Văn nghệ sỹ Hải Phòng: Nỗi lo thiếu hụt lớp kế cận

11:03 28/09/2017

Thiếu hụt lớp văn nghệ sĩ kế cận đã trở thành nỗi lo của những người làm công tác văn học - nghệ thuật Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. Làm thế nào để thu hút, bồi dưỡng, phát triển được những tài năng trẻ - đó là niềm trăn trở, là thách thức lớn mà những người có trách nhiệm đang phải tìm lời giải đáp…

Các văn nghệ sĩ Hải Phòng thăm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo nhân dịp tổ chức trại sáng tác về xây dựng nông thôn mới

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Hải Phòng, nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật (VHNT) thành phố chia sẻ: Hội có 9 hội chuyên ngành với hơn 600 hội viên, tuổi bình quân của hội viên hiện nay khoảng 55 tuổi. Đặc biệt, trong đó có đến hơn 70% người có độ tuổi từ 60 trở lên. Đây là con số đáng lo ngại nhưng lại là thực tế chung của 10 hội chuyên ngành Trung ương và 63 hội VHNT các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Được biết, văn nghệ sĩ trẻ là những người hoạt động trong lĩnh vực VHNT có tuổi đời từ 35 trở xuống… Bên cạnh những “cây đa, cây đề” của làng văn nghệ sỹ Hải Phòng như nhà thơ Thi Hoàng, nhà văn Đoàn Lê, nghệ sĩ nhân dân Đào Trọng Khánh, họa sĩ Quốc Thái…, những văn nghệ sĩ trẻ Hải Phòng như họa sĩ Việt Anh, nhà thơ Phạm Vân Anh, nhà văn Nguyễn Quốc Hùng... với nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng khu vực hay toàn quốc đã góp phần tạo nên diện mạo của nền VHNT Hải Phòng.

Hiện nay, có một số gương mặt trẻ tuổi mới nổi trong giới văn nghệ sỹ Hải Phòng như tác giả Nguyễn Khánh Toàn (Nguyễn Dương) trong lĩnh vực lý luận phê bình, Đào Mạnh Long, Duy Khánh, Cù Thương, Phạm Anh Tuấn (họa sỹ), nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thị Thùy Linh. Được coi là những “gương mặt trẻ” nhưng tuổi đời của các tác giả này đã 30-40 tuổi.

Lý giải cho việc những gương mặt trẻ văn nghệ sỹ ngày càng trở nên hiếm hoi, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT thành phố Tô Hoàng Vũ cho biết: Ngày nay với sự vận động của nhu cầu thực tại, ngay từ khi ngồi trong ghế nhà trường, các bậc phụ huynh đã có định hướng con em mình theo các ngành học về kinh tế, cho dù các cháu có năng khiếu về một số môn nghệ thuật nào đó.

Bên cạnh đó, không ít văn nghệ sĩ trẻ sau khi lập gia đình đã chuyển nghề vì thu nhập quá thấp với vô vàn khó khăn của cuộc sống mưu sinh.

Để khắc phục vấn đề này, nhiều năm qua, Hải Phòng đã nỗ lực trong công tác phát hiện và bồi dưỡng các tài năng văn nghệ trẻ. Các trại sáng tác đã được tổ chức, tạo sân chơi cho các văn nghệ sĩ trẻ và các bạn trẻ yêu VHNT thành phố.

Họ được tham gia nhiều hoạt động như đi thực tế để tích lũy vốn sống, tạo cảm hứng sáng tác; được giao lưu học hỏi kinh nghiệm biểu diễn, sáng tác của các bậc cha chú, các thế hệ văn nghệ sỹ lớp trước. Hội Liên hiệp VHNT thành phố cũng đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các cuộc thi sáng tác cho các cháu thanh, thiếu nhi...

Các họa sĩ Hải Phòng tham gia trại sáng tác tại xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Hội Liên hiệp VHNT thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên kết nạp những hội viên trẻ, đặc biệt đối với những tác giả trong lĩnh vực sáng tác văn xuôi, lý luận phê bình, dịch giả.

Đối với việc kết nạp những hội viên tuổi đời từ 60 thì bổ sung thêm những quy định chặt chẽ hơn. Đặc biệt, cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí Cửa biển có riêng chuyên trang Tác giả trẻ; Tác phẩm mới để đăng tải sáng tác, giới thiệu vai diễn của các văn nghệ sỹ.

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đặc biệt ở các hình thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Hải Phòng thiếu hụt lớp kế cận

Thiết nghĩ, để làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, cũng như thu hút được các tài năng văn nghệ sĩ trẻ của thành phố, rất cần đến sự vào cuộc của các cấp, ngành; sự liên kết, hợp tác, giúp đỡ của các bên có liên quan như Hội Liên hiệp VNHT, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục - Đào tạo, Thành đoàn…

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích