9 tháng năm 2024, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm

08:44 06/10/2024

Theo thông tin từ Sở Công thương, 9 tháng năm 2024, nhờ thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, chủ động nắm tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên được đảm bảo ổn định, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn thành phố.
Người dân mua sắm tại siêu thị MM Mega Market Hồng Bàng

Theo đó, tính riêng tháng 9/2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 9 ước đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 14,39% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 16.423tỷ đồng, tăng 18,10% so với cùng kỳ; doanh thu khách sạn nhà hàng ước đạt 2.099 tỷ đồng, giảm 3,46% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 14,3 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 863,4 tỷ đồng, tăng 0,11% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng/2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 166.452 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 166.452 tỷ đồng, tăng 14,26% so với cùng kỳ; doanh thu khách sạn nhà hàng ước đạt 19.463 tỷ đồng, tăng 13,04% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 241,6 tỷ đồng, tăng 11,01% so với cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 8.271 tỷ đồng, tăng 4,69% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong tháng 9, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố. Phần lớn các chợ, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, siêu thị bị ảnh hưởng (bị tốc mái, mất biển hiệu, biển quảng cáo, biển giá, có cửa hàng xăng dầu bị nghiêng cột bơm, hỏng hệ thống thu lôi, chống sét…; có siêu thị bị đổ cửa vào kho lấy hàng...).

Bên cạnh việc đã thực hiện tốt phương án dự trữ hàng hóa, chuẩn bị các máy phát điện để tiếp tục phục vụ sản xuất - kinh doanh trong thời điểm toàn thành phố mất điện; các doanh nghiệp đã chủ động khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để nhanh chóng, kịp thời phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, trước, trong và sau bão số 3, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

Trước đó, để chuẩn bị ứng phó trước, trong và sau cơn bão số 3, Sở Công thương đã chủ động triển khai phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố xây dựng và ban hành Phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố năm 2024. Trong đó, có 7 siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã đăng ký tham gia dự trữ 7 nhóm hàng hóa với tổng số tiền dự tính 29.311.100.000 đồng.

Hàng hóa dồi dào, giá cả tương đối bình ổn

Sở Công thương đã đề nghị UBND các quận, huyện chủ động thực hiện phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; rà soát nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, đánh giá nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trường hợp nguồn cung không đáp ứng, chủ động liên hệ với 7 doanh nghiệp cam kết dự trữ hàng hóa. Sở cũng đề nghị Sở GTVT, Công an thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nhiên liệu xăng dầu được ưu tiên lưu thông để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân.

Cùng với đó, Sở đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu của các siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh thương mại, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; kiểm tra, giám sát tình hình cung cầu, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hải Phòng để không xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá bán hàng hóa, đáp ứng tốt 3 nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, giám sát tình hình cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố. Định kỳ hàng ngày, tập trung theo dõi diễn biến thị trường, công tác dự trữ hàng hóa,… để tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương và UBND thành phố.

Nhìn chung, trong 9 tháng năm 2024, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng rau xanh, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên nguồn cung giảm theo thời điểm nên giá có biến động tăng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, UBND các quận, huyện, doanh nghiệp đã tích cực phối hợp giải quyết tốt nhu cầu của Nhân dân sau bão và hiện nay giá rau xanh đang giảm dần theo giá cả thị trường. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, giá biến động theo giá thế giới.

Những tháng cuối năm, để phát triển thị trường trong nước, Sở Công thương tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại; xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố các tháng cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán 2025.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố trong cả nước; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Triển khai Tháng khuyến mại Hải Phòng năm 2024. Mặt khác, Sở tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cung cầu, điều tiết hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố để không xảy ra tình trạng khan hiếm, tăng giá bán hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông