09:50 18/10/2022 Nghị quyết 35 ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã xác định đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu (được đặt ở vị trí thứ 2 trong 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm). Điều này cho thấy quan điểm, tư tưởng của Đảng và vai trò của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, thời đại của cách mạng 4.0, thế giới phẳng, mọi thông tin trên toàn cầu có thể được chuyển tải chỉ trong nháy mắt. Chính vì thế, Trung ương Đảng và các Thành ủy, Tỉnh ủy, trong đó có Thành ủy Hải Phòng luôn đề cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trọng tâm là hệ thống Tuyên giáo các cấp, với yêu cầu “phải đi trước một bước” để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Bài 1:
VẬN DỤNG SÁNG TẠO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bởi theo Người , tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm;“công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất”; “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”. Tư tưởng đó đã được Người áp dụng triệt để và Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong quá trình lãnh đạo các giai đoạn cách mạng của nước ta, là nhân tố quan trọng để cách mạng nước ta giành hết thắng lợi này đến tháng lợi khác.
Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng đại tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị tổng tư lệnh tối cao, đồng thời là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Ngay từ những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã viết hàng trăm bài báo. Người tìm cách thông qua hoạt động báo chí để tố cáo tội ác của thực dân Pháp gây ra cho nhân dân Đông Dương, tranh thủ sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thức tỉnh tinh thần yêu nước của bà con Việt kiều và cũng qua họ tìm cách đưa một số tài liệu báo chí về nước bằng nhiều con đường khác nhau để giác ngộ tinh thần độc lập dân tộc của nhân dân ta.
Người đã lựa chọn một số thanh niên tiêu biểu đưa sang đào tạo tại Liên Xô, mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày cho một số thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), chuẩn bị đội ngũ cán bộ trở về nước để tổ chức hoạt động, đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930, công tác tư tưởng của Đảng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu.Người có rất nhiều bài viết tuyên truyền sắc bén để hiệu triệu phong trào cách mạng, kêu gọi nhân dân nhất tề đứng dậy đánh đuổi thực dân, đế quốc.
Ngay sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư Kính báo đồng bào, kêu gọi 20 triệu con Lạc cháu Hồng hãy nêu cao truyền thống anh hùng bất khuất, đoàn kết toàn dân đánh đuổi Pháp- Nhật. Người viết, “trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thẩy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đuổi bọn đế quốc và bọn Việt gian, đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng, giành tự do độc lập” . Tháng 8- 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, kêu gọi toàn thể đồng bào “không thể chậm trễ”, “toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Những lời kêu gọi của Người chạm tới trái tim của mỗi người dân đất Việt, biến thành sức mạnh to lớn, vượt qua mọi gian khổ hy sinh để giành thắng lợi, mang lại độc lập tự do cho dân tộc. Bởi vậy, có hàng triệu bài nói, bài viết, văn, thơ của Người được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật tập hợp, xuất bản năm 2011 gồm 15 tập, mỗi tập đều dày 500- 600 trang, liên quan tới tất cả các lĩnh vực.
Đó cũng chính là cách mà Người làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho Đảng, đưa tư tưởng của Người, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng tới các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân một cách dung dị, dễ hiểu, dễ thực hiện và đi vào lòng người nhất.
Trong tổ chức thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, bao giờ công tác tư tưởng cũng phải đi trước một bước, phải không ngừng đổi mới để phù hợp với những điều kiện cụ thể của hoàn cảnh, đối tượng, phục vụ cho sự nghiệp chung của cách mạng. Để làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng tới công tác tuyên truyền. Người nói: “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt. Phải làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thắng, tư tưởng cá nhân hoàn toàn thất bại”. Do vậy, “mỗi đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi cấp ủy đảng phải luôn luôn tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, bảo đảm chặt chẽ kỷ luật và tổ chức của Đảng”.
Người nhấn mạnh: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại” . Để cảnh báo và nêu ra phương pháp đấu tranh chống sự phá hoại của các thế lực thù địch, Người nói: kẻ thù “không những chiến tranh xâm lược bằng quân sự, chúng còn chiến tranh bằng tuyên truyền. Chúng dùng báo chí và phát thanh hàng ngày, tranh ảnh và sách vở in rất đẹp, các nhà hát, các trường học, các lễ cúng bái ở nhà thờ và chùa chiền, các cuộc hội họp… để tuyên truyền. Nhất là chúng lợi dụng những sai lầm khuyết điểm của cán bộ ta - để tuyên truyền”.
Do đó, để đấu tranh, chúng ta cần giải thích cho nhân dân hiểu, nêu những cái xấu, sự hung ác của chúng, thu thập tài liệu để viết bài đấu tranh phản bác.
Trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của báo chí. Người nói: “các báo chí phải khuyến khích những người tốt việc tốt và thẳng thắn phê bình những điều xấu như lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu. Đó là một việc làm rất cần thiết”.
Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Người khuyên, mỗi khi viết một bài báo phải tự đặt câu hỏi: “viết cho ai xem, viết để làm gì, viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”.
Đối với cán bộ Tuyên giáo cũng vậy, Bác yêu cầu phải nói và viết sao cho “phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”, làm cho người nghe, người đọc “hiểu được, nhớ được và làm được”. Không những thế, Bác còn chỉ rõ: cán bộ Tuyên giáo phải có phong cách đi sâu, đi sát cơ sở, đến những mũi nhọn của mặt trận sản xuất và chiến đấu, nơi có phong trào khá và cả những nơi có phong trào kém, phát hiện và giải đáp được những vấn đề do cuộc sống đặt ra.
Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lý luận, nhà báo, nhà tuyên truyền, cổ động kiệt xuất. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là một di sản đồ sộ về lý luận công tác tư tưởng và thực tiễn hoạt động tư tưởng. Tầm vóc tư tưởng của Người khởi nguyên cho quá trình tư tưởng giải phóng dân tộc Việt Nam, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội./.
(còn nữa)
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024