Vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Hải Phòng phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên để phát triển nhanh và đột phá

15:45 16/01/2023

Bài 1: Vị thế Hải Phòng - nguồn lực quý giá

            Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố tình cảm và sự quan tâm đặc biệt.Hải Phòng rất vinh dự và tự hào được 9 lần đón Bác về thăm và làm việc.Bác đã xác định rất rõ vai trò, vị thế của Hải Phòng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước và luôn căn dặn thành phố phải phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, “xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố gương mẫu của nước ta”. Tâm nguyện của Bác cũng chính là mong muốn, khát khao cháy bỏng của người dân Hải Phòng, là động lực để thành phố không ngừng vươn lên, biến khát vọng thành hiện thực sống động trên thành phố Cảng.

                                                                 Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị thế Hải Phòng

           Hải Phòng - vùng đất cửa biển miền Đông Bắc Tổ quốc, luôn giữ vị trí chiến lược trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.Các triều đại phong kiến nước ta đều xác định vùng đất này chính là “yết hầu của Kinh thành”.Nói tới Hải Phòng là nhớ tới Nữ tướng Lê Chân, người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa - thành phố Hải Phòng ngày nay; là nói tới 3 trận chiến thắng lừng lẫy, oanh liệt của cha ông ta trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc. Đây là dòng sông đã đi vào huyền thoại, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến khi nói về các giai đoạn lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta:  “Mênh mông một dải Bạch Đằng- Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh”. Đó chính là vị thế của Hải Phòng về địa lý, về lịch sử, về truyền thống, là nguồn lực tinh thần vô giá của người dân Hải Phòng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết lại.

          Trong những năm đầu thế kỷ 20, với vị trí là một trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của cả nước, trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn Hải Phòng là một trong những “chiếc nôi” hình thành giai cấp công nhân Việt Nam, là “đầu cầu” tiếp nhận chủ nghĩa Mác- Lê nin do Người truyền bá.Năm 1925, người đã cử đồng chí Hồ Tùng Mậu về Hải Phòng xây dựng cơ sở giao thông, lập “Huệ quần thư điếm”- trạm đưa thanh niên yêu nước sang Quảng Châu (Trung Quốc) huấn luyện chính trị.

       Năm 1926, người cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng về Hải Phòng mở đường liên lạc tàu biển Hải Phòng- Hương Cảng- Thượng Hải  để đón cán bộ và chuyển tài liệu về nước. Năm 1927, Người cho thành lập Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội Hải Phòng. Tháng 4-1929 thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên gồm 3 người do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Các báo cáo của Người gửi Quốc tế Cộng sản; thư gửi Trung ương Đảng; Xứ ủy Bắc kỳ đều phân tích đậm nét phong trào cách mạng tại Hải Phòng. Dưới sự lãnh đạo và dẫn dắt của Người, nhiều nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng như Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Linh, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Lương Bằng… dấn thân hoạt động xây dựng phong trào cách mạng, thực hiện chủ trương vô sản hóa tại Hải Phòng.

           Chính diễn biến sôi sục của phong trào công nhân, phong trào yêu nước và thực tiễn tình hình cách mạng tại Hải Phòng đã góp một phần vào việc thúc đẩy quá trình ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ hai tháng sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, vào tháng 4 - 1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã thành lập Đảng bộ Hải Phòng - một trong những đảng bộ địa phương đầu tiên của cả nước. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trở thành vị Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hải Phòng. Đó chính là niềm tự hào, là nguồn lực, là động lực vô giá của Hải Phòng, xuất phát từ vai trò, vị thế của Hải Phòng và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát huy, gây dựng.

                                      

           Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại 9 lần về thăm Hải Phòng. Ảnh: Bác Hồ thăm cảng Hải Phòng (ảnh tư liệu)

          Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hải Phòng còn vô cùng tự hào khi được 9 lần đón Bác về thăm và làm việc. Những lời căn dặn ân cần của Người về đạo đức cách mạng: Cần- Kiệm-Liêm-Chính-Chí-Công-Vô tư; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng… được Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng ghi nhớ, làm theo trong suốt chặng đường bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố.

        Tư tưởng xuyên suốt mà Người căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Phòng là: “Chăm lo xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, đoàn kết, dân chủ, lao động sáng tạo, quyết tâm phấn đấu đưa thành phố phát triển”; “Khuyên đồng bào miền bể thực hành đời sống mới, ra sức kiến thiết” và “Đồng tâm hiệp lực…, phấn đấu cho thành phố Hải Phòng trở thành một thành phố gương mẫu của cả nước”. Như thế, Bác đã xác định vị thế về mọi mặt cho Hải Phòng và mong muốn thành phố phát huy mạnh mẽ vị thế ấy để phát triển.

                                                                        Hải Phòng là động lực phát triển của cả nước

          Vị thế của Hải Phòng được thể hiện rất rõ nét trong các nghị quyết của Đảng. Nghị quyết 32 ngày 5- 8- 2003 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” xác định Hải Phòng là thành phố cảng, công nghiệp hiện đại, là đô thị trung tâm cấp quốc gia, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía bắc, có cảng nước sâu; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển; một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ, du lịch, thủy sản, giáo dục và y tế của vùng duyên hải Bắc bộ; một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng an ninh; có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị không ngừng lớn mạnh, đời sống nhân dân ngày một nâng cao.

          Kết luận 72 ngày 10-10-2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện NQ 32 xác định: Hải Phòng cần phát triển theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao; một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng - an ninh; có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2020.

Cảng biển nước sâu lớn nhất phía bắc góp phần quan trọng tạo nên vị thế động lực phát triển của cả vùng cho Hải Phòng (ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa)

          Và tới ngày 24-1-2019, Bộ Chinh trị ban hành Nghị quyết 45 về về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ quan điểm: xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước.

       Mục tiêu tổng quát được NQ 45 xác định là: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistic; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học- công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng- an ninh được giữ vững”.Cùng với đó, Bộ Chính trị cũng xác định rõ các mục tiêu cụ thể cho Hải Phòng tới năm 2025; 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

                                                                                                                      Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông