Việt Nam lần đầu có ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp quốc tế

17:24 28/02/2016

 

Ông Nguyễn Hồng Thao trên cương vị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Vietnam+)
Ông Nguyễn Hồng Thao trên cương vị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Vietnam+)

Việt Nam đã lần đầu tiên có ứng cử viên chạy đua vào một trong bảy vị trí thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế được phân bổ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đây là một diễn đàn pháp lý quốc tế rất có uy tín, cơ quan chuyên soạn thảo những công ước quốc tế quan trọng, trong đó có các Công ước Luật biển năm 1958.

Bên cạnh đó, Ủy ban Luật pháp quốc tế còn tiến hành nghiên cứu về những vấn đề lớn của luật pháp quốc tế - luật về quan hệ giữa các quốc gia.

Tháng 2/2016, chiến dịch vận động cho phó giáo sư-tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao ứng cử vào cơ quan trên đã chính thức được khởi động sau khi Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva gửi công hàm giới thiệu ông tới Phái đoàn các nước.

Ủy ban này là một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, có 34 thành viên, do các quốc gia thành viên Liên hợp quốc bầu ra 5 năm một lần. Các chuyên gia tham gia ủy ban hoạt động độc lập so với quốc gia giới thiệu họ.

Dự kiến, cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối năm 2016.

Thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế thường là các giáo sư, nhà ngoại giao, luật gia nổi tiếng, có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và thực hành luật pháp quốc tế. Các thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế được phân bổ theo khu vực địa lý theo nguyên tắc không có hai thành viên mang cùng một quốc tịch, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được bầu bảy hành viên.

Ủy ban Luật pháp quốc tế do Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1947 nhằm mục đích triển khai nhiệm vụ của Đại hội đồng là nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị để thúc đẩy sự phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật pháp quốc tế.

Tính cạnh tranh trong bầu cử Ủy ban Luật pháp quốc tế thường rất cao. Thành viên hiện tại của Ủy ban Luật pháp quốc tế đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến từ sáu quốc gia gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.

Về Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, ông là một chuyên gia về luật pháp quốc tế với nền tảng học thuật vững chắc và kinh nghiệm thực tế phong phú. Ông từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam, cố vấn pháp lý cho dự thảo Luật biển Việt Nam năm 2012...

Ông có 40 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành ngoại giao, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Malaysia (2011-2014) và nay là Đại sứ tại Kuwait (từ 2014).

Nhiều đại diện của Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong nghiên cứu và thực hành luật pháp quốc tế như cố giáo sư gốc Việt Nguyễn Quốc Định, luật sư Ngô Bá Thành, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, song đây là lần đầu tiên Việt Nam giới thiệu một ứng cử viên tham gia diễn đàn pháp lý quốc tế quan trọng như Ủy ban Luật pháp quốc tế.

Việc giới thiệu Đại sứ Nguyễn Hồng Thao ứng cử Ủy ban trên thể hiện mong muốn của Việt Nam đóng góp vào sự phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật pháp quốc tế, thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của ​Việt Nam.

Theo TTXVN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông