Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

15:10 05/09/2018

Nhằm giải quyết vấn đề môi trường ở những khu đô thị, đông dân cư, từ đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, hạn chế sự cố môi trường nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64 phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên toàn quốc. Tại kế hoạch trên, Hải Phòng có 12 cơ sở, đến nay công tác xử lý triệt để, thậm chí di dời cũng đã được triển khai, tuy vậy các cấp, ngành, đặc biệt là đơn vị gây ô nhiễm cần quyết tâm, quyết liệt để hoàn thành đúng thời hạn mà Chính phủ đã chỉ đạo.

Những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ xử lý triệt để

Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm đó, qua rà soát trên cả nước có 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần được tập trung xử lý, từ đó khống chế, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm và đảm bảo phát triển bền vững. Các cơ sở nói trên hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất kinh doanh đến các bệnh viện, cơ sở lưu chất độc hoá học, kho bom…và tuỳ theo mức độ gây ô nhiễm, các địa phương lập kế hoạch xử lý, kể cả phải di dời để đảm bảo không xảy ra sự cố môi trường tại các khu đô thị đông dân cư.

Tại Quyết định trên, Hải Phòng có 12 cơ sở gây ô nhiễm phải tập trung xử lý đến năm 2020, đó là: Công ty Cơ khí Duyên hải, Giấy Hải Phòng, Đồ hộp Hạ Long, Môi trường đô thị, Xi măng Hải Phòng, Công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát, Bia Hà Nội-Hải Phòng, Thép Hải Phòng, Chế biến súc sản Hải Phòng, Xí nghiệp thực phẩm xuất khẩu, BV Việt Tiệp, BV Lao và bệnh phổi.

Các cơ sở trên phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghệ đã lạc hậu và nằm trên địa bàn các quận trung tâm của thành phố, tập trung khá đông dân cư sinh sống. Bên cạnh hai bệnh viện lớn là Việt Tiệp, Lao và phổi thì đến năm 2013, qua rà soát, danh sách xử lý cơ sở gây ô nhiễm của Hải Phòng bổ sung thêm BV Giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải nhưng lại có trụ sở tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng.

Việc thay đổi hoàn toàn công nghệ mới, tiên tiến, đảm bảo các quy chuẩn về môi trường hay di dời đến một địa điểm mới, xa trung tâm, là việc không dễ đối với các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo hàng chục ngàn người lao động, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm cuối của thập niên trước.

Tuy vậy, với sự vào cuộc, quyết tâm của các cấp, ngành, hiểu và chấp hành của doanh nghiệp, đến nay việc tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả nhất định, đảm bảo thời hạn Chính phủ đã chỉ đạo.

Cụ thể, đến nay đã có 7/12 cơ sở hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và được Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố chứng nhận là Công ty Xi măng Hải Phòng, Cơ khí Duyên Hải, Công ty CP Bao bì-Bia-Rượu-Nước giải khát, Đồ hộp Hạ Long, Môi trường đô thị, Giấy Hải Phòng và BV hữu nghị Việt Tiệp. Có 3/12 cơ sở đã giải thể, tái cơ cấu doanh nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang phát triển đô thị, gồm Công ty CP thép Hải Phòng, Xí nghiệp thực phẩm xuất khẩu và Công ty chế biến súc sản Hải Phòng. Có 1/12 cơ sở đã di dời xong bộ phận sản xuất là Công ty CP Bia Hà Nội-Hải Phòng di dời cơ sở số 16 Lạch Tray, quận Ngô Quyền đến địa điểm mới là số 85 Lê Duẩn, Quán Trữ, Kiến An. Công ty cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước thô của thành phố

Như vậy còn 1/12 cơ sở chưa hoàn thành thủ tục chứng nhận cơ sở xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng có trụ sở tại đường Trần Tất Văn, phường Tràng Minh, quận Kiến An. Biện pháp xử lý triệt để nguồn gây ô nhiễm tại cơ sở này là hệ thống xử lý nước thải và rác thải y tế, bởi bệnh viện nằm gần nguồn nước sông Đa Độ, cung cấp một phần lượng nước thô để sản xuất nước sinh hoạt cho nhân dân, doanh nghiệp của thành phố. Từ năm 2013-2015, BV đã phối hợp với Ngân hàng thế giới đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 150m3/ngày đêm theo công nghệ xử lý sinh học với tổng kinh phí gần 6.900 triệu đồng. Hiện hệ thống đang vận hành thử nghiệm.

Đối với rác thải, BV đã cải tạo, xây dựng khu vực lưu giữ chất thải sinh hoạt và chất thải y tế riêng biệt, đồng thời ký hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo đúng quy định. BV cũng đang hoàn thiện hồ sơ để cơ quan chức năng thẩm định, công nhận.

Thêm một cơ sở bệnh viện tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để là BV giao thông vận tải, cơ sở này cũng nằm giáp với sông Rế, con sông cung cấp tới gần 80% nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch của thành phố. Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, Sở Tài nguyên-Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị thực hiện việc xử lý môi trường là Cục Y tế giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải để tập trung đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, BV đã có những biện pháp xử lý là xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải công suất 100m3/ngày đêm, công nghệ xử lý sinh học trong thiết bị hợp khối  FRB theo quy chuẩn Việt Nam 2010.

Đồng thời ký hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý rác thải rắn y tế. Sở Tài nguyên-Môi trường cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm của BV, đảm bảo sớm hoàn thành việc xử lý theo đúng thời hạn Chính phủ quy định là năm 2018.

Lãnh đạo ngành cũng cho biết, bên cạnh việc tập trung xử lý triệt để các cơ sở trong danh mục đã được Chính phủ phê duyệt, Hải Phòng sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo, xử lý những cơ sở gây ô nhiễm phát sinh, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng thành phố xanh, văn minh.

 Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông