3 đoàn nghệ thuật Hải Phòng tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần V

07:56 22/11/2022

Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022 diễn ra tại Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 15 đến 26-11 với sự tham gia của 21 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nước. Liên hoan quy tụ 15 đơn vị nghệ thuật trong nước và 6 đơn vị nghệ thuật nước ngoài đến từ những quốc gia có nền kịch nghệ rất phát triển như: Ý, Hàn Quốc, Ba Lan, Singapore, Pakistan, Ấn độ. Trong đó, Hải Phòng có 3 đoàn nghệ thuật của thành phố tham gia Liên hoan gồm: Đoàn Kịch nói Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng và Câu lạc bộ Sân khấu biển hẹn.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V khẳng định: Không chỉ là một hoạt động nghệ thuật mang ý nghĩa giao lưu nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới mà Liên hoan còn nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật cũng như khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo đối với nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.  

Theo Ban tổ chức, có tới gần 30 đơn vị nghệ thuật sân khấu trong nước đăng ký tham dự Liên hoan, nhưng Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn ra 15 vở diễn tiêu biểu nhất và đáp ứng tiêu chí mang tính thử nghiệm để tham gia lần này. 

Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng mang đến Liên hoan vở diễn “Lời thề”

Điều khác biệt đối với nền nghệ thuật sân khấu thông thường, sân khấu thử nghiệm là nơi các nghệ sĩ đưa ra các thử nghiệm sáng tạo trong bộ môn của mình từ hình thức dàn dựng đến nội dung vở diễn. Chắc chắn yếu tố “thử nghiệm” là “chìa khóa” để Ban giám khảo cho điểm các vở diễn, sự thử nghiệm càng độc đáo mang lại sự ngạc nhiên và cảm xúc mãnh liệt cho khán giả thì những vở diễn đó càng được đánh giá cao.

Liên hoan sẽ tổ chức lễ khai mạc tại Rạp Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) và bế mạc tại Rạp Đại Nam (89 phố Huế, Hà Nội). Đây cũng là nơi diễn ra các tác phẩm dự thi của 6 quốc gia cùng với một số vở diễn của Việt Nam.

3 đoàn nghệ thuật của thành phố Hải Phòng tham gia Liên hoan gồm: Đoàn Kịch nói Hải Phòng tham gia vở diễn “Đến bờ bên kia” vào lúc 14 giờ ngày 22-11 tại Nhà hát Tháng Tám Hải Phòng; Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng tham gia vở diễn “Lời thề” vào lúc 20 giờ ngày 22-11 tại Nhà hát thành phố và Hội nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng tham gia Liên hoan vở diễn “Đối thoại âm dương” vào lúc 9 giờ ngày 23-11 tại Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố Hải Phòng.

Trưởng Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, tham gia Liên hoan lần này, Đoàn mang đến vở diễn “Lời thề”, vở diễn phục dựng lại “Lễ hội Minh Thề” có nguồn gốc cách đây gần 500 năm. Đây là lễ hội truyền thống, có từ lâu đời, vào năm 2017 được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội diễn ra vào ngày 14 tháng giêng âm lịch hàng năm tại di tích cấp quốc gia Đình chùa Hòa Liễu, thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Lễ hội có ý nghĩa giáo dục nhân cách với những yếu tố tín ngưỡng, lấy của công làm việc công sẽ được thần linh ủng hộ, nếu có lòng tham lấy của công làm việc tư thì các chư thần sẽ khước từ. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Hải Phòng, do Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung, người con của quê hương Kiến Thụy đề xướng, được người dân bảo tồn và duy trì qua nhiều thế hệ.

Cảnh trong vở diễn “Đến bờ bên kia” của Đoàn Kịch nói Hải Phòng tham dự Liên hoan

Gần 5 thế kỷ đã trôi qua, những lời thề thiêng liêng tại Lễ hội Minh Thề vẫn mang tính thời sự nóng hổi, vẹn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau, đặc biệt là trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng về phòng chống tham nhũng.

Vở diễn “Đến bờ bên kia” của Đoàn Kịch nói Hải Phòng tham dự Liên hoan là tác phẩm của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, được thực hiện bởi biên tập kịch bản Cao Phương Dung với sự tham gia của các nghệ sĩ diễn viên Đoàn Kịch nói Hải Phòng và một số đơn vị nghệ thuật của thành phố.

Đến bờ bên kia là câu chuyện mang giá trị nhân văn về tính bổn thiện của con người. Bối cảnh diễn ra trên một chuyến đò, gồm nhiều tầng lớp nhân vật: trí thức, nhà sư, lái buôn, lái đò, trẻ con, tên cướp… Các nhân vật trong vở kịch đều đeo mặt nạ, trừ đứa bé. Đò vừa rời bến, một tên cướp đột nhiên xuất hiện và xin lên theo. Khi đến gần bờ, chú bé đi cùng mẹ vô tình đút tay vào chiếc bình cổ của hai tên buôn và không rút ra được. Mỗi người góp một ý kiến để tìm cách rút tay cậu bé ra. Lo sợ mất chiếc bình quý, hai tên buôn uy hiếp mẹ cậu bé. Trước tình hình đó, tên cướp rút côn, đập vỡ chiếc bình với lý lẽ “Trẻ con là tương lai đấy! Làm gì cũng phải nhân đức hàng đầu“. Chứng kiến câu chuyện, nhà sư đòi chị lái đò cho ông quay lại bờ bên kia.

Vở kịch có ba hồi “Lên đò-Nhân duyên”, “Trên đò-Bản tính” và “Xuống đò-Sắc không”, qua đó thể hiện sự đấu tranh giữa thiện và ác trong bản ngã của con người.

Cùng với đó, Hội nghệ sĩ Sân khấu Hải Phòng dự thi vở kịch “Đối thoại âm dương”. NSƯT Lê Hải – đạo diễn vở kịch cho biết, đây là kịch bản mới, diễn tả cuộc đối thoại của một vị cán bộ nghỉ hưu với 3 nhân vật (linh hồn) thuộc về cõi âm. Kịch bản súc tích vẻn vẹn 4 nhân vật. NSƯT Lê Hải vừa là đạo diễn vừa là diễn viên, 2 học trò của anh tham gia diễn cùng nghệ sĩ của Đoàn Kịch nói Hải Phòng.

Trưởng Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định, không chỉ Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng mà các đơn vị nghệ thuật Hải Phòng tham gia Liên hoan lần này đều cho rằng, đây là dịp họ nhìn lại mình và học hỏi nhiều điều ở các quốc gia có nền sân khấu phát triển. Ở chiều ngược lại, các nghệ sĩ nước ngoài cũng sẽ có những cảm nhận và học hỏi cách làm hay của các đơn vị nghệ thuật Việt Nam. Những điều này sẽ giúp cho nền văn hóa trong nước cũng như quốc tế sẽ ngày càng phát triển, vừa giữ gìn được những giá trị bản sắc, truyền thống, vừa tiệm cận với đời sống đương đại, nhằm phản ánh mọi hoạt động của cuộc sống cũng như định hướng thẩm mỹ cho khán giả.

Đặc biệt là song song với tổ chức cho các đơn vị nghệ thuật dự thi, Ban Tổ chức Liên hoan sẽ tổ chức 6 cuộc hội thảo với sự tham gia của các thành phần sáng tạo từng vở diễn và các chuyên gia sân khấu, các tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ cùng đại diện các cơ quan báo chí truyền thông để trao đổi cụ thể về những đóng góp của từng vở diễn, qua đó có được những đánh giá khách quan và cụ thể giúp cho những người làm nghệ thuật sân khấu định vị được tác phẩm cũng như những sáng tạo giá trị tại Liên hoan lần này.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích