20 ngày giãn cách xã hội: Hải Phòng xứng đáng là điểm sáng bình ổn thị trường

15:04 20/04/2020

Tính đến hôm nay, thị trường thành phố đi qua vừa đúng 20 ngày kể từ khi Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thi hành. Dù có một số thay đổi nhỏ, nhưng đặt trong bối cảnh giãn cách xã hội cũng như những tác động tiêu cực trước đó, có thể khẳng định thị trường Hải Phòng hết sức bình ổn.

Nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm

          Bối cảnh đầy thách thức

 Nhìn lại thời điểm trước 1-4-2020 lùi về đến tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thị trường thực phẩm Hải Phòng đã lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Trước hết, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi năm 2019 để lại, khiến nguồn cung các loại vật nuôi nói chung và lợn thịt nói riêng đã hết sức biến động.

Tiếp đó, nhu cầu tiêu thụ dịp tết Nguyên đán đã làm cạn kiệt nguồn thực phẩm, lại thêm đợt mưa rào bất thường ngay từ ngày đầu tiên của năm mới Âm lịch, tàn phá hầu hết nguồn rau xanh dự trữ của Hải Phòng và vùng lân cận.

Trong lúc thị trường đang quay cuồng giữa sự mất cân đối cung cầu và sức tăng của giá cả, thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ảnh hưởng của dịch bệnh ngay lập khiến nền kinh tế phải đối mặt với những thách thức to lớn.

Khách hàng đến mua sắm tăng mạnh tại các siêu thị

Trong đó kinh doanh và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, do việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Đầu tiên là việc dừng các hoạt động lễ hội, du lịch rồi đến tạm dựng hoạt động của các điểm dịch vụ, cho đến kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn nguồn nguy cơ dịch bệnh vào Hải Phòng, thành phố cũng áp dụng khá sớm việc kiểm soát con người, hàng hóa từ các địa phương khác. Đây là những nguyên nhân chính mang tính cộng hưởng, làm thay đổi diện mạo thị trường thành phố so với những diễn biến truyền thống.

Liên quan đến dịch bệnh Covid-19, cũng cần phải nhắc lại là trong tháng 3 vừa qua, làn sóng tâm lý đã có lúc gây xáo trộn thị trường. Một phần do nỗi lo dịch bệnh bùng phát, dẫn đến xã hội bị cô lập, một phần không ngoại trừ khả năng tin hoang báo nhằm đầu cơ trục lợi của một số nhóm lợi ích, nên đã diễn ra cảnh người dân đổ xô đi tích trữ lương thực, thực phẩm, gây biến động thị trường.

          Phát huy tính chủ động

Trong bối cảnh đó, trước khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành và triển khai áp dụng, thành phố Hải Phòng đã rất chủ động, lường trước hậu quả tác động của dịch bệnh. Tổ hậu cần là một trong những tổ công tác chuyên trách phòng, chống dịch bệnh đầu tiên được thành lập, có nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn ổn định sản xuất, đồng thời xây dựng các phương án bình ổn thị trường.

Bên cạnh những nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân bình tĩnh, không hoang mang, lãnh đạo thành phố cũng liên tục khẳng định không để người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm. Việc rà soát nguồn cung, đánh giá mức độ cầu, cùng các biện pháp về lưu thông, quản lý giá cả hàng hóa đã được triển khai hết sức bài bản.

 Mặc dù nguồn cung thực phẩm trong quý 1 của thành phố có những lỗ hổng cục bộ, nhất là sự khủng hoảng kéo dài của thị trường lợn thịt. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì những ảnh hưởng tiêu cực nêu trên lại mang trở thành một lý do tích cực đáng kể để khỏa lấp lỗ hổng này.

Cụ thể, việc dừng tổ chức các lễ hội trên địa bàn, hạn chế tối đa làn sóng người Hải Phòng đi du xuân đầu năm, cũng như giảm lượng khách đến Hải Phòng, cũng đồng nghĩa với giảm nguồn cầu lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố. Chưa có số liệu thống kê về vấn đề này, nhưng chắc chắn nếu hệ thống dịch vụ ăn uống cũng như sức mua của khách du lịch như cường độ mọi năm, rất có thể nguồn cầu sẽ phát sinh vấn đề bất cập.

 Chính vì vậy, khi chính sách giãn cách xã hội được thực hiện từ ngày 1-4, Hải Phòng đã sẵn sàng cho một cuộc thử thách lớn. Các bài toán về sản xuất, lưu thông, cung cầu hàng hóa đều có sẵn lời giải, bên cạnh hoạt động cơ bản bình thường của thị trường truyền thống, cùng với những nỗ lực đầy trách nhiệm của hệ thống các siêu thị, thị trường thành phố đã trải qua 20 ngày êm ả.

Nguồn cung bảo đảm dồi dào, không có cảnh mua sắm tích trữ xô bồ, giá cả được kiểm soát. Nghĩa là bên cạnh những thành tựu vượt bậc về phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm ANTT và an sinh xã hội, Hải Phòng cũng xứng đáng là điểm sáng về bình ổn thị trường.

          Không thể chủ quan, lơ là

Đến thời điểm này, Hải Phòng vẫn là “vùng trắng Covid-19”, việc kiểm soát, dịch bệnh cả nước cũng có chiều hướng tích cực, chứng tỏ hiệu quả của chính sách gian cách xã hội. Tuy nhiên, ở ngoài Việt Nam, diễn biến vẫn hết sức phức tạp, nói theo cách của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, thì chỉ khi thế giới không còn Covid-19 thì cuộc chiến phòng chống dịch của chúng ta mới thực sự thành công.

Kết quả khảo sát thị trường mấy ngày qua cho thấy, ở khu vực chợ truyền thống, do trước đó bị cạnh tranh bởi hệ thống chợ tự phát nên trong khuôn viên các chợ cơ bản còn rất ít quầy hàng bán thực phẩm tươi sống.

Ở ngoài các tuyến đường vốn là chợ phát sinh ngoài quy hoạch, nhiều nhà mặt đường có cửa hàng không thiết yếu tạm dừng, đã nhượng mặt bằng cho các hộ kinh doanh thực phẩm thuê lại. Do số lượng cung giảm vì nhiều người buôn chuyến nhỏ lẻ từ ngoại thành không còn chỗ bán hàng, dẫn đến giả cả một số mặt hàng đã tăng đáng kể, nhất là lợn thịt đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại.

 Đó có lẽ cũng là một trong những lý do khiến lượng khách đến mua sắm tại các siêu thị tăng đột biến mấy ngày qua. Cũng như ngoài khu vực thị trường truyền thống, giá một số loại thực phẩm trong các siêu thị cũng được điều chỉnh tăng với mức bình quân 5% trong 5 ngày trở lại đây, tập trung vào các loại thịt, trứng, rau xanh, hoa quả nhập khẩu…

Cùng với đó, việc người đến siêu thị mua sắm tăng mạnh, cũng khiến cho việc kiểm soát phòng, chống dịch gặp khó khăn, đôi khi rất hình thức. Thiết nghĩ điều này cũng cần nhanh chóng được chấn chỉnh.

Với những gì đã diễn ra, cần phải khẳng định bình ổn thị trường cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bởi nếu thị trường bất ổn, dẫn đến xã hội bị xáo trộn sinh hoạt và kết cấu chi tiêu, thì những chính sách phòng, chống dịch bệnh cũng khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Nên dù thế nào, bình ổn thị trường cần tiếp tục được duy trì, không được chủ quan, lơ là.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích