Vì sao tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Hải Phòng chậm lại?

11:31 11/07/2022

Kỳ 1: Đi tìm nguyên nhân

6 tháng đầu năm 2022, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) của Hải Phòng chỉ tăng trưởng 11,84% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp nhất so với nhiều năm gần đây và không đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra cũng như kỳ vọng của thành phố. Trong khi đó, theo tinh thần nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố, công nghiệp là một trong ba trụ cột kinh tế chủ yếu của Hải Phòng. Vì vậy, đánh giá, phân tích đúng mức nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề ra các giải pháp phù hợp để thúc đẩy sự tăng trưởng IIP là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của Hải Phòng...        

    Mức tăng trưởng chậm lại

       Theo Sở Công Thương Hải Phòng, tốc độ tăng trưởng IIP chậm lại nhìn thấy rõ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2015, IIP tăng trưởng 16%; năm 2016 tăng 16%; năm 2017 tăng 21%; năm 2018 tăng 24%; năm 2019 tăng 23,51%; năm 2020 tăng 14,02%; năm 2021 tăng 20,5% nhưng 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 11,84%, thấp nhất. Quý 1-2022, IIP cũng chỉ tăng trưởng 9,76%. Còn nếu phân tích theo tháng thì mức tăng trưởng IIP cũng không đồng đều (tháng 1-2022 tăng 3,63%; tháng 2 tăng 8,17%; tháng 3 tăng 14,54%; tháng 4 tăng 12,94%; tháng 5 tăng 12,03%; tháng 6 tăng 16,16%). Như vậy, so với mục tiêu đề ra (IIP năm 2022 tăng trưởng 19-20%) thì Hải Phòng còn phải phấn đấu nhiều và phải có các giải pháp tích cực, hiệu quả.

                                            

                                  Sản xuất của Công ty Pegatron chưa ổn định theo kế hoạch nên ảnh hưởng tới chỉ số IIP

      Đáng chú ý, một số ngành có đóng góp nhiều cho tăng trưởng công nghiệp có IIP tăng trưởng thấp hoặc suy giảm như ngành sản xuất thiết bị truyền thông; sản xuất xe có động cơ; đồ điện dân dụng; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện…

       Cũng theo Sở Công Thương Hải Phòng, khi xây dựng kế hoạch tăng trưởng IIP năm 2022, thành phố đã dựa vào những tín hiệu phát triển tốt của công nghiệp Hải Phòng những năm gần đây, nhất là hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp lớn như VinFast; LGE; LGD; LG Innotek…Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, sản xuất của các doanh nghiệp này có phần bị chững lại, không còn tăng trưởng cao như những năm trước (6 tháng đầu năm 2021, VinFast tăng trưởng tới hơn 70% nhưng 6 tháng đầu năm nay giảm 3%). Điều đó đã ảnh hưởng nhất định tới mức tăng trưởng chung của IIP.

                                                                                             Tìm rõ nguyên nhân

      Theo lãnh đạo Sở Công Thương; Cục Thống kê Hải Phòng, sở dĩ sản xuất công nghiệp của Hải Phòng chựng lại là do tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp, các khu công nghiệp thiếu lao động trầm trọng. Những tháng đầu năm, có thời điểm có tới hơn 20.000 lao động trong các KCN nghỉ việc do cách ly phòng chống dịch bệnh. Ngay tại thời điểm này, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, sản xuất phục hồi, các đơn hàng nhiều nhưng nhiều doanh nghiệp; các KCN vẫn phản ánh đang rất thiếu lao động, khó tuyển dụng.

     Cùng với đó là sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu (một phần do chính sách “không COVID” của Trung Quốc); do biến động của giá than, giá xăng dầu tăng cao; giá nguyên vật liệu tăng cao và còn bị đứt đoạn cung ứng; giá cước vận tải tăng chưa có điểm dừng… Vì thế, nhiều đơn hàng, hợp đồng sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp phải tạm dừng để điều chỉnh và đàm phán lại giá.

     Ngoài ra, còn có một số ngành sản xuất bị suy giảm kể từ khi có dịch đến nay vẫn chưa thực sự phục hồi như sản xuất bia; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép; sản xuất dây, cáp điện… Một số doanh nghiệp có đầu tư mới và mở rộng sản xuất chưa đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch. Đặc biệt, VinFast thay đổi cơ cấu, chiến lược sản phẩm (chuyển sang sản xuất xe ô tô điện là chủ yếu) nên ảnh hưởng tới mức tăng trưởng chung.

                                                           

                                        Sản lượng sản xuất ô tô VinFast sụt giảm tác động tới chỉ số IIP- Ảnh: Trọng Luân

     Nhiều doanh nghiệp công nghiệp cũng phản ánh, 6 tháng đầu năm 2022 gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước, nhiều chỉ tiêu sụt giảm, không thực hiện được theo kế hoạch. Đại diện công ty LGE cho biết, dây chuyền sản xuất tủ lạnh của công ty dự kiến đi vào hoạt động năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa sản xuất đại trà. Công ty gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguyên vật liệu tại thị trường Trung Quốc (do chính sách không COVID của Trung Quốc). Do đó, công ty buộc phải vận chuyển bằng đường hàng không thay vì đường biển để kịp cung cấp hàng hóa cho khách hàng, dẫn tới chi phí bị đội lên rất nhiều. Lượng hàng tồn kho thành phẩm tháng 5- 2022 là 48,8 triệu USD, tăng 10 triệu USD so với tháng 5-2021. Vì vậy, kim ngạch XNK của công ty cũng đạt thấp so với kế hoạch (6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 1,264 tỷ USD/kế hoạch năm 3,6 tỷ USD); kim ngạch nhập khẩu đạt 1 tỷ USD/2,83 tỷ USD kế hoạch năm).

     Đại diện công ty LGD cũng cho biết, sản xuất 3 tháng đầu năm giảm 20% do xuất khẩu, nhập khẩu bị vướng ở cửa khẩu Móng Cái do các chính sách của Trung Quốc. Theo lãnh đạo Công ty Pegatron, sản xuất của công ty 6 tháng đầu năm nay chưa đi vào ổn định, sản lượng chưa cao. Còn đại diện VinFast thì cho rằng, 6 tháng đầu năm nay, công ty bị đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện. Mặt khác, công ty tập trung chuyển sang sản xuất xe ô tô điện thay cho xe xăng nên sản lượng sụt giảm so với trước.

    Theo công ty Regina, 6 tháng qua, mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận bị sụt giảm rất nhiều do chi phí tăng. Mặt khác, công ty thiếu lao động nghiêm trọng và rất khó tuyển dụng. Công ty Damen Sông Cấm cho biết, 6 tháng mới đạt 36% kế hoạch năm, chủ yếu do ách tắc trong vận chuyển. Còn Công ty Nhiệt điện thì bị ảnh hưởng bởi thiếu nguồn cung cấp than, sản lượng sản xuất không đạt kế hoạch.Đại diện công ty GE phản ánh: 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm 35%; lợi nhuận giảm 40%, chủ yếu do giá thành vận chuyển, giá nguyên liệu tăng.

      Như vậy, có thể thấy, sản xuất công nghiệp nói chung và của nhiều doanh nghiệp công nghiệp lớn nói riêng đều đã và đang bị ảnh hưởng khá lớn bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Từ đó dẫn tới mức tăng trưởng IIP của Hải Phòng 6 tháng đầu năm nay ở mức thấp và chưa đạt như kỳ vọng./.

                                                                                                                                          Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông