Xe gắn máy học sinh và áp lực đầu tư của các bậc phụ huynh

17:56 04/06/2022

Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này thị trường phương tiện dành cho lứa học sinh lớn tuổi từ cuối cấp THCS đến THPT lại sôi động. Nhất là những năm gần đây, khi xe đạp không còn là sự lựa chọn phổ biến, thì các loại xe gắn máy bao gồm cả động cơ điện và động cơ xăng đều tiêu thụ tốt. Đây cũng là xu hướng tất yếu theo sự vận động tự nhiên của quy luật cung – cầu.

Xe gắn máy dành cho học sinh bày bán trên vỉa hè đường Tô Hiệu (Hải Phòng).

          Nhu cầu tất yếu

Hòa nhập theo cuộc sống công nghiệp, những năm gần đây nhu cầu tự đi lại của học sinh đã thực sự trở thành bức thiết. Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Tiến Dũng ở đường Lê Lai (Ngô Quyền) cho biết, cả hai vợ chồng ông đều làm công nhân khu công nghiệp VSIP Thủy Nguyên, vì làm xa và tăng ca nhiều thông thường từ sáng sớm đến tối mịt mới về, việc đưa đón con đi học là không thể.

Ông Dũng có hai cậu con trai, cậu lớn học lớp 11 ở trường THPT Lê Quý Đôn, cung độ di chuyển khoảng 4km, cậu bé học lớp 9 ở một trường THCS trên địa bàn quận Lê Chân, cung độ cũng tương tự. Cả hai cháu đều học thêm tại trường, nên việc đi lại tính ra mất 4 chiều mỗi ngày, tính cộng mỗi cháu phải di chuyển bình quân 16km.

Thành thử, ông Dũng phải sắm xe điện cho con trai ngày từ cuối cấp học. Khi cháu lớn vào THPT, chiếc xe điện cũ được bàn giao cho cháu nhỏ, ông Dũng mua thêm chiếc xe máy chạy xăng, “Cháu cao hơn 1,7m, nặng hơn 70kg, chiếc xe điện trở thành quá nhỏ, nhân thể cũng đầu tư xe xăng để cháu nó quen dần với phong cách người lớn” – ông Dũng tam sự.

Khi được hỏi vì sao không chọn mua xe đạp, ông Dũng cho biết, với khoảng cách như thế người lớn di chuyển bằng xe đạp cũng chẳng kịp, nói gì đến học sinh. Hơn nữa, ông cho biết thêm, giá một chiếc xe đạp tốt hiện cũng không rẻ, vả lại đi xe đạp mỗi lần sang đường rất nguy hiểm vì tốc độ chậm, nhất là những lúc nhập nhoạng chiều tối khi các cháu đi học về.

Trong khi đó, chị Hà – một cán bộ của ngành Văn hóa cũng bùi ngùi chia sẻ. Con gái lớn của chị năm nay học lớp 9, con trai nhỏ học lớp 7, cả hai cháu đều học cả ngày ở trường. Vợ chồng chị Hà đều làm hành chính nhưng không thể đưa đón con hai buổi mỗi ngày, vì giờ tan học không trùng giờ tan sở. Tính toán cân nhắc kỹ, vợ chồng chị cũng đành phải sắm phương tiện cho các con tự di chuyển, đứa lớn dùng xe điện, còn đứa nhỏ dùng xe đạp.

Kết quả khảo ý kiến nhiều phụ huynh khác cũng cho thấy, lượng học sinh tự đi lại bằng phương tiện riêng đến trường hiện chiếm tỷ lệ rất lớn. Mấy năm gần đây, xe đạp dần được thay thế bằng xe điện, không hẳn là trào lưu mà bởi áp lực về thời gian học, cung độ di chuyển của các cháu như đã nêu trên.

Đồng nghĩa với phát sinh nhu cầu này, thị trường cũng nhanh chóng thích ứng, đó là nguyên nhân khiến phân khúc phương tiện xe gắn máy dành cho học sinh ngày càng phát triển, và thường trở nên sôi động vào mùa hè hàng năm.

          Gánh nặng đầu tư

Bên cạnh các khoản đóng góp trực tiếp phục vụ việc học của con cái, việc đầu tư mua sắm phương tiện cho các cháu cũng gây không ít khó khắn cho phụ huynh nghèo. Hiện tại, thị trường phương tiện chủ yếu dành cho học sinh có 3 loại: xe đạp thường, xe điện và xe máy dưới 50cc.

Thị trường xe đạp thành phố mấy năm gần đây khá đa dạng, loại sản xuất trong nước và hàng rẻ tiền nhập từ Trung Quốc có giá từ khoảng 800 nghìn đồng đến trên 1 triệu đồng.Nhưng theo ý kiến của nhiều phụ huynh, các dòng xe này rất nhanh hỏng, nhất là bộ phanh khiến các cháu rất dễ gặp sự cố.

Loại xe chất lượng khá được lựa chọn nhiều là loại nhập khẩu, đều từ 1,9 triệu đồng trở lên, thiên về kiểu dáng địa hình. Tuy nhiên, lý do như đề cập ở trên, việc lựa chọn xe đạp cho học sinh chủ yếu dành cho học sinh bậc Tiểu học và những năm đầuTHCS khi cung độ di chuyển ngắn.

Phương tiện phổ biến nhất có lẽ là xe điện. Tùy theo thương hiệu, kiểu dáng và dung lượng nguồn điện, giá xe điện bán chạy phổ biến trong khoảng từ 9 triệu đồng đến 15 triệu đồng/chiếc. Điều đáng nói là, xe điện chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc, chất lượng không cao, tuổi thọ bình quân chỉ khoảng 5 năm, tuổi thọ một số chi tiết phụ tùng có khi chỉ vài tháng.

Bộ phận đắt nhất của xe điện là Ắc-quy hoặc pin li-on tuổi thọ khoảng 1,5 năm, nếu làm lại lõi mất 1,5 triệu đồng, nếu thay hoàn toàn mới hết từ 2,5 triệu đồng. Chưa kể các sự cố hỏng vặt, mỗi lần sửa ít nhất 100 nghìn đồng.

Tính ra đầu tư cho một chiếc xe điện trong 5 năm kể cả mua sắm và sửa chữa bình quân không dưới 20 triệu đồng, nghĩa là mỗi năm mất 4 triệu đồng, cộng vào chi phí ăn học mỗi năm, thì khoản tiền này đâu có nhỏ.

          Một bất cập khác như bộc bạch của ông Lê Huy Hoàng ở ngõ 46 Lạch Tray, khi con ông lên lớp 11, vì xe đạp điện nát quá sửa mãi chẳng bõ ông quyết định mua cho con trai chiếc xe máy dưới 50cc (loại không cần bằng lái). Nhưng tìm không cửa hàng chính hãng Nhật nào bán loại xe này, tìm trên mạng thì thấy báo giá 80 triệu đồng, đắt hơn một chiếc xe máy Honda loại sang phân khối lớn.

Ông Hoàng bức xúc nói: “Theo thông lệ thì xe cùng một hãng phân khối càng thấp giá càng rẻ, vậy mà loại dành cho các cháu đắt khủng khiếp như thế…”. Cuối cùng ông Hoàng đến một cửa hàng trên đường Lê Lợi, đành ngậm ngùi mua một chiếc theo nhái mẫu Honda Club 50 với giá 12 triệu đồng.

Đúng như hoàn cảnh ông Hoàng, thị trường xe máy 50cc tại Hải Phòng đang thách đố các bậc phụ huynh. Ngoài loại xe nhập khẩu chính hãng có giá trên trời, chỉ duy có hai hãng SYM và Kymco đến từ Đài Loan được xem là chính hãng, nhưng trên địa bàn Hải Phòng cũng chỉ có một đại lý chính thức của Công ty A.B trên đường Nguyễn Văn Linh.

Mẫu mã và chất lượng của hai thương hiệu này được đánh giá khá tốt, nhưng với mức giá từ 16 triệu đồng đến trên 20 triệu đồng/chiếc, cũng là thách thức không nhỏ đối với các bậc phụ huynh nghèo.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông