đây các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản và Mỹ đã tìm ra một liên hệ giữa đỏ mặt khi uống rượu và bệnh ung thư thực quản. Cụ thể là ai uống rượu hay bị đỏ mặt thì có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao hơn.
Theo Tiến sĩ Philip Brooks ở Viện nghiên cứu quốc gia Mỹ về lạm dụng rượu và chứng nghiện rượu, một số người gốc Đông Á có mang một loại biến dị di truyền gây ra sự thiếu hụt trong sản xuất loại enzyme ALDH2. Đây là nguyên nhân khiến mặt của họ đỏ dừ khi uống rượu. Hiện khá nhiều người Đông Á bị thiếu hụt ALDH2.
Tiến sĩ Philip Brooks đã làm việc chung với nhà nghiên cứu Nhật Bản Akira Yokoyama – người cũng quan tâm đến hiện tượng đỏ mặt khi uống rượu. Cả hai đã nghiên cứu trong nhiều năm các dữ liệu thu thập được ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Kết quả cho thấy, người đỏ mặt khi uống rượu có nguy cao mắc ung thư thực quản cao gấp 10 so với người không biến sắc khi uống rượu.
Hai nhà khoa học giải thích: rượu khi vào cơ thể sẽ được chuyển hoá theo hai bước. Đầu tiên, enzyme ADH chuyển hóa ethanol có trong rượu thành acetaldehyde (độc). Bước thứ hai, enzyme ALDH2 chuyển hóa acetaldehyde thành acetate (không độc). Ở những người thiếu hụt enzyme ALDH2 thì cơ thể không chuyển hoá hết acetaldehyde thành acetate.
Khi acetaldehyde ngày càng nhiều trong máu, nó gây ra hiện tượng buồn nôn và mặt đỏ phừng phừng, báo hiệu cơ thể có dấu hiệu nhiễm độc. Chất này có khả năng gây đột biến gen và tạo ra tế bào ung thư. Tuy nhiên, những người thiếu hụt enzyme ALDH2 không có nghĩa là sẽ bị ung thư thực quản. Họ chỉ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, và trên thực tế bệnh ung thư thực quản lại thấy nhiều ở người uống được rượu.
Các nhà khoa học giải thích: do những người thiếu hụt enzyme ALDH2 hay bị đỏ mặt và buồn nôn nên họ dừng uống rượu ngay khi cảm thấy khó chịu. Còn những người đủ enzyme ALDH2 thì không bị đỏ mặt và cứ thế “tiếp tục nâng ly”. Dù rằng họ chuyển hoá acetaldehyde thành acetate rất tốt, nhưng cơ thể có một giới hạn nhất định, không thể chuyển hoá hết 100%. Vì vậy, càng uống rượu nhiều thì càng có nguy cơ tích tụ acetaldehyde, càng dễ bị ung thư thực quản.
A.V (theo VOA) |