09:14 05/07/2023 Cách đây 20 năm (2003), tác giả Trần Công Đường, trú ở Phố Cấm, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng đã nung nấu ý tưởng dùng văn xuôi kể lại Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyên Du để giúp mọi người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ toàn bộ nội dung kiệt tác này. Đến năm 2007, ông đã hoàn thành ý nguyện của mình. Cuốn sách “Truyện Kiều kể lại” của tác giả Trần Công Đường được NXB Văn học ấn hành lần đầu vào tháng 1-2008, được bạn đọc xa gần đón nhận, đồng thời cũng dành được sự quan tâm, trao đổi của các nhà nghiên cứu trên một số diễn đàn văn học nghệ thuật.
Trong “Lời giới thiệu” của sách, tác giả bộc bạch: Ngày xưa, có rất nhiều người thuộc Kiều, thậm chí trong số đó có cả những người không biết chữ. Còn ngày nay, lượng người đọc Kiều ngày càng thu nhỏ, nhất là đối với thanh niên. Ông đã từng cho người quen, thân thuộc và con cháu mượn Truyện Kiều về đọc hôm trước thì hôm sau đã mang trả vì kêu khó hiểu, không cảm nhận được câu chuyện tình hết sức ly kỳ của nhân vật trong truyện...
Theo Trần Công Đường, đây là điều thật đáng tiếc. Do vậy, tác giả soạn Truyện Kiều kể lại với một tâm nguyện: “Hy vọng tập sách được xem như phụ bản giải mã những chỗ khó hiểu để mọi người dễ tiếp cận Truyện Kiều. Đối với các em học sinh dùng làm sách tham khảo, hiểu thêm, bổ sung vào chương trình đang học ở nhà trường; các chị em nội trợ, lúc rảnh rỗi ngồi ở sạp hàng, các anh em làm nghề xe ôm, xích lô đang chờ khách cũng có thể mở truyện đọc một đoạn chơi và sẽ nhớ ngay, không khó thuộc như Truyện Kiều (thơ)” (trích “Truyện Kiều kể lại”, Trần Công Đường, NXB Văn học, tái bản năm 2009).
Song Truyện Kiều với 3254 câu thơ như lời châu ngọc, hàng gấm thêu, chứa đựng vô vàn điển cố, điển tích, ý nghĩa triết học, nhân sinh quan của người xưa, cùng diễn biến hành động, tâm lý của mấy chục nhân vật… nên người đọc không dễ nhớ hết, hiểu hết nội dung tác phẩm, các nhà nghiên cứu không dễ giải mã hết được các câu chữ khúc chiết với nhiều tầng nghĩa ẩn chứa bên trong.
Chính vì vậy, khi kể lại Truyện Kiều, tác giả “tự biết việc làm này vừa ra ngoài tầm kiến thức và sức lực bản thân, chắc chắn còn nhiều hạn chế và thiếu sót. Mong được các bạn chỉ bảo để tu sưa thêm” (sđd). Hưởng ứng lời ông, chúng tôi xin tham gia góp một chút ý kiến nhỏ nhoi để cùng ông kể lại Truyện Kiều.
Ở trang 14, tác giả đặt đề mục đoạn kể lại chi tiết việc ba chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, Vương Quan đi chơi xuân, tảo mộ là “Du xuân”, trong đó ông có giải thích thêm: “Hội Thanh Minh còn có tên là hội Đạp Thanh, chỉ việc trai gái đi du xuân dẫm lên cỏ xanh ngoài đồng nội, ngựa xe qua lại như nước chảy, nườm nượp hết lớp này đến lớp khác”.
Thanh minh (trong sáng) là một tiết mà trong thời gian đó diễn ra hai hoạt động: phần lễ là tảo mộ, phần hội là đạp thanh (đạp thanh xuân du: dẫm trên cỏ, lên màu xanh để chơi xuân: thả diều, đánh đu tiên, đá gà, đá bóng v.v.) .
Ở nước ta, người Nùng An ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng có Lễ hội Thanh Minh nhưng lại gắn với truyền thuyết tình yêu của một đôi trai gái người dân tộc Nùng tên là Thanh và Minh. Còn “Thanh minh’ trong Truyện Kiều là một tiết khí trong năm.
Ở trang 15 kế tiếp, tác giả trích dẫn câu 75 và 76 Truyện Kiều: “Đã không duyên trước chăng mà/Thì chi chút đỉnh gọi là duyên sau”.
Các bản Kiều nôm cổ nhất đều chép là “chút ước” hoăc “chút đích”, không phải “chút đỉnh”. Về “chút ước” có học giả giải thích là: Một chút ước hẹn hay chút lễ mọn để hẹn ước cho kiếp sau…
Kiều Oánh Mậu và một số nhà Kiều học lại đọc và chú thích “chút đích” là tiếng Nghệ Tĩnh có nghĩa là: chút ít, chút đỉnh. Song như có lần chúng tôi đã chứng minh: Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng tiếng Việt thông dụng trong toàn dân, không hề dùng một số từ địa phương Nghệ Tĩnh, hơn nữa “ước” đối với “duyên” mới chỉnh như (tham khảo Truyện Kiều bản Duy Minh Thị 1872, An Chi phiên âm, chú giải và thảo luận, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2020).
Trang 18, tác giả Trần Công Đường chép lại 2 câu Kiều 167, 168 kể về đoạn chị em Truyên Kiều lưu luyến chia tay Kim Trọng ở lần đầu gặp gỡ: “Bóng tà như giục cơn buồn/Khách đà lên ngựa, người còn ngóng theo”. Tuy nhiên các bản Kiều chữ Nôm cổ nhất đều chép là: “ghé theo” hoặc “nghé theo”, không phải “ngóng theo”.
Ở trang 29, tác giả kể lại câu chuyện Kim Trọng tìm cách tiếp cận nhà Kiều để tán tỉnh người mình thương: “Tuy ở gần nhau mà bức tường của nhà Thúy Kiều với nhà Kim Trọng lúc nào cũng như có tuyết sương ngăn trở che khuất khiến cho hai người khó bề gặp gỡ hàn huyên”.
Chuyện này liên quan câu Kiều số 367, được một số bản Kiều cổ nhất chép hơi khác nhau là: “Một tường tuyết điểm sương che”, “Một tường tuyết đón sương che”, “Một tường tuyêt chở sương che” hay “Một tường tuyết trở sương che”. Sinh thời, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có quan điểm rằng nên chép là “Một tường tuyết chớ sương che” vì “trở” và “chớ” về mặt ý nghĩa cùng gốc, đều có nghĩa là “ngăn lại”.
Song trong các cách chép trên, chỉ có “Một tường tuyết chở sương che” là hợp lý vì cấu trúc “tuyết chở sương che” ở câu Kiều nói trên đồng nghĩa với “tuyết sương che chở” ở câu 902: “Tuyết sương che chở cho thân cát đằng” - đây là lời Vương ông dặn “con rể” Mã Giám Sinh hãy che chở cho Kiều (ví như thân cát đằng - cây sắn (cát) và cây bìm (đằng), hai loại cây leo sống bám vào những cây khác; dùng để ví thân phận lẽ mọn - theo Từ điển http://tratu.soha.vn) trước những bất trăc của cuộc đời (tuyết sương),
Từ điển Truyện Kiều của Giáo sư Đào Duy Anh (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974) cũng giảng về “tuyết sương che chở” là: “lời đặt ngược, tưc là che chở (cho khỏi) tuyết sương”.
Vậy “Một tường tuyết chở sương che” = Một tường che chở (cho khỏi) tuyết sương, là bức tường gia đình Vương ông đã xây để bảo vệ cả nhà khỏi sự bất trắc (tuyết sương) từ bên ngoài tác đông vào, ngăn cản cả những anh chàng lăm le tán hai cô con gái mới lớn của chủ nhà, trong đó có cả chàng Kim Trọng si tình (dẫn theo bài “Tuyết chớ sương che” hay vẫn là “Tuyết chở sương che”? đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay số 524, ngày 1-3-2005), chứ không phải “bức tường nhà Thúy Kiều với nhà Kim Trọng lúc nào cũng như có tuyết sương ngăn trở che khuất khiến cho hai người khó bề gặp gỡ hàn huyên” như tác giả kể.
Trang 45, tác giả kể chuyện mua bán Thúy Kiều: “Tuy vậy không phải cứ muốn là được, hai bên vẫn trả lui, nói tới, “cò kè bớt một thêm hai” mãi rồi mới ngã giá bốn trăm lạng vàng.”. Đến trang 47, tác giả kể tiếp: “Mã Giám Sinh vừa đến, mọi giấy tờ hôn thú cùng với số vàng hai bên thỏa thuận vừa được trao nhau.” (sđd).
Về giá thỏa thuận mua bán Thúy Kiều liên quan đến câu Kiều 648, lâu nay nhiều ấn phẩm Kiều ghi là: “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”, nhưng đây là câu Kiều của bản quốc ngữ bị chép sai đang phô biến rộng rãi hiện nay, được nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân trong tác phẩm “Truyện Kiều, nghiên cứu và thảo luận”, NXB Văn học ấn hành năm 2004 phát hiện diễn biến như sau: “Các bản nôm cổ đều viết chữ vâng. Bản Kinh chép chữ chịu.
Cả hai chữ đều cho thấy kết quả của sự mặc cả (cò kè bớt một thêm hai). Bản quốc ngữ của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim in trong quyển Truyện Thúy Kiều của Vĩnh Hưng Long xuất bản lần thứ ba năm 1934 đã in đúng là vâng. Về sau nhà xuất bản Tân Việt tái bản đã in sai là vàng. Sự sai lầm này đã gây ngộ nhận cho nhiều người.
… Theo chúng tôi đã đối chiếu lại thì nguyên bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã viết rõ ràng trong phần văn ước như sau:
"Nay nhận thấy người hiếu nữ tên gọi là Vương Thúy Kiều vì việc cứu cha nên phải bán mình làm thiếp cho khách họ Mã lấy số tiền sính lễ là bốn trăm năm mươi lạng bạc…".
Vậy bản Kiều nôm cổ ghi là: “Giờ lâu ngã giá vâng (chịu/đồng ý - Nguyễn Dương chú thích) ngoài bốn trăm” và ngoài bốn trăm ở đây là hơn 400 lạng bạc (đơn vị tiền tệ thời đó), phù hợp với nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Chữ quốc ngữ viết “vâng” và “vàng” gần giống nhau, còn chữ nôm viết “vâng” và “vàng” khác nhau hoàn toàn, không thể lẫn lộn được.
Trang 112, tác giả kể cuộc trốn chạy của Kiều khỏi nhà Hoạn Thư: “Thúy Kiều chợt nhìn thấy mọi đồ vật kim ngân bóng loáng trên hương án Phật tiền, lập tức nàng thu giấu mang theo và trốn đi ngay trong đêm thâu...”.
Nhân lời kể này, chúng tôi xin chép thêm cho bạn đọc thông tin về từ “kim ngân”. Chi tiết này liên quan đến câu Kiều số 2024 mà hầu hết các bản Kiều từ xưa đến nay đều chép là: “Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân”. Theo các từ điển Hán Việt, “kim ngân” là vàng và bạc, các nhà chú giải Truyện Kiều cho là từ này chỉ chuông vàng, khánh bạc của nhà Hoạn nương.
Song có một bản lại chép hơi khác, đó là Kim Vân Kiều tân truyện (chữ Nôm) do cư sĩ thành Gia Định tên là Duy Minh Thị trùng san năm 1872, bản này chép là “kinh ngân”. Từ này được học giả An Chi giải thích trong bài “Kim ngân hay kinh ngân?” đăng trên Báo Thanh niên điện tử ngày 29-7-2018 là: “đồ trang sức bằng bạc, như vòng tay, mặt dây chuyền, nhẫn, tấm lắc..., có khắc câu, chữ của kinh Phật” (https://thanhnien.vn/kim-ngan-hay-kinh-ngan-185776868.htm).
Tuy nhiên chúng tôi cũng nhất trí với tác giả Trần Công Đường kể chuyện theo các bản Kiều chép chữ “kim ngân”. Tiểu thuyết gốc của Thanh Tâm Tài Nhân đã viết rằng Thúy Kiều thu nhặt ít đồ thờ bằng vàng bạc (kim ngân) để phòng thân rồi bỏ trốn sang Chiêu ẩn am ở với sư Giác Duyên.
Để kể lại được Truyện Kiều bằng văn xuôi trôi chảy như sách này, tác giả Trần Công Đường phải đọc thuộc lòng tác phẩm và đọc vô số các sách bình luận, chú giải của các nhà Kiều học, đây là việc làm công phu với tâm huyết mang kiệt tác số một Việt Nam đến với người đọc.
Nguyễn Dương
21:36 22/12/2024
15:48 22/12/2024
15:46 22/12/2024
15:45 22/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12