5 năm có 4.917 cộng đồng học tập cấp xã được đánh giá, xếp loại tốt: Cách nào duy trì những mô hình hiệu quả?

    15:34 28/11/2019

    Theo Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 12-2018, cả nước có 10.367 xã/11.154 xã thực hiện đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập cấp xã (đạt 92,9%), trong đó 4.917 xã xếp loại tốt; 3.386 xã đạt loại khá…

    Đông đảo đại biểu các Sở GD-ĐT, hội khuyến học của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước dự hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư 44

    Ngày 13-11, tại Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư 44 TT-BGDĐT ngày 12-12-2014 của Bộ GD-ĐT (Thông tư 44) quy định về đánh giá, xếp loại “cộng đồng học tập” cấp xã. Đồng chủ trì thảo luận tại hội nghị có các đồng chí: GS.TS Phạm Tất Dong, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký TW Hội khuyến học Việt Nam; Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ GD Thường xuyên (Bộ GD-ĐT); NGUT. PGS.TS Lê Quốc Tiến , Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cùng hàng trăm đại biểu các Sở GD-ĐT, hội khuyến học của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

    Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Sau 5 năm triển khai Thông tư 44 quy định về đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập cấp xã đã đạt được những kết quả tích cực. Xây dựng xã hội học tập để không ngừng nâng cao dân trí, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu quan trọng.

    Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị

    Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 5 năm triển khai, Thông tư 44 còn những hạn chế, tồn tại cần được các đại biểu chỉ ra, đồng thời đề xuất những giải pháp, sáng kiến, cách làm hay góp phần nâng cao chất lượng học tập cộng đồng tiến tới xây dựng xã hội học tập.

    Tại hội nghị, Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ GD Thường xuyên (Bộ GD-ĐT) Vũ Thị Tú Anh thông qua Báo cáo tóm tắt 5 năm thực hiện Thông tư 44.

    Trong đó, lãnh đạo Vụ GDTX chỉ ra 4 nhóm kết quả lớn: tích cực tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo nâng cao nhận thức của các cấp, ngành; đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng cộng đồng học tập cấp xã, nâng cao ý thức học tập cộng đồng cho người dân và cộng đồng; triển khai tập huấn hướng dẫn quy trình, cách thức kiểm tra, đánh giá các tiêu chí; tổ chức đánh giá xếp loại cộng đồng học tập cấp xã.

    Đại biểu các tỉnh, thành phố tham luận tại hội nghị

    Theo tài liệu thống kê của Bộ GD-ĐT tính đến tháng 12-2018, cả nước có 10.367 xã/ 11.154 xã thực hiện đánh giá, xếp loại (đạt 92,9%), trong đó: 4.917 xã xếp loại tốt; 3.386 xã đạt loại khá…

    Sau 5 năm thực hiện Thông tư 44 với những kết quả đạt được đã xác định được tính phù hợp với thực tế, góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị; phát huy tác dụng với việc giảm nghèo tăng thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, đoàn kết cộng đồng dân cư…

    Đại biểu Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ đánh giá: qua việc triển khai, chỉ đạo đánh giá xếp loại cộng đồng học tập cấp xã theo Thông tư 44, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, các tổ chức, đặc biệt là hội khuyến học các cấp với ngành GD-ĐT; các thiết chế phục vụ hoạt động giáo dục được đầu tư, tăng cường cho việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở các cơ quan, đơn vị…

    Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo sự nghiệp GD-ĐT, động viên nhân dân tham gia học tập. Phong trào thi đua xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” được đẩy mạnh…Bên cạnh những mặt tích cực, đại biểu Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ nêu ra những khó khăn như: tiêu chí tự đánh giá sẽ không khách quan, không thực chất, mang tính hình thức; tiêu chí nước sạch nông thôn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng cao quá cao nên một số địa phương miền núi khó có thể thực hiện…

    Theo đại biểu Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam, đến nay việc đánh giá, xếp loại Cộng đồng học tập cấp xã tại các địa phương đã tương đối ổn định. Sau 5 năm thực hiện, bước đầu Thông tư đã thể hiện được tính phù hợp và tính khả thi của các tiêu chí, các minh chứng, quy trình đánh giá, cách cho điểm, xếp loại Cộng đồng học tập cấp xã; xác định được vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của Hội khuyến học, ngành GD-ĐT và các ngành, đoàn thể ở địa phương trong quá trình tổ chức đánh giá, xếp loại Cộng đồng học tập cấp xã.

    Bà Ngô Thị Trinh, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Yên Bái đưa ra những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 44 từ thực tế 5 năm triển khai tại tỉnh Yên Bái; trong đó có phương châm, nơi nào dễ làm trước, nơi nào khó làm sau; lồng ghép thực hiện kết quả xây dựng nông thôn mới trong việc đánh giá một số tiêu chí trùng với tiêu chí xây dựng cộng đồng học tập.

    Từ những kết quả đạt được, tại hội nghị, đại biểu bày tỏ mong muốn, sau việc đánh giá, xếp loại mô hình học tập cộng đồng được thực hiện thành công, làm sao để duy trì nâng cao, chất lượng của các mô hình này.

    HẢI HẬU

     

     

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông