Vì sao tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Hải Phòng chậm lại?

17:24 11/07/2022

Kỳ 2: Quyết tâm cao và tìm mọi giải pháp thúc đẩy tăng trưởng Nhiều ý kiến cho rằng, sau một thời gian IIP liên tục tăng trưởng cao ở mức 19-20%, để tiếp tục tăng trưởng cao là rất khó khăn và nhiều thách thức. Tuy nhiên, theo yêu cầu nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng phải đi đầu cả nước, sớm hoàn thành sự nghiệp CNH- HĐH và nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố xác định ngành công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực thì IIP phải tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao hơn. Mặt khác, Hải Phòng đang có đầy đủ điều kiện thuận lợi cả về vị thế, chính sách cũng như kết cấu hạ tầng, dư địa phát triển. Bởi vậy, công nghiệp Hải Phòng không thể dừng lại ở mức tăng trưởng 11,84% mà cần phải cao hơn.

                                                                             Tận dụng các yếu tố tăng trưởng

        Chính vì yêu cầu và đòi hỏi từ thực tế phát triển của thành phố như vậy nên các đồng chí: Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng trực tiếp chủ trì cuộc họp về thúc đẩy sản xuất công nghiệp của thành phố 6 tháng qua và có những chỉ đạo quan trọng, cấp bách để đưa công nghiệp Hải Phòng đi lên.

       Tất cả các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định, Hải Phòng đang có rất nhiều lợi thế, nhiều dư địa phát triển sản xuất công nghiệp. Đồng chí Lê Trung Kiên Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng chỉ rõ: tuy một số doanh nghiệp trong các KCN có bị sụt giảm một vài chỉ tiêu nhưng nhìn chung, hoạt động của các KCN 6 tháng qua vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng, các KCN đã thu hút được hơn 755 triệu USD vốn FDI, chiếm 77% tổng số vốn FDI của thành phố; thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước cũng đạt 6593 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu của các doanh nghiệp tăng trưởng khoảng 20%; kim ngạch xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 27%; nộp ngân sách tăng 25,3%.

      Các KCN đang tạo việc làm cho 199.000 lao động với mức thu nhập bình quân 11,5 triệu đồng/tháng. Mặt khác, các KCN, các doanh nghiệp đều đang có nhu cầu rất lớn về thu hút đầu tư và mở rộng, nâng quy mô sản xuất. Bởi thế, xu hướng tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm là rất khả thi và cần nắm bắt, tạo mọi điều kiện đáp ứng yêu cầu của sản xuất công nghiệp.

        Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long, công nghiệp chiếm tỷ trọng tới 40% trong tăng trưởng GRDP của thành phố nên phải tìm mọi giải pháp để thúc đẩy sản xuất công nghiệp. Hải Phòng muốn duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP cao từ 13% trở lên thì công nghiệp phải đi trước, IIP phải tăng khoảng hơn 20%. Ông Nguyễn Hoàng Long khẳng định, Hải Phòng thực hiện mục tiêu tăng trưởng IIP trên nền tảng đã rất cao và vì thế, muốn tăng trưởng cao hơn thì cần phải có các yếu tố phát triển mới. Quan trọng hơn vẫn là quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Theo tính toán, muốn tăng trưởng IIP thì thu hút FDI phải đạt bình quân 2 tỷ USD/năm, đồng thời phải tận dụng mọi cơ hội để phát triển các KCN, các cụm công nghiệp.

                                         

  6 tháng cuối năm, VinFast sẽ tăng sản lượng sản xuất ô tô điện xuất khẩu, góp phần vào mức tăng trưởng IIP của thành phố

    Về phía các doanh nghiệp cũng khẳng định 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng cao hơn. Đại diện VinFast cho biết, trong tháng 9 và tháng 10, VinFast có kế hoạch xuất khẩu 2500- 3000 xe ô tô điện sang thị trường Mỹ, đồng thời có nhiều cơ hội xuất khẩu xe sang thị trường Ca-na-đa; Pháp. VinFast đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để nâng công suất từ 250.000 xe/năm lên 950.000 xe/năm trong thời gian tới.

     Đại diện các doanh nghiệp như Pegatron, Flat, LGD, LGE… cũng khẳng định đã có kế hoạch nâng sản lượng sản xuất trong 6 tháng cuối năm và hy vọng khi hoạt động vận tải thông suốt; dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung cấp điện ổn định thì các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, đáp ứng và góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng IIP chung.

                                                                                     Quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị

      Xem xét và đánh giá về xu hướng phát triển của công nghiệp Hải Phòng, các đồng chí lãnh đạo thành phố chỉ đạo cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao.

                                             

                                                               Trao GCNĐT thành lập KCN Tiên Thanh

          Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, thuận lợi lớn nhất là KCN Tiên Thanh (Tiên Lãng) quy mô 410 ha đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ đầu tư đã cam kết sẽ nhanh chóng triển khai ngay trong năm 2022.  Như vậy, đến nay, Hải Phòng có  15 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên là 6.074,75ha, một lợi thế rất lớn để thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.

     Ngoài ra, thành phố cũng đang rất quan tâm phát triển các cụm công nghiệp để hỗ trợ, phụ trợ cho các doanh nghiệp trong KCN. Đồng chí Lê Trung Kiên khẳng định, Ban Quản lý Khu Kinh tế sẽ không ngừng cải cách, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN và các doanh nghiệp trong các KCN để góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của công nghiệp Hải Phòng.

        Để tăng trưởng công nghiệp ở mức cao hơn, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư hoặc đang xây dựng nhà xưởng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, nhanh chóng đi vào hoạt động, tạo nên những giá trị mới cho công nghiệp.

      Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Chủ tịch chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, giảm chi phí. Ngành GTVT lưu ý tham mưu, đề xuất giải pháp bảo đảm vận tải thông suốt cả đường bộ, đường biển, đường hàng không. Ngành Công Thương; Công ty Điện lực chú trọng tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm cung ứng đủ điện cho các doanh nghiệp và các KCN, không để xảy ra thiếu điện hoặc cấp điện không ổn định làm ảnh hưởng tới sản xuất. 

                                                      

                                                      Sản phẩm ống nhựa của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong

    Về chiến lược lâu dài trong những năm tới, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các KCN tiếp tục hoàn thiện xây dựng hạ tầng; thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư công nghiệp, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng ít lao động. Đồng thời, chú trọng dành quỹ đất xây dựng các khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. 

   Về phía thành phố, sẽ tiếp tục quan tâm GPMB cho các KCN; phát triển thêm các KCN mới; xây dựng một số cụm công nghiệp để hỗ trợ cho các KCN. Thành phố cũng sẽ quan tâm kêu gọi đầu tư xây dựng các bến cảng tại Lạch Huyện, trong đó có cảng hàng rời; đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng ngoài hàng rào các KCN; các dự án công nghiệp… Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư các trường học quốc tế; các trường nghề, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho các KCN.

    Chủ tịch UBND thành phố mong muốn các ngành, các cấp và các  doanh nghiệp cùng cộng đồng trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu để Hải Phòng giữ được tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao như kế hoạch năm 2022 đã đề ra./.

                                                                                                                                                Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông