Đất nước đã hòa bình hơn 3 thập niên, nhưng nỗi đau cuộc chiến vẫn còndai dẳng đến ngày hôm nay, bởi di chứng chất độc da cam/dioxin vẫn đangâm ỉ trong nhiều gia đình trên địa bàn TP.
| Nhìn 3 đứa con bại liệt, vợ chồng ông Hằng như đứt từng khúc ruột |
Bất hạnh vẫn đè nặng
Đến xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng hỏi nhà cựu chiến binh (CCB) Vũ Xuân Hằng, 63 tuổi, ở thôn Bắc Phong thì ai cũng biết và đồng cảm với hoàn cảnh đặc biệt của ông. Vừa bước vào nhà, chúng tôi đã nghe thấy tiếng la hét của 3 đứa con trai đang nằm liệt giường. Có khách đến nhà nhưng ông Hằng vẫn phải chạy đến lật người các con xem chúng có “tè” hay “tũn” ra giường không rồi mới yên tâm. Chứng kiến cảnh đó, lòng chúng tôi không khỏi xót xa trước những bất hạnh mà suốt hơn 30 năm qua, người CCB này vẫn đang âm thầm gánh chịu.
Năm 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, chàng trai Vũ Xuân Hằng lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Hơn 9 năm ăn lán, ngủ rừng dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông rời quân ngũ trở về quê hương lập gia đình với bà Bùi Thị Nhũng (người cùng làng). Lúc đó, ông Hằng không hề hay biết trong quá trình chiến đấu tại chiến trường, cơ thể mình đã bị nhiễm chất độc hủy diệt do giặc Mỹ trút xuống những cánh rừng.
Thứ chất độc đó vô hình truyền cho những đứa con vô tội. Năm 1978, vợ chồng ông sinh con gái đầu lòng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến người con thứ 2 Vũ Văn Xô, sinh 1980, 7-8 tháng tuổi mà không biết cười, đặt đâu nằm đấy, chân tay cứ mềm oặt như bún rồi teo dần. Bất hạnh lại đổ dồn xuống gia đình bé nhỏ này khi 2 con trai: Vũ Văn Vinh, sinh 1983 và Vũ Văn Hiến, sinh 1985, cùng chung số phận với Xô.
Ông Hằng tâm sự: "Hồi đó, vợ chồng tôi chưa được biết về chất độc da cam nên sinh thêm 2 người con: Vũ Thị Doan và Vũ Văn Doàn. Hy vọng quá mong manh bởi cháu Doàn tiếp tục bị di chứng bại não và liệt. Vậy là 6 lần vượt cạn thì 4 đứa con trai đều bại não, đặt đâu nằm đó, chẳng nhận biết được người thân, 1 đứa đã chết”. Nhiều lần, vợ chồng ông đưa các con đi khắp nơi để chữa bệnh nhưng đều trở về trong vô vọng. Cũng do nhiễm chất độc da cam, mấy năm nay ông Hằng đau ốm triền miên, cơ thể đau nhức, hoa mắt, chóng mặt. Mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái đều đè nặng lên đôi vai người vợ tần tảo.
Bà Nhũng gạt nước mắt: “Người ta chỉ nuôi con thơ 8-9 tháng, còn tôi thì con thơ suốt 30 năm. Đêm nào tôi cũng phải dậy 3-4 lần để thay quần áo cho các con. Mỗi khi thời tiết thay đổi các cháu đau nhức mình mẩy, quấy khóc, la hét rồi lên cơn co giật. Chứng kiến cảnh các con vận lộn với cơn đau vò xé cơ thể, tôi chỉ còn biết nhìn con mà khóc”.
Ông Phạm Thế Chờ, thôn Lô Đông, xã Vĩnh Long, Vĩnh Bảo, cũng là một trong hàng nghìn CCB nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau khi rời chiến trường miền Đông Nam Bộ, ông trở về quê hương xây dựng cơ nghiệp. Vợ chồng ông sinh 6 người con thì 2 người con: Phạm Thế Chuyến (33 tuổi) và Phạm Thế Tuyền (31 tuổi) càng lớn càng ngẩn ngơ, thỉnh thoảng lại ngã lăn quay, co giật, thường xuyên bỏ nhà đi lang thang. Trong đó, anh Chuyến mắc bệnh tâm thần, không tự ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải nhờ đến bố, mẹ. Bản thân ông Chờ là trụ cột gia đình lại thường xuyên đau yếu, mắc bệnh tim mạch. Thu nhập của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng nước, thời điểm mùa vụ thất bát thì cơm cũng chẳng đủ ăn...
Chung tay xoa dịu nỗi đau
TP Hải Phòng hiện có trên 17.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có hơn 7.000 người đang có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sở Lao động - Thương binh & Xã hội chi trả đủ cho các đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các CCB và con cháu bị di chứng da cam đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi sức khỏe yếu, chi phí thuốc men hàng tháng cao, các khoản phụ cấp chế độ của Nhà nước chỉ bù đắp được phần nào những thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày.
Để chung tay xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam, từ khi thành lập đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP đã tranh thủ mọi sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và những nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, tạo điều kiện để Hội nhân rộng các hoạt động từ thiện, nhân đạo. 5 năm qua, Hội và các chi hội cơ sở đã vận động được trên 8 tỷ đồng, triển khai tặng quà cho gần 20 nghìn lượt hội viên; hỗ trợ, nâng cấp và xây dựng mới gần 100 ngôi nhà tình nghĩa, 500 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đột xuất.
Hội còn tạo điều kiện cho 40 nạn nhân được học chữ, học nghề. Bên cạnh đó, Hội còn đề xuất, giới thiệu những địa chỉ hội viên nghèo để kêu gọi sự giúp đỡ, giúp họ xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần để vươn lên trong cuộc sống. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ 5 gia đình nạn nhân da cam, mỗi căn nhà trị giá 20 triệu đồng; 57 nạn nhân được khám, chữa bệnh miễn phí, tổng trị giá gần 170 triệu đồng.
Tháng 8, trên địa bàn TP có nhiều hoạt động từ thiện vì nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, Thành đoàn đã quyên góp, ủng hộ được 800 triệu đồng. Với số tiền cùng sự đóng góp của các tổ chức từ thiện thông qua chương trình “Những tấm lòng đồng cảm", sẽ có 1.000 nạn nhân nghèo được hưởng trợ cấp. Hội CTĐ vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ 200 quạt điện, xe lăn và 2 suất học bổng, tổng trị giá gần 80 triệu đồng...
Từ sự quan tâm, hỗ trợ về tinh thần của Hội nạn nhân chất độc da cam, cùng các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức từ thiện đã phần nào chia sẻ nỗi đau với những gia đình, bản thân nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn. Để tiếp thêm sức mạnh xoa dịu nỗi đau ca cam, vượt lên số phận nghiệt ngã, hơn bao giờ hết, những người lính thời bình rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội và sự đùm bọc bằng những tấm lòng nhân ái của cả cộng đồng.
HỒNG HẢI |