100 năm ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng Nhà văn của những người cùng khổ

17:20 05/11/2018

Nhà văn Nguyên Hồng viết văn không phải để tỏa sáng, nhưng mỗi con chữ, trang văn của ông đều thấm đẫm nước mắt, tình yêu thương, sự sẻ chia đối với bao phận người bé nhỏ khốn khổ trong xã hội cũ. Những thế hệ người đọc, người yêu văn học và các văn nghệ sĩ Việt Nam sau này mãi nhắc nhớ đến Nguyên Hồng như một tượng đài vĩ đại của văn chương. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhà văn Nguyên Hồng, phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc chuyện trò, ghi chép lại những tâm tư, tình cảm của nhà thơ Trần Đăng Khoa đối với nhà văn Nguyên Hồng…

Cố nhà văn Nguyên Hồng

Nhà thơ Trần Đăng Khoa không có may mắn như nhiều văn nghệ sỹ là được sống với nhà văn Nguyên Hồng. Trong cuộc đời của nhà thơ, ông cũng chưa bao giờ nhìn thấy Nguyên Hồng.

Ngày nhà văn Nguyên Hồng còn sống, Trần Đăng Khoa còn là một “cậu bé nhà quê”.  Đến khi Trần Đăng Khoa về làm lính Hải quân trên chính mảnh đất Hải Phòng thì nhà văn Nguyên Hồng đang cùng gia đình ở Nhã Nam, Bắc Giang.

Nhà thơ của “Góc sân và khoảng trời” chia sẻ, ông chỉ biết đến nhà văn Nguyên Hồng qua  những trang văn và lời kể của những văn nghệ sĩ.

Nhà văn Nguyên Hồng sinh ngày 5-11-1918 ở Nam Định. Năm 16 tuổi khi mới học hết bậc tiểu học, ông cùng mẹ ra Hải Phòng kiếm sống trong các xóm chợ nghèo.

Có thể nói, Hải Phòng đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Hải Phòng đã chứng kiến những năm tháng hàn vi nhất của cuộc đời. Đất lạ đã hóa quê hương.

Mảnh đất, con người đất Cảng đã thấm vào ông tới từng mạch máu để làm nên một Nguyên Hồng nhân hậu, giản dị, thẫm đẫm tình người, tình đời.

Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời dâu bể, nhưng cũng chính ở mảnh đất đầy sóng gió này đã găm neo, bền chặt trong tâm hồn ông những giá trị nhân văn. 

Nguyên Hồng như thuộc về mảnh đất này với từng gương mặt, thân phận con người nơi đây như thể từng con đường, hẻm phố, ga tàu, bến sông, xóm thợ nghèo ở thành phố cửa biển này đã trong máu thịt ông, để rồi hóa thân thành trang đời, trang văn.

Tác phẩm đầu tiên của Nguyên Hồng viết về Hải Phòng, đó là cuốn “Bỉ vỏ”, khi đó Nguyên Hồng mới chỉ là chàng trai trẻ 19 tuổi. Và cho đến nay đó là cuốn hay nhất trong đời văn Nguyên Hồng và cũng là cuốn sách đặc sắc của văn học nghệ thuật Việt Nam. 

Vừa viết sách, báo, ông đồng thời tích cực tham gia hoạt động cách mạng, là người có công thành lập tổ chức Hội Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng từ năm 1946.

Gần nửa thế kỷ cầm bút, Nguyên Hồng để lại di sản đồ sộ với gần 40 tác phẩm thuộc nhiều thể loại. Những trang viết của ông đầy ắp hiện thực cuộc sống của những người lao động nghèo khổ. Ngày 2-5-1982, nhà văn giã từ cuộc sống ở tuổi 64.

Đối với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyên Hồng lúc nào cũng tỏa sáng, chỉ làm sao mai, chứ không làm sao hôm bởi đó là con người luôn đắm trong nhân dân, đắm trong nỗi khổ của người dân và chỉ viết về những người cùng khổ mà thôi. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: Nguyên Hồng không chỉ có đóng góp rất lớn cho nền văn học Việt Nam bằng tác phẩm của mình, những tác phẩm rất đặc sắc còn mãi với thời gian mà ông còn có vị trí rất quan trọng trong việc đào tạo những thế hệ các nhà văn Việt Nam. Ông là hội viên thành lập của Hội nhà văn Việt Nam nhưng đồng thời cũng là người thầy dạy rất nhiều thế hệ các nhà văn. Trong đó có nhiều nhà văn đã trở thành những nhà văn lớn. Có rất nhiều nhà văn lớn đều cảm thấy vô cùng tự hào khi được là học trò của thầy Hồng, như nhà văn Lê Lựu đã từng trải lòng là “ông là học trò của thầy Hồng, văn của ông cũng lấm láp bụi nhân sinh như thầy Hồng”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: Mảnh đất Nguyên Hồng sống và thở hơi thở cuối cùng là ở Nhã Nam, Bắc Giang. Đây là vùng đất ông cùng gia đình đến sơ tán cùng với các văn nghệ sỹ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhưng sau khi Hà Nội được giải phóng mọi người đều trở về với thủ đô, còn Nguyên Hồng thì ở lại cùng với những người dân nghèo khổ nhất của vùng đất này. Và người ta còn kể rằng Nguyên Hồng rất nghèo, ông sử dụng chiếc giường đã hỏng, không còn nằm được nữa hay cái thúng úp xuống để làm bàn viết. Và khi ông trút hơi thở cuối cùng thì nhà cũng chẳng có cái gì đáng giá. Cả đời nhà văn sống giản dị, nhân từ. Nhiều người dân sống gần Nguyên Hồng, tiếp xúc với ông mà không biết đó là một nhà văn lớn.

Xuân Hạ 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông