16:09 16/06/2017 Lỗi vi phạm nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở thường trực tiếp gây ra tai nạn giao thông (TNGT). Các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện đã sử dụng bia rượu luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với lỗi khác, mang tính nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Kinh hoàng tai nạn do “ma men”
Lỗi vi phạm nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở thường trực tiếp gây ra tai nạn giao thông (TNGT). Các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện đã sử dụng bia rượu luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với lỗi khác, mang tính nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Kinh hoàng tai nạn do “ma men”
Tại Hội nghị tổng kết chương trình hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, vi phạm nồng độ cồn trong máu là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Trong đó, trên 40% số vụ TNGT và trên 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến sử dụng rượu, bia.
Đáng nói, tỷ lệ này có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (C67), Bộ Công an, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tăng nhiều lần, số vụ TNGT do nồng độ cồn đang tiếp tục tăng cao và chưa có xu hướng giảm. Hơn nữa, các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng bia, rượu thường rất nghiêm trọng cả về tính chất, mức độ thiệt hại người và tài sản. Cảnh báo mới nhất, khu vực nông thôn ngoại thành đang có nguy cơ xếp vào diện “vùng đỏ” bởi tỷ lệ TNGT liên quan đến rượu, bia nhiều hơn và gia tăng nhanh hơn.
Một thuộc tính của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường là chạy tốc độ rất cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu, bia luôn đi liền với vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường...
Đây là những tình huống trực tiếp gây ra va quệt, TNGT hoặc tự đâm. Các chuyên gia y tế phân tích, người sử dụng bia, rượu là tự mình làm hạn chế, thậm chí làm mất đi khả năng điều khiển hành vi.
Ví dụ, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1l khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1l khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1l khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh… Tổng hợp số liệu của C67 - Bộ Công an cho thấy, 3 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 292 vụ TNGT do nồng độ cồn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước”. Tại các bệnh viện, số người bị TNGT do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức báo động.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, Hải Phòng là 1 trong 10 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình được thí điểm thực hiện dự án “Tăng cường an toàn giao thông trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam”, trong đó, chủ đề tuyên truyền trọng tâm là nâng cao nhận thức “Rượu bia với an toàn giao thông”. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn đang là nỗi lo thường trực của các nhà quản lý.
Thể hiện rất rõ là những năm gần đây, số vụ tai nạn mà người điều khiển phương tiện cơ giới tự đâm, va vào gốc cây, cột điện, tự gây thương tích cho bản thân, thậm chí tử vong liên tục xảy ra. Loại TNGT kiểu này trung bình mỗi năm xảy ra 10-15 vụ. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 (từ 16-11-2016 đến 15-5-2017), trên địa bàn thành phố đã xảy ra 48 vụ TNGT đường bộ nghiêm trọng, làm chết 50 người và bị thương 22 người. Trong số các nạn nhân của 48 vụ tai nạn bi thảm này, có không ít người đã sử dụng bia, rượu trước khi điều khiển phương tiện.
Theo Đại tá Vũ Văn Giới, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) - CATP, bia, rượu chính là “sát nhân” giấu mặt trong hầu hết các vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Và “ngọn nguồn” để vi phạm tốc độ dẫn đến tai nạn không loại trừ các nạn nhân đã sử dụng rượu bia. Vào 0h10’ ngày 28-1-2017, trên TL 403 thuộc thôn Đông Xá, Đoàn Xá, Kiến Thụy đã xảy ra vụ TNGT giữa xe mô tô BKS: 16P8-0183 do anh Vũ Văn L. ở xã này điều khiển, phía sau chở anh Phạm Văn H., ở xã Đại Hợp, cùng huyện, va chạm với xe mô tô BKS: 16L3-0595 đi ngược chiều, trên xe có anh Ngô Duy H. và Vũ Văn H. (chưa xác định được người điều khiển). Hậu quả, 3 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương.
Gần đây nhất là lúc 23h ngày 10-5, tại km 53 quốc lộ 10, thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, xe máy BKS: 15K1-027.23 lưu thông theo hướng Hải Phòng - Thái Bình bất ngờ đâm vào phía sau xe container BKS: 15C-090.09 đang dừng đỗ cùng chiều ở rìa đường. Hậu quả, cả 2 người đi xe máy là anh Nguyễn Văn T., ở xã Hòa Bình và anh Tô Văn T., ở xã An Hòa, cùng huyện Vĩnh Bảo, tử vong tại chỗ.
Theo phân tích của Phòng PC67, trong số 48 vụ TNGT đường bộ nêu trên có 18 vụ do tốc độ, 13 vụ do quy trình thao tác xe, 5 vụ do tránh - vượt xe, 7 vụ do chuyển hướng xe, 4 vụ do lấn phần đường - làn đường và 1 vụ do không nhường đường.
Nghĩa là sẽ không loại trừ, trường hợp gây ra TNGT do các lỗi như: tốc độ, tránh vượt, chuyển hướng và thậm chí thao tác (kỹ thuật) xuất phát từ người điều khiển phương tiện “dính” đến rượu, bia. Với khung giờ xảy ra tai nạn nhiều là từ 18h-24h (với 22/48 vụ) và từ 0h-6h (5/48 vụ), ngoài các tác nhân mệt mỏi do cuối ngày hay thức đêm thì cũng không loại trừ người điều khiển phương tiện có liên quan đến nồng độ cồn.
Nâng cao ý thức khi tham gia giao thông
Xin nhắc lại rằng, tác hại của rượu, bia vô cùng lớn đối với TTATGT. Vì lẽ, người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ có nồng độ cồn trong máu hay khí thở thường bị giảm khả năng tập trung và khả năng nhận biết (phản xạ) để xử lý các tình huống nguy hiểm. Lái xe bị ảnh hưởng bởi rượu, bia thường có khuynh hướng dễ bị kích thích, bốc đồng dẫn đến vi phạm quy tắc giao thông như: chạy quá tốc độ; không chấp hành biển báo, đèn tín hiệu giao thông cùng những lỗi trực tiếp gây ra TNGT. Còn xét về sinh học, khi đã xử dụng rượu bia, người điều khiển phương tiện dễ bị ngủ gật, làm giảm khả năng phán đoán, xử lý tình huống, làm tăng nguy cơ gây tai nạn. Điều này minh chứng rằng, các vụ TNGT do tự đâm va, “tự chết” nói trên chủ yếu liên quan đến rượu, bia trước khi tham gia giao thông.
Thực tế quá trình kiểm soát TTATGT của lực lượng CSGT cho thấy, đối tượng vi phạm lỗi có nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở khi tham gia giao thông rất đa dạng. Nhóm đối tượng làm nghề lái xe chuyên nghiệp (tài xế xe ô tô chở khách tuyến cố định, xe ta-xi; lái xe tải chở hàng hóa đường dài thường rất ít vi phạm.
Có lẽ, trong nhóm này, họ ý thức được hậu họa của rượu bia, sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi vi phạm lỗi này và khía cạnh quản lý từ phía chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện khi họ vi phạm. Hiện, nhóm đối tượng dễ vi phạm nhất lại là những người lái xe ô tô không thường xuyên như xe ô tô cá nhân, xe ô tô gia đình; đặc biệt đối tượng là thanh thiếu niên đi thuê hoặc mượn phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông.
Về địa bàn, khu vực nông thôn ngoại thành có nguy cơ tiềm ẩn va quệt, TNGT từ rượu bia cao hơn cả bởi các hoạt động sinh hoạt tiệc tùng, đám hiếu, hỷ... nhất là trong bối cảnh chủng loại phương tiện tham gia giao thông, hạ tầng giao thông phức tạp; hệ thống biển báo, vạch sơn thiếu thốn.
Nhất là ý thức một bộ phận người dân, thanh, thiếu niên thấp hơn khu vực nội đô. Sẽ không khó để bắt gặp tình trạng thanh, thiếu niên uống rượu bia, điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, bám theo xe hoa đám cưới.
Gặp hoàn cảnh này, lực lượng CSGT khó có thể kiểm tra, xử lý vì yếu tố nhạy cảm, liên quan tới phong tục, tập quán. Vì vậy mới có những vụ TNGT đau lòng, anh ruột bị tử nạn khi đang trên đường đưa em gái về nhà chồng ở xã Lý Học, Vĩnh Bảo. Hoặc, vụ TNGT làm cả 2 anh em ruột chết tại chỗ sau tiệc rượu sinh nhật người anh.
Rõ ràng, TNGT xảy ra từ rượu, bia hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người tham gia giao thông. Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất không ngoài việc mỗi người có ý thức tự giác khi tham gia giao thông, có trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng.
Theo đó, khi đã uống rượu thì không điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, cần giáo dục nhắc nhở con em, người thân, gia đình, dòng họ về chấp hành quy tắc, xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh nhằm tạo ra “tế bào” tốt cho xã hội có văn hóa giao thông mà người dân hiểu và tự nguyện “Nói không với rượu, bia khi điều khiển các phương tiện”.
Đoàn Lanh