Xây dựng xã hội học tập tại Hải Phòng: Những định hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

    15:02 20/04/2018

    Xã hội học tập là một cơ sở tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, tri thức cao phục vụ CNH, HÐH đất nước; do vậy đòi hỏi sự học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời. Xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn, đúng đắn của Ðảng và Nhà nước ta, được Hội khuyến học Hải Phòng đóng vai trò chủ chốt trong phát động mạnh mẽ tại thành phố Cảng. Sáng 19-4, Hội khuyến học Hải Phòng phối hợp các đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng xã hội học tập theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển giáo dục hiện nay...

    Mô hình giáo dục STEM tại Trường THPT An Dương - một hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

    Giáo dục thời đại CMCN 4.0

    Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thạc sỹ Hoàng Duy Đỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hải Phòng cho hay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là CMCN 4.0, với những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực: internet, mạng xã hội, dữ liệu khổng lồ, di động, trí khôn nhân tạo và robot… đã tạo ra những thay đổi vô cùng lớn trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội và cuộc sống của con người. 

    Trong hoạt động GD-ĐT, giáo dục trong nhà trường đang dần mất đi địa vị “thống soái” về mặt cung cấp tri thức cho con người. Đồng thời, xu hướng học trực tuyến, học từ xa đang dần trở thành một trào lưu của ngành GD-ĐT tại nhiều quốc gia trên thế giới.

    Các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng đã chỉ rõ sự cần thiết của việc xây dựng xã hội học tập, một môi trường giáo dục mở, đáp ứng mọi như cầu về học và mọi người đều tự tìm kiếm tri thức để phục vụ cho bản thân và xã hội. Đối tượng của giáo dục cũng không bó gọn trong học sinh của các nhà trường mà chiếm đa số ngoài xã hội, kể cả những người lớn tuổi, thậm chí đã nghỉ hưu...

    Ông Trần Quang Kiểm, Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Hải Phòng cũng chia sẻ những tìm hiểu của ông về tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về xã hội học tập và học tập suốt đời.

    Ông nhấn mạnh, Bác không những là vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, người anh hùng giải phóng của dân tộc bị áp bức trên thế giới, mà còn là danh nhân văn hóa thời đại, cũng chính là một tấm gương “suốt đời học” để trưởng thành, đi lên và tiến bộ. Những năm ra đi tìm đường cứu nước phải lao động cực khổ, Người vẫn tự học, tự đọc sách, tự học ngoại ngữ để nghiên cứu lý luận và thực tiễn cách mạng ở các nước và đi đến với Chủ nghĩa Mác - Lê nin và Cách mạng tháng 10 Nga.

    Năm 1966, khi Bác đã ở tuổi 76, Người nói “Bác thường nghe có đồng chí mới có 40 tuổi mà đã cho là mình già, nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi không phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng Bác vẫn cố gắng học thêm”...

    Thế giới luôn biến đổi, KHKT của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ và theo kịp sự thay đổi của thế giới thì không có con đường nào khác là phải học thường xuyên, học suốt đời, Bác thường khuyên chúng ta về cách học tập “Lấy tự học làm cốt”, học phải đi đôi với hành, phải kết hợp giữa lý luận và thực tiễn...

    Tiến sỹ Ngô Đăng Duyên, Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức Hải Phòng đưa ra đánh giá của ông về chuyển dần nền giáo dục nước nhà sang mô hình Giáo dục mở - mô hình xã hội học tập trong kỷ nguyên CM 4.0.

    Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; hệ thống giáo dục được thiết kế liên thông, tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo.

    Qua đó, người dân có cơ hội tích lũy kiến thức để học tập suốt đời; đồng thời cũng đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh giữa các trình độ, các loại văn bằng...

    Những mô hình hiệu quả

    Thạc sỹ Phạm Hoàng Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT An Dương cho hay, một trong những mô hình giáo dục tiên tiến hiện nay là giáo dục STEM (Khoa học - Science, Công nghệ - Techology, Kỹ thuật - Engineering và Toán học - Math). Mục tiêu của giáo dục STEM trong trường học là phát triển năng lực đặc thù STEM (liên kết kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn), phát triển năng lực cốt lõi (tư duy phê phán, khả năng hợp tác) và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

    Từ nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục STEM trong các nhà trường, sau kết quả thu được từ phong trào đọc sách trong năm học trước, từ đầu năm học 2017-2018, nhà trường triển khai mô hình giáo dục STEM. Để giúp học sinh tiếp cận và vận dụng chương trình STEM, nhà trường duy trì phong trào văn hóa đọc, sử dụng hiệu quả thư viện trường và 35/35 tủ sách lớp học với 13.000 đầu sách, hệ thống máy tính băng thông rộng.

    Nhà trường cũng thành lập 4 CLB STEM để thầy cô hương dẫn và học sinh chia thành các nhóm nghiên cứu khác nhau, đạt được những kết quả nghiên cứu hiệu quả hơn. “Chương trình giáo dục STEM trong nhà trường là một trong những giải pháp tích cực để giúp học sinh có được những kỹ năng cần thiết trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Phạm Hoàng Hưng khẳng định.

    Theo Thạc sỹ Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn thì có thể xây dựng một mô hình sử dụng mạng xã hội facebook để quản lý và giáo dục đạo đức học sinh hiệu quả trong nhà trường. Thầy Nguyễn Minh Quý cho hay, hiện nước ta có hơn 30 triệu người sử dụng internet, chiếm 1/3 dân số cả nước. Người truy cập có thể tự do ra vào các trang mạng trong và ngoài nước.

    Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng thù địch, chống phá nhà nước có cơ hội tuyên truyền, kích động. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn luồng tư tưởng độc hại, nhà trường sử dụng mạng xã hội facebook, một mặt sử dụng như một kênh thông tin, mặt khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, tư tưởng cho học sinh.

    Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn, mô hình sử dụng mạng xã hội facebook để quản lý và giáo dục đạo đức học sinh có 4 nhóm giải pháp, gồm: ban hành kế hoạch triển khai công tác an ninh, an toàn trường học, an toàn giao thông và sử dụng điện thoại đúng quy định trong nhà trường; đưa và nội quy quy định về sử dụng mạng xã hội, nếu học sinh có các status, comment không lành mạnh, giáo viên chủ nhiệm, hoặc nhà trường sẽ kỷ luật, hoặc có biện pháp thích hợp; tổ chức tập huấn cho giáo viên học sinh về văn hóa sử dụng facebook với 1 số chuyên đề như: nút share đẹp, facebooker thông minh...

    Thạc sỹ Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định, Hải Phòng đã chủ động tham gia CMCN 4.0. Ông cho hay, đến hết năm 2016, Hải Phòng có 317 trường mầm non, 215 trường tiểu học, 184 trường THCS và 59 trường THPT. Ngoài ra, toàn thành phố có 222 trung tâm học tập cộng đồng gần phủ kín các xã, phường, thị trấn; số lượng các trung tâm tin học - ngoại ngữ, cơ sở tin học - ngoại ngữ tăng dần về số lượng.

    Ngành GD-ĐT thành phố có tính lan tỏa lớn do số lượng cán bộ, giáo viên, học sinh lớn; đã đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, số người biết tin học ngoại ngữ nhiều. Tuy nhiên, việc đổi mới, tiếp cận các công nghệ mới chưa theo kịp xu hướng đổi mới công nghệ.

    Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng đưa ra một số khuyến nghị, trong đó: cần tìm hiểu, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về CMCN 4.0 và các giá trị cốt lõi; làm tốt việc rà soát, sắp xếp, xây dựng quy hoạch giáo dục phổ thông, mầm non; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng bồi dưỡng giáo viên tin học, ngoại ngữ và công nghệ; thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần nghị quyết trung ương 2...

    HẢI HẬU

     

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông