17:24 25/09/2014
Trong 2 ngày 9 và 10-9, Đoàn công tác liên ngành TW (Bộ Giao thông vận tải - Bộ Công an - Ủy ban ATGT quốc gia) tiến hành kiểm tra công tác kiểm soát xe ô tô chở hàng hóa quá tải trọng cho phép trên địa bàn thành phố đã kết luận kết quả mới chỉ là bước đầu, không như mong đợi. Xe quá tải vần "lọt lưới"… Từ ngày 1-4-2014, các lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông bộ - sắt, công an các địa phương phối hợp tổ chức kiểm tra xe ô tô chở hàng hóa quá tải xe và cầu đường đại trà trên các tuyến Quốc lộ 5 (QL5), QL10; tỉnh lộ (TL) 356, TL 351… thuộc địa bàn thành phố. Lực lượng phối hợp đã xây dựng nhiều kế hoạch liên ngành, triển khai đặt trạm cân ở nhiều vị trí khác nhau với cường độ công việc ngày một cao hơn từ thực hiện cân xe vào giờ hành chính, cân đêm theo chế độ giãn cách, rồi đến cân liên tục 24/24h, thực hiện cả 7 ngày/tuần. Kết quả, đến ngày 31-8, lực lượng liên ngành thành phố đã kiểm tra cân, đo 7.779 phương tiện và phát hiện, xử lý 1.065 phương tiện vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo lỗi 3,18 tỷ đồng và áp dụng biện pháp hạ tải 195 trường hợp, tạm giữ có thời hạn 94 xe, tước giấy phép lái xe 997 trường hợp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Trưởng đoàn công tác liên ngành TW kiểm tra công tác kiểm soát tải trọng xe đánh giá: Công tác kiểm soát trọng tải trên địa thành phố chưa thật sự đạt hiệu quả như mong đợi bởi theo thống kê của lực lượng liên ngành TW (Cục CSGT sắt - bộ, Bộ Công an và Thanh tra Bộ Giao thông vận tải), số lượng xe quá tải từ Hải Phòng hoặc BKS của Hải Phòng bị kiểm tra, phát hiện ở địa phương khác lên tới vài trăm trường hợp. Hơn nữa, qua công tác kiểm tra, số lượng vi phạm bị xử lý còn rất “khiêm tốn” vì Hải Phòng không phải là tốp đầu các tỉnh thành có số lượng phương tiện xử lý cao, trong khi Hải Phòng là đầu mối cảng biển của các tỉnh phía Bắc, có số phương tiện cơ giới đường bộ đứng thứ 3 (sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), xe ô tô đầu kéo công-ten-nơ đứng thứ 2 trên cả nước (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh). Nguyên nhân từ nhiều phía Đến nay, Sở Giao thông vận tải đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho 805 doanh nghiệp vận tải vận tải hàng hóa đường bộ bằng xe ô tô đầu kéo công-ten-nơ; cấp phù hiệu cho 5.595 chiếc ô tô đầu kéo công-ten-nơ đăng ký hoạt động. Còn theo Phòng CSGT Bộ-sắt, Công an thành phố, tính đến hết tháng 4-2014, đơn vị đã làm thủ tục đăng ký mới cho 720 chiếc xe ô tô đầu kéo công-ten-nơ, bổ sung năng lực cho vận tải hàng hóa qua cảng. Hiện trạng, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường phố dẫn xuống khu vực cảng biển đang ngày càng chật chội hơn bởi xe vận tải hàng hóa qua cảng, trong đó chủ yếu là xe ô tô đầu kéo công ten nơ.
Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm đếm, đưa ra kết quả là tính trung bình mỗi ngày có khoảng 14.500 - 16.000 lượt xe ô tô các loại qua lại tuyến QL5 và tỉnh lộ 356 (QL5 kéo dài), QL10 (đoạn Hải Phòng), trong đó chủ yếu là xe ô tô tải chở chuyên dùng (ô tô đầu kéo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc, xe ô tô chở công-ten-nơ, chở máy móc thiết bị vượt trọng tải thiết kế được ghi trong giấy đăng ký hoặc sổ kiểm định). Mặc dù có vai trò là đầu mối cảng biển của khu vực các tỉnh, thành phía Bắc nhưng thành phố cũng chỉ được cấp phát 1 trạm cân lưu động kiểm soát tải trọng xe giống như các tỉnh, thành khác. Do chỉ có 1 trạm cân nên xe ô tô chở hàng hóa quá tải trọng tìm mọi cách né tránh trạm cân. Tiếp đó là việc khó kiểm soát tải trọng phương tiện chở hàng từ khâu xếp hàng tại cảng, bến. Theo báo cáo của Cơ quan Cảng vụ hàng hải, 9 tháng đầu năm 2014, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng đột biến, lên trên 20% và dự báo năm 2014 sẽ đạt đến 62 triệu tấn. Loại hình vận tải hàng hóa chủ yếu vẫn là đường bộ, chiếm từ 75-80% tỷ trọng. Do đặc thù khu vực cảng biển Hải Phòng có 35 doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng với tổng chiều dài cầu cảng 10.500m. Trong đó có 11 cầu cảng kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, 9 bến cảng công-ten-nơ và 15 cầu, bến cảng làm hàng hóa tổng hợp và tổng diện tích bãi của các cảng biển trên địa bàn thành phố khoảng 4 triệu m2… nằm trải dài gần 13km chạy dọc theo bờ sông Cấm. Rồi hệ thống đường bộ (quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thành) đều liên thông với khu vực bến cảng, bãi chứa hàng hóa đã tạo ra khó khăn lớn cho việc kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ tận gốc (trong các cảng, bến). Trong khi đó, ý thức chấp hành của doanh nghiệp về tải trọng xe còn hạn chế, trong đợt Đoàn công tác liên ngành TW kiểm tra việc thực hiện các quy định về xếp hàng hóa ở các cảng biển theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10-1-2013 (đầu tháng 9-2014) nhận định, các đơn vị cảng đã nhận được văn bản chỉ đạo của bộ, ngành TW và UBND thành phố về thực hiện kiểm soát tải phọng phương tiện vận tải hàng hóa tận gốc. Tuy nhiên, ý thức chấp hành ở mỗi doanh nghiệp lại khác nhau. Cụ thể, doanh nghiệp quản lý cảng, bãi quốc doanh có thái độ chấp hành tốt hơn, nghiêm túc hơn. Ngược lại, doanh nghiệp quản lý cảng, bến tư nhân quy mô nhỏ thường để buông lỏng ở khâu giám sát xe chở quá tải trọng, tạo cạnh tranh không lành mạnh với các cảng có quy mô lớn. Kiểm soát tải trọng từ cảng, bến Quá trình kiểm tra, các doanh nghiệp cảng đã thẳng thắn “nhận lỗi” buông lỏng khi xếp các loại hàng rời, hàng gia súc vì “khó” xác định trọng lượng hàng; do vận chuyển thiết bị máy móc hạng nặng cho công trình nên phải chở hàng siêu trường siêu trọng; xe bồn chở gas, khí hóa lỏng, chất dễ cháy nổ thì khó kiểm soát tải trọng. Doanh nghiệp cảng cũng đã kiến nghị bộ, ngành TW và UBND thành phố tháo gỡ một số vấn đề như: giải pháp về điều tiết giao thông vào các giờ cao điểm để chống ùn tắc; kiến nghị sớm kết nối đường sắt xuống khu vực Đình Vũ; tạo điều kiện cho việc xin-cấp giấy phép vận chuyển thiết bị máy móc hạng nặng cho công trình, hàng siêu trường siêu trọng. Đặc biệt, kiến nghị Sở GTVT thực hiện việc ký cam kết với các doanh nghiệp cảng, bãi trong việc thực hiện kiểm soát tải trọng cho phương vận tải hàng hóa đường bộ theo đúng hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải vì đã có tình trạng chủ hàng không cho tàu cập bến đối với những cảng thực hiện chặt chẽ mà chạy ra cảng tư nhân làm ăn dễ dãi, không thực hiện nghiêm tải trọng xe nhằm giải phóng nhanh hàng hóa khỏi tàu và bến bãi. Trước thực trạng trên, Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại chỉ đạo, việc Kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ tại các cảng, bến “khó mấy cũng phải làm!”. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng thành phố tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo TTATGT trên tuyến, phối hợp làm tốt công tác điều tiết giao thông, tạo điều kiện cho xe chạy, giải phóng hàng hóa qua cảng. UBND thành phố đang rất quan tâm tháo gỡ khó khăn, cải thiện tình hình cho công tác kiểm soát tải trọng xe. Đó là xem xét tăng cường biên chế cho Thanh tra giao thông vận tải và tính toán phụ cấp đối với lực lượng phối hợp cân tải trọng xe khi làm việc ca 3. UBND thành phố cũng đã có văn bản quán triệt đối với các doanh nghiệp cảng, biển và yêu cầu Sở GTVT phải thực hiện ngay việc ký cam kết đối với các cảng trong việc thực hiện bốc xếp đúng tải trọng, kiểm tra tải trọng trước khi cho xe rời khỏi cảng, bãi, kho hàng hóa. Đặc biệt, thành phố kiến nghị Chính phủ quan tâm bổ sung thêm 3 trạm cân, nâng tổng số lên 4 trạm cân cho thành phố đặt tại các vị trí tại ngã ba Đông Sơn, Thủy Nguyên và đoạn Bến xe Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo (tuyến QL10); ngã ba Đình Vũ và km70 xã Đại Bản, huyện An Dương (QL5). Có như vậy thì mới tăng cường khả năng kiểm soát phương tiện vận tải chở hàng quá tải được triệt để, hạn chế thấp nhất tình trạng xe chở hàng quá tải né tránh trạm cân. Đoàn Lanh |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão