18:23 29/07/2014
Hành khách không chịu tuân thủ các quy định về an toàn, an ninh hàng không là một trong những nguyên nhân khách quan gây ra chậm chuyến hoặc hủy chuyến bay tại các cảng hàng không, sân bay. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 7 vụ hành khách nói đùa có bom, dẫn tới lịch bay thường lệ tại sân bay bị xáo trộn và gây thiệt hại không nhỏ cho nhà khai thác. Vui nói có “bom”, tức giận cũng bảo có “bom” Đa số các vụ đe dọa đặt bom ở ngành Hàng không xảy ra đối với hành khách thiếu hiểu biết, không ý thức được hậu quả từ câu nói vô ý của mình. Việc phải hoãn chuyến bay để kiểm tra an ninh không chỉ ảnh hưởng tới chuyến bay có hành khách “dọa bom” mà còn khiến các chuyến bay khác cũng bị chậm. Vụ việc gần đây nhất là lúc 20h45 ngày 16/6/2014, tại khu vực cửa khởi hành lên tàu bay số 8, ga đi quốc nội - Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, bà Bùi Thị Diệu Hương - nhân viên phục vụ hành khách quốc nội thực hiện nhiệm vụ kiểm tra thẻ lên tàu bay cho chuyến bay VN278 (TP HCM-Hà Nội) dự định cất cánh lúc 21h10 đã nghe thấy hành khách Phan Thanh Tình nói với hành khách khác: “Ở đây mang bom chắc khó nhỉ?”. Nhân viên Diệu Hương sau đó đã hỏi lại hành khách Phan Thanh Tình “Anh đang nói gì vậy?”, hành khách này đã lặp lại câu nói đó và nói thêm “Anh đùa với hành khách chứ có nói gì với nhân viên bên em đâu”. Tuy nhiên, theo quy định, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã lập biên bản cắt khách và phối hợp với Trung tâm an ninh hàng không Tân Sơn Nhất kiểm tra trực quan toàn bộ hành lý xách tay của ông Phan Thanh Tình. Trước đó 4 ngày, trên chuyến bay mang số hiệu VJ8571 của Vietjet Air từ Hà Nội đi Nha Trang ngày 12/6, hành khách Lê Nguyễn Tuấn Tùng (SN 1983) đã có những phát ngôn và hành động làm chậm giờ chuyến bay.
Sự việc bắt đầu từ việc hành khách này được tiếp viên của Hãng hàng không Vietjet Air yêu cầu xuất trình thẻ lên tàu bay theo đúng quy định. Tuy nhiên, hành khách không làm theo hướng dẫn của tiếp viên mà còn có lời lẽ đe dọa: “Sao kiểm tra kỹ thế? Nếu thế thì kiểm tra cả bom nữa đi!”. Ngay lập tức hành khách Lê Nguyễn Tuấn Tùng đã được an ninh đưa trở lại sân bay Nội Bài. Chuyến bay bị ảnh hưởng chậm chuyến đến gần 3h sau đó mới tiếp tục cất cánh để thực hiện hành trình đến Nha Trang. Đại diện Hãng hàng không Vietjet Air cho biết, hành động và phát ngôn của hành khách Lê Nguyễn Tuấn Tùng đã làm ảnh hưởng không chỉ về vật chất mà còn gây phiền hà cho gần 180 hành khách đi cùng, cũng như hành khách các chuyến bay kế tiếp khác bị ảnh hưởng dây chuyền, chậm chuyến. Một trường hợp khác do hành khách bức xúc với việc phải chờ đợi nhận hành lý sau khi đưa hành lý xách tay vào máy soi chiếu an ninh cũng đã “dọa bom”. Đó là trường hợp hành khách Đỗ Thu Hà, đi chuyến bay VN530, chặng bay Hà Nội - Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 19/4, tại điểm kiểm tra an ninh soi chiếu quốc tế đi, Nhà ga hành khách T1 - sân bay Nội Bài. Trong quá trình kiểm tra an ninh hàng không người và hành lý xách tay, bà Đỗ Thu Hà đã nói “chẳng may trong túi chị có bom thì sao?”. Ngay lập tức, đội kiểm tra an ninh soi chiếu hành khách, hành lý đã xử lý theo quy trình, tiến hành kiểm tra trực quan người, hành lý đối với hành khách này. Theo Vietnam Airlines, việc phải hoãn chuyến bay để kiểm tra an ninh đã ảnh hưởng lớn đến tình trạng khai thác các chuyến bay của hãng này. Ngoài chuyến bay có hành khách bị hoãn, các chuyến bay khác cũng bị chậm. Vụ việc trên làm Vietnam Airlines phải chịu thêm chi phí phát sinh, thiệt hại vì hoãn chuyến bay hàng trăm triệu đồng. Hồi tháng ba năm nay, một hành khách mang tên Nghiêm Thọ Hoan, 41 tuổi, thường trú tại Đông Anh (Hà Nội) cũng đã bị xử phạt vì hành vi “dọa bom”. Theo đó, ngày 10/3 tại sân bay Buôn Mê Thuột, khi đang được kiểm tra an ninh để lên máy bay của Vietjet Air đi Hà Nội, hành khách Nghiêm Thọ Hoan đã nói đùa có bom trong hành lý. Nhân viên an ninh đã báo cáo vụ việc và làm các bước kiểm tra theo quy định. Sau khi kiểm tra toàn bộ hành lý của hành khách Hoan, lực lượng an ninh không phát hiện thấy bom cũng như những dấu hiệu liên quan. Hành khách này bị lập biên bản và bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền. “Dọa bom” sẽ bị cấm bay Đối với tất cả các trường hợp trên đều đã bị Thanh tra hàng không ra quyết định xử phạt hành chính, từ 4-10 triệu đồng. Đánh giá đây là hành vi đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng không nên ngoài xử phạt hành chính, Cục Hàng không VN còn có văn bản thông báo cấm vận chuyển những hành khách “dọa bom” bằng đường hàng không có thời hạn hoặc cả đời tùy từng trường hợp cụ thể.
Ví dụ như trường hợp hành khách Nghiêm Thọ Hoan, Cục Hàng không VN yêu cầu tất cả các hãng hàng không từ chối vận chuyển trong 6 tháng, kể từ ngày20/3 - 21/9/2014. Sau 6 tháng bị cấm bay, 6 tháng tiếp theo (từ ngày 21/9/2014 - 21/3/2015), vị khách này khi đi máy bay sẽ phải qua kiểm tra trực quan bắt buộc. Trong vài năm trở lại đây, mỗi năm đều có trên dưới 10 vụ khách tung tin giả hoặc nói đùa có bom trên máy bay. Nhiều người chỉ buột miệng nói đùa với bạn ở sân bay, nhưng nếu hành khách khác hoặc nhân viên an ninh nghe thấy được thì họ đều bị xử lý. Khi tiếp nhận thông tin đe dọa có bom, các cơ quan liên quan phải xử lý theo quy trình, đánh giá thông tin, cách ly hành khách, cho tàu bay quay trở về sân đỗ hoặc hạ cánh khẩn cấp, tái kiểm tra an ninh, chuẩn bị biện pháp khẩn nguy... Tất cả những việc làm này gây tổn thất về uy tín và chi phí cho các hãng hàng không và những hành khách khác cũng bị “vạ lây” khi chuyến bay chậm giờ. Mọi lời nói có bom đều bị xử lý Trong lịch sử ngành Hàng không Việt Nam chưa từng xảy ra đánh bom hay mang bom lên máy bay. Tất cả những sự vụ từ trước đến nay đều là trêu đùa nhưng lại có tính chất đe dọa và đặt ngành Hàng không vào tình huống khẩn nguy, phải cảnh giác cao độ. Tại sao chỉ vì một lời nói đùa, thông tin sai về dọa bom, hành khách phải chịu mức xử phạt lên tới cả chục triệu đồng và kéo theo các cơ quan liên quan phải xử lý rất nhiều công đoạn tốn kém, phiền hà? Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tô Tử Hùng - Phó trưởng phòng An ninh, Cục Hàng không VN khẳng định, theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong hoạt động hàng không, mọi lời nói có bom đều phải được nghiêm túc tiếp nhận và xử lý kịp thời tình huống như có thật. Cũng theo ông Hùng: “Mục tiêu của chúng ta là đảm bảo an ninh, an toàn ở mức cao nhất và ngăn chặn các hành vi tương tự xảy ra, xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật về an ninh hàng không trong cộng đồng. Vì vậy, khi nhận được thông tin, lực lượng an ninh của cảng hàng không sẽ lên các phương án đối phó với bom, trong đó phương án đơn giản nhất là kiểm tra ngay tại chỗ hành khách và hành lý xách tay. Hành khách cần thận trọng khi nói có bom, hoặc dùng những từ có chữ bom mìn. Vì trong môi trường khai thác nghiêm ngặt như hàng không, dù chỉ là một lời nói đùa có bom cũng giống như đặt một hòn đá trên đường cao tốc, sẽ cản trở giao thông hàng không. Hàng không là môi trường yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình, vì vậy nếu chỉ cần một chuyến bay bị chậm vì một lý do nào đó trong quy trình sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay khác”. Những năm gần đây, người đi máy bay đa dạng hơn, việc tuân thủ các quy định về quản lý và hướng dẫn của hành khách phức tạp hơn cũng là một trong những nguyên nhân khiến an ninh hàng không liên tục bị đe dọa. Việc đảm bảo an ninh, an toàn là vấn đề được ưu tiên số 1 trong hoạt động hàng không. Vì thế, dù là buột miệng nói đùa hay không biết mà vô thức nói là bom mìn, chất nổ tại sân bay hoặc trên máy bay đều là hành vi có tính chất đe dọa đến an ninh, an toàn và bị xử lý. Theo phân tích của Phòng An ninh - Cục Hàng không VN, đa số vụ việc tung tin có bom là do hành khách thiếu hiểu biết, cố tình trêu đùa nhân viên hàng không hay thậm chí là để thể hiện “bản lĩnh”. Những hành động thiếu kiềm chế, ngớ ngẩn này cần được rút kinh nghiệm, hạn chế tái diễn. Theo giaothongvantai.com.vn |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão