Xây dựng Dự án Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ là thể chế hóa quyền con người trong Hiến pháp

16:19 16/03/2022

Chiều ngày 14-3, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng Dự án Luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của trên 100 nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý trong và ngoài CAND, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành trung ương. Tại điểm cầu 63 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ; đại diện đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương; đại diện một số sở, ngành liên quan, các nhà khoa học; lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố...

Chuyên đề An ninh Hải Phòng trân trọng trích giới thiệu một số ý kiến tham luận tại hội thảo:

Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an với các đại biểu tham gia Hội thảo“Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng Dự án Luật TTATGT đường bộ" tại điểm cầu Bộ Công an

 Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội thảo

* Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an (chủ trì hội thảo): “Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) trong tình hình hiện nay; trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xuất phát từ tình hình thực tiễn về TTATGT đường bộ ở nước ta trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương và chỉ đạo xây dựng 2 dự án luật liên quan đến giao thông đường bộ, bao gồm: Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ. Với mục đích tham mưu với Đảng, Nhà nước,Chính phủ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự án Luật TTATGT đường bộ, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học này nhằm làm rõ luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự luật; luận giải, làm rõ những vấn đề thuộc về TTATGT đường bộ, giao thông “động” trong Luật TTATGT đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay; phân tích, đánh giá thực trạng tình hình TTATGT đường bộ ở Việt Nam và sự tác động, ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng, sức khỏe đối với người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân; phân tích đánh giá sự tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới đề cao bảo vệ tính mạng cho con người”.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tham luận tại hội thảo

* Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: “Từ những luận cứ khoa học và những vấn đề thực tiễn, Bộ Công an và Bộ GTVT đã thống nhất xây dựng 2 Luật là Luật Đường bộ và Luật TTAGT đường bộ, củng cố luận cứ khoa học, lý luận, thực tiễn để báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội. “Chúng tôi thấy rằng cần thiết phải có Luật TTATGT, trong đó nêu rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm, cơ quan nào phối hợp. Chính phủ yêu cầu trình 2 Luật song hành nhau để nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, người nào chịu trách nhiệm ở giai đoạn nào, nhiệm vụ nào”. 

TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia tham luận tại hội thảo

* Đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia: “Trong những năm qua, công tác bảo đảm TTATGT được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, từ kết quả thực tiễn kết hợp trong phạm vi quốc tế cho thấy Luật pháp về an toàn giao thông đường bộ hiện nay nhìn chung về tên gọi khá đầy đủ nhưng nội dung vẫn còn nhiều bất cập và chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, chủ thể liên quan trong bảo đảm TTATGT. Chúng ta đang xây dựng hai dự án Luật Đường bộ và Luật bảo đảm TTATGT đường bộ, qua đó cũng thu nhận được nhiều điểm mới, phần nào khắc phục được những khoảng trống còn thiếu sót, nhằm bảo đảm TTATGT cũng như những nhiệm vụ mới, yêu cầu mới". 

Trung tướng Đỗ Vũ Anh Dũng – Thành viên Ban nghiên cứu giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an tham luận tại hội thảo

* Trung tướng Đỗ Vũ Anh Dũng – Thành viên Ban nghiên cứu giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an: “Tình hình kinh tế - xã hội nước ta những năm qua đạt nhiều thành tựu lớn nhưng TTATGT vi phạm rất nhiều, mỗi năm các lực lượng chức năng xử phạt khoảng 5-6 triệu trường hợp. Đặc biệt, vẫn còn trường hợp người vi phạm coi thường pháp luật, sẵn sàng chống trả lực lượng thi hành công vụ; văn hoá giao thông, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Do đó, nền TTATGT rất cần một đạo luật cụ thể, mạnh mẽ hơn để điều chỉnh điều này, đó là Luật TTATGT đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo”.

PGS.TS Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo

* PGS.TS Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Tại khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Từ góc độ này, tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật TTATGT đường bộ là sự vận dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, quy định về quyền con người trong Hiến pháp, Pháp luật quốc gia vào quá trình xây dựng các quy định về bảo đảm TTATGT đường bộ. Đây là vấn đề lớn nhất, phức tạp nhất trong bảo vệ quyền con người của người tham gia giao thông. Bảo vệ quyền con người trong vụ việc/vụ án tai nạn giao thông, phải tiếp cận bảo vệ quyền cho cả người gây hại và đặc biệt là người bị nạn. Cần có các quy định cụ thể quy trình giải quyết vụ việc/vụ án tai nạn giao thông, từ khi nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông, đến tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản, hạn chế thiệt hại…”

 

Đại tá Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam (đại biểu Quốc hội khóa XV) tham luận tại điểm cầu Công an tỉnh Hà Nam 

* Đại tá Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam (đại biểu Quốc hội khóa XV): “Thực tiễn công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh Hà Nam cho thấy, tai nạn giao thông có thời điểm giảm nhưng chưa thực sự bền vững, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho cả gia đình và xã hội; nguyên nhân chủ yếu là do: Ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn rất hạn chế, đôi lúc còn mang tính đối phó; công tác tuyên truyền còn chưa có chiều sâu, phong phú, trọng tâm, trọng điểm; số lượng phương tiện tham gia giao thông đường bộ tăng đột biến. 

Vì vậy, chúng tôi đề nghị cần quy định cụ thể, chi tiết các chế định có liên quan để đảm bảo TTATGT như: điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; tuần tra kiểm soát đảm bảo TTATGT; giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về TTATGT... trong Luật TTATGT đường bộ để bảo đảm tính chuyên sâu, thuận lợi cho quá trình áp dụng, hạn chế ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn, tránh xảy ra tình trạng chồng chéo…” .

THẾ KHOA

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông