10 năm xây dựng NTM tại huyện Tiên Lãng: Khi nhà nước và nhân dân cùng làm

09:26 15/10/2019

Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Tiên Lãng, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt toàn diện, nhất là kết cấu hạ tầng về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, khám chữa bệnh… Đây là tiền đề để năm 2020 huyện Tiên Lãng tiến tới huyện nông thôn mới.

Đổi thay từ làng quê

Thôn An Thạch có diện tích đất tự nhiên 200 ha, diện tích đất canh tác 88,5 ha với 415 hộ, dân số 1. 675 nhân khẩu. Sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt làng quê của thôn An Thạch, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng có nhiều đổi thay trên các mặt.

Ông Lê Văn Hào, trưởng thôn An Thạch cho biết: Qua phát động phong trào “Toàn dân tham gia làm đường giao thông”, đến nay thôn đã làm được 3, 7 km đường nội đồng và 4,0 km đường bê tông ngõ xóm với số tiền vận động xã hội hóa từ nhân dân là trên 1,0 tỷ đồng.

Đến nay, toàn bộ đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa, đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, năm 2018 thôn An Thạch được UBND huyện Tiên Lãng công nhận là thôn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2017- 2018.

Tại thôn Giáo, xã Tiên Tiến với đặc thù là thôn nhỏ với 360 nhân khẩu, ruộng canh tác của thôn xen canh xen cư, đường đi nhỏ bé, cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nhân dân trong thôn theo 2 dòng đạo thiên chúa và đạo phật.

Trong những năm qua, nhờ có sự đoàn kết nhất trí mà cấp ủy chi bộ đã lãnh đạo nhân dân trong thôn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đặc biệt sự đóng góp của nhân dân với tổng kinh phí 618 triệu đồng (đường nội thôn 438 triệu đồng và đường ngõ xóm 280 triệu đồng) cùng với nhà nước làm 5,5 km đường giao thông nội đồng, thôn xóm, góp phần giúp đường làng ngõ xóm phong quang.

Xây dựng NTM tại huyện Tiên Lãng huy động từ nhiều nguồn huy động trong xã hội
Xây dựng NTM tại huyện Tiên Lãng huy động từ nhiều nguồn huy động trong xã hội

Ông Phạm Văn Quấn, trưởng thôn Giáo phấn khởi cho rằng: Có được kết quả trên cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương còn có sự chung tay góp sức của nhân dân.

Đến nay, hiệu quả của việc xây dựng NTM, nhất là làm đường nội đồng, nội thôn, ngõ xóm tạo nên một cảnh quan khang trang, sạch đẹp, đi lại thuận lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Cùng với 2 thôn An Thạch và Giáo, 201 thôn, khu dân cư còn lại trên địa bàn huyện Tiên Lãng tiếp nhận hàng tỷ đồng từ nguồn đóng góp xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống của chính người dân.

Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng NTM  

Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” nhân dân đã tích cực góp công, góp của để thực hiện xây dựng thôn xóm, làng xã khang trang, sạch đẹp.

Theo kết quả tổng hợp của các xã, cơ quan, đơn vị, đến nay toàn huyện người dân đã đóng góp được 100.000 ngày công, hiến gần 16.000 m2 đất thổ cư và gần 500 ha đất sản xuất nông nghiệp để có quỹ đất mở rộng, nâng cấp, đắp nền và cứng hóa mặt đường giao thông nội đồng, đường giao thông thôn, xóm và các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất.

Là địa phương đi đầu trong xây dựng NTM được UBND TP công nhận xã đạt chuẩn NTM, đồng chí Phạm Thị Xuân, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng cho biết: Ngay từ năm 2011, xã Bạch Đằng đã xây dựng Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2020, tại thời điểm này địa phương mới đạt 12/19 tiêu chí.

Bộ mặt huyện Tiên Lãng khang trang, hiện đại sau 10 năm xây dựng NTM
Diện mạo huyện Tiên Lãng khang trang, hiện đại sau 10 năm xây dựng NTM

Để có nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành các tiêu chí NTM, Đảng ủy- UBND xã xác định bên cạnh nguồn lực từ ngân sách cấp trên hỗ trợ thì việc huy động trong nhân dân và con em xa quê rất quan trọng.

Do vậy, xã đã tập trung vận động nhân dân hiến gần 26 ha đất nông nghiệp làm đường giao thông, các công trình công cộng, quy hoạch nghĩa trang nhân dân; vận động nhân dân, con em xa quê ủng hộ kinh phí, ngày công triển khai làm trên 19,5 km đường giao thông các loại.

Kết quả, tổng nguồn vốn đầu tư cho NTM giai đoạn 2011- 2017 của xã đạt 109 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất quy đổi tương đương 38,12 tỷ đồng).  

Theo đồng chí Trần Văn Khanh- Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tiên Lãng, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt toàn diện, nhất là kết cấu hạ tầng về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, điện, nước… thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2018 tăng hơn 2, 6 lần so với năm 2010.

Nhân dân đồng thuận và hưởng ứng cao trong việc hiến đất, góp đất, giải phóng măt bằng, góp công sức, vật liệu và kinh phí tham gia xây dựng các công trình hạ tầng của địa phương theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.  

BOX:

Kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM 2010- 2019:

Tổng vốn huy động từ năm 2010 đến 2015 là 1.620.103 triệu đồng, trong đó vốn trực tiếp cho Chương trình NTM là 311.504 triệu đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác là 739.495 triệu đồng; vốn tín dụng 30.804 triệu đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp 455.000 triệu đồng và vốn huy động từ cộng đồng dân cư 83.300 triệu đồng. Giai đoạn 2016 đến tháng 6-2019 tổng vốn huy động là 1.044.277 triệu đồng, trong đó vốn trực tiếp cho chương trình NTM 268.36 triệu đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác là 186.353 triệu đồng; vốn tín dụng 56. 600 triệu đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp 418.000 triệu đồng và vốn huy động từ cộng đồng khu dân cư 114.960 triệu đồng.

TRUNG KIÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông