75 năm Ngày Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên (6-1-1946/6-1-2021): Mốc son chói lọi của thể chế dân chủ Việt Nam

08:55 04/01/2021

Tháng 10-1944, trước sự chuyển biến của tình hình thế giới có lợi cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể dân tộc, tạo nên sức mạnh bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do.

Hình ảnh người dân bỏ phiếu trong Ngày Tổng tuyển cử Quốc hội 6-1-1946 (Ảnh tư liệu)

Giữa năm 1945, cao trào kháng Nhật cứu nước đang diễn ra sôi nổi, nhận thấy cơ hội ngàn năm có một cho nhân dân ta giải phóng dân tộc đang đến gần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam.

Chiều ngày 16-8-1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào).

Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể Cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào.

Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta, là Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh, nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh.

Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng thời quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc dân đại hội, nhân dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy khởi nghĩa, thực hiện cuộc cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô và cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v…”.

Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Điều 2 của Sắc lệnh quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử…”.

Tiếp đó, ngày 26-9-1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17-10-1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 2-12-1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử.

Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, cuộc Tổng tuyển cử thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt.

Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23 tháng 12 năm 1945, nhưng gặp phải sự chống đối của Việt Quốc, Việt Cách. Để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho Tổng tuyển cử; đồng thời, để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày Chủ nhật 6-1-1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Đại biểu Quốc hội khóa 1 (Ảnh tư liệu)

 Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí càng náo nức, sôi nổi, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do các Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử.

 Danh sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức.

Ngày 5-1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “… Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”.

Chủ nhật 6-1-1946, từ sáng sớm, báo Sự Thật đã phát lời kêu gọi nhân dân “Tất cả hãy đến thùng phiếu”. Báo Quốc Hội đã dành khổ lớn trên trang nhất để in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bút tích Lời kêu gọi của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng cả ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền Ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã đi bỏ phiếu.

Ở Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Ở các địa phương khác trong cả nước, cuộc Tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng nói chung Tổng tuyển cử diễn ra an toàn.

Ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình… Nhìn chung, ở cả 71 tỉnh, thành trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%.

Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phải; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi.

Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ – nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

          Hoàng Minh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông