50 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia (24-6-1967 * 24-6-2017): Đóng góp xứng đáng của những người con đất Cảng

15:05 23/06/2017

Đoàn cán bộ, chuyên gia Hải Phòng tại Campuchia 

“Cùng tắm dòng nước Mê-kông, cùng chung cánh đồng bát ngát…”, lời mở đầu cho bài hát nổi tiếng về tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã đủ để nói lên quan hệ mật thiết giữa hai đất nước. Đặc biệt trong dịp này, bài hát nhiều lần được vang lên đã khiến những kỷ niệm trào dâng trong lòng những người con Hải Phòng từng công tác, chiến đấu trên đất bạn…

Trên đất tỉnh kết nghĩa Kongpong Som

Tiếp tôi tại nhà riêng, đồng thời cũng là trụ sở của Hội tại 8/76 Ngô Gia Tự, Tiến sỹ Trần Sáng - nguyên Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Hải Phòng nhớ lại. Vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Hải Phòng là thành phố duy nhất của miền Bắc có quan hệ kết nghĩa với tỉnh Kongpong Som (nay là Sihanoukvil) của Camphuchia. Trung ương quyết định thành lập đoàn chuyên gia Nhà nước Việt Nam của Hải Phòng sang giúp bạn.

Đoàn đầu tiên do đồng chí Lê Thành Dương - Phó Bí thư thường trực Thành ủy làm Trưởng đoàn. “Đến năm 1986, mình dẫn đầu đoàn số 2 sang thay cho đồng chí Lê Thành Dương, khi ấy mình mới 40 tuổi…”, Tiến sỹ Trần Sáng kể.

Đoàn chuyên gia Hải Phòng lúc đó với bộ khung là lãnh đạo Đảng, chính quyền các sở, ngành, đoàn thể gồm 110 người, trong đó 37 đồng chí là lãnh đạo, chuyên gia. Tiến sỹ Trần Sáng nói: “Lực lượng Công an đông lắm, chiếm gần một nửa quân số, riêng cảnh sát bảo vệ đã 40 người…”, rồi ông nhắc đến các đồng chí Lê Văn Thụ, Nguyễn Bình Doãn (nguyên Giám đốc CATP), Vũ Ngọc Thịnh (nguyên Phó Giám đốc CATP), Nguyễn Văn Kinh, Trần Văn Phú…

Nhiệm vụ của đoàn khá đa dạng, nhưng chốt lại với những việc làm hết sức thiết thực, như giúp nước bạn phục hồi lại kinh tế, tái thiết các cơ sở kiến trúc, văn hóa; giúp bạn xây dựng chính quyền các cấp và xây dựng các lực lượng tự chủ; giúp bạn ổn định ANTT và truy quét tàn quân Khơ me đỏ…

Tiến sỹ Trần Sáng đưa tôi xem bài viết mang đậm chất hồi ký của đồng chí Phạm Ảnh - nguyên Phó trưởng đoàn chuyên gia Hải Phòng. Tác giả Phạm Ảnh ghi lại rất chi tiết những hoạt động, chẳng hạn như việc giúp bạn giải quyết nạn đói, ông kể: “Chúng tôi đến thăm một số nhà dân ở xung quanh thị xã, ai ai cũng biết ơn Việt Nam nhưng đều yêu cầu cứu trợ gạo…”.

Để chia sẻ, các đơn vị bộ đội tình nguyện, cán bộ, chuyên gia Việt Nam đều bớt khẩu phần ăn để giúp bạn. Trước đó, do áp đặt chính sách cai trị tàn khốc khiến cuộc sống của nhân dân ở Kongpong Som hết sức xáo trộn. Đồng chí Phạm Ảnh viết: “Khi quân tình nguyện Việt Nam tấn công căn cứ Krop-xa-la, dân bung ra kéo dài gần 30km dọc đường số 3…”, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Các cán bộ, chuyên gia của Hải Phòng đã nỗ lực phối hợp với các đơn vị của Binh đoàn 14 đưa dân trở về quê cũ, ổn định cuộc sống.

Những kỷ niệm không thể nào quên

Quan hệ Việt Nam - Campuchia dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng có thể khẳng định đó là một trong những mối quan hệ đặc biệt. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, nhân dân Campuchia đã kề vai sát cánh cùng nhân dân Việt Nam, góp phần tích cực để chấm dứt chiến tranh Đông Dương. Tuy nhiên, trong một thời gian cầm quyền không lâu của chế độ Polpot, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước bị biến dạng tiêu cực. Khơ me Đỏ không chỉ phát động cuộc chiến lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, mà còn tiến hành cuộc diệt chủng man rợ nhất trong lịch sử loài người thời hiện đại.

Vừa để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vừa giúp những người dân anh em thoát khỏi nạn diệt chủng, những đơn vị tình nguyện Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong hàng chục vạn người Việt Nam thực thi sứ mệnh thiêng liêng ấy, có biết bao người đã không trở về, biết bao người đã để lại xương máu trên nước bạn, trong đó có những người con Hải Phòng.

Nhưng có một điều không thể phủ nhận, như cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Quang Sơn (hiện sống tại phường Lê Lợi) nhận xét: “Người dân Campuchia biết ơn và quý bộ đội Việt Nam lắm…”. Khi ông Sơn sang nước bạn năm 1982, tỉnh Koh Kong của bạn đã được giải phóng, nhưng tàn quân Polpot vẫn quấy phá mạnh. Bộ đội Việt Nam được người dân nước bạn hết mực đùm bọc, chia sẻ.

Ông Sơn bùi ngùi nhớ lại: “Tháng 6-1986, Binh đoàn chúng tôi về nước, suốt dọc chặng đường mấy trăm km đến tận biên giới, người dân đông nghịt hai bên đường, tung hoa, trái cây cho chúng tôi, những giọt nước mắt cảm động của cả hai dân tộc cùng chảy…”. Giờ đây đã nghỉ hưu, nhưng ông Sơn vẫn luôn gặp gỡ những người bạn chiến đấu cũ, để được ôn lại một thời oai hùng, ông bùi ngùi nói: “Một kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong trái tim mỗi người lính tình nguyện…”.

Còn Đại tá Nguyễn Bình Doãn - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Hải Phòng thì tâm sự: “Nhiệm vụ của chuyên gia an ninh đầy khó khăn và nguy hiểm, nhưng chúng tôi luôn xác định giúp bạn là làm cho mình”. Sau khi kể những kỷ niệm về những năm tháng trên chiến trường Campuchia, Đại tá Nguyễn Bình Doãn khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào vì đã góp công sức và cả xương máu cho cách mạng Campuchia, cho sự nghiệp quốc tế cao cả…”.

Tiếp nối chặng đường truyền thống

Trở lại với Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Hải Phòng, thành lập từ năm 1993, thuộc diện  sớm nhất của cả nước, xứng đáng là nhịp cầu kết nối giữa những người con Hải Phòng đã từng chiến đấu, công tác trên nước bạn. Nhưng ý nghĩa hơn, tề tựu trong đó là những nhân chứng sống của lịch sử, ghi lại một thời chứa chan kỷ niệm, có lúc bi, lúc tráng của hai dân tộc.

Chủ tịch Hội Trần Sáng cho biết, ban đầu Hội được thành lập với lực lượng nòng cốt là các cán bộ, chuyên gia, đến nay Hội đã có 12 chi hội, với khoảng 1.000 hội viên, bao gồm các thế hệ người Hải Phòng tham gia giúp nước bạn ở các thời kỳ khác nhau.

 

Tiến sỹ Trần Sáng giới thiệu một số hình ảnh hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Những năm qua, hội đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc nói chung và Hải Phòng với các địa phương của bạn nói riêng. Nổi bật như việc tham mưu cho thành phố giúp xây dựng trụ sở UBND tỉnh kết nghĩa Sihanoukville và đài phát thanh FM. Gần đây, Hải Phòng tiếp tục giúp bạn một số cơ sở vật chất và trang thiết bị văn phòng, hỗ trợ các sinh viên nước bạn học tập tại thành phố

Tháng 1-2017 vừa qua, Đại hội Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố tổ chức đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2016-2021, Tiến sỹ Trần Sáng tái đắc cử chức danh Chủ tịch Hội. Ông tâm sự, dù hoạt động tự nguyện với tinh thần tự cung, tự lo, nhưng các hội viên đều hết sức nhiệt huyết và cố gắng, Hội cũng là hội hữu nghị sớm nhất của thành phố có trụ sở riêng.

Trong nhiệm kỳ này, Hội chủ trương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hữu nghị, tiếp nối truyền thống để không chỉ mỗi hội viên, mà mỗi người dân Hải Phòng hiểu sâu sắc hơn những tình cảm thiêng liêng giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông