90 năm Ngày truyền thống Ngành tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2020): Những trang sử vàng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng (Kỳ 2)-Vẻ vang từ những ngày khởi đầu

12:59 20/07/2020

Từ thời điểm đầu tiên đi vào hoạt động, công tác tuyên giáo của Đảng đã góp phần xây dựng, phát triển phong trào cách mạng, khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng. Nổi bật là phát động cao trào cách mạng 1930-1931 và “Xô viết Nghệ Tĩnh”.

Minh họa tái hiện cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 (Tư liệu)

Ngay sau khi thành lập, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thành lập Đảng và đường lối cách mạng của Đảng; phổ biến rộng rãi Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; đề ra nhiều khẩu hiệu phản ánh nguyện vọng bức thiết của quần chúng lao động…

Qua đó đã làm dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp trong cả nước. Hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân, binh lính đã nổ ra quyết liệt trên nhiều tỉnh, thành phố, đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Công tác tuyên truyền trong nhân dân được tiến hành công khai, sâu rộng, mà trọng tâm là tuyên truyền các chính sách của cách mạng: xoá nợ, giảm tô, chia lại công điền cho nông dân, thủ tiêu mọi thứ thuế, ban bố các quyền dân chủ, xét xử bọn phản động, bài trừ hủ tục, tổ chức học văn hoá...

Nhiều tờ báo của Đảng và các địa phương ra đời. Thơ ca cách mạng được lưu truyền. Sách, báo, tài liệu cách mạng được phổ biến rộng rãi.

Trọng tâm của công tác tư tưởng thời kỳ này là công tác tuyên truyền và đào tạo cán bộ tuyên huấn. Công tác tư tưởng tập trung giác ngộ chính trị cho đảng viên và quần chúng, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, chuyển tư tưởng yêu nước của nhân dân ta theo lập trường của giai cấp công nhân.

Công tác tuyên truyền thường xuyên tố cáo tội ác của đế quốc và tay sai, chống lại các thủ đoạn lừa bịp của chúng, chống chủ nghĩa quốc gia cải lương; gắn chặt với cuộc đấu tranh hàng ngày của quần chúng đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, kết hợp các khẩu hiệu kinh tế với khẩu hiệu chính trị, thông qua đấu tranh mà nâng cao trình độ chính trị, rèn luyện đảng viên và quần chúng.

Đối với cán bộ, đảng viên, công tác tư tưởng đã coi trọng việc giáo dục tính chất giai cấp của Đảng, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin và phẩm chất đạo đức cách mạng, phân rõ ranh giới tư tưởng vô sản với các tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, giữ vững đường lối chính trị đúng đắn, quan điểm tư tưởng vô sản, chống các tư tưởng phi vô sản, đào tạo đội ngũ cán bộ kiên cường, trung thành, tận tụy với cách mạng.

Giai đoạn tiếp đó, công tác tư tưởng đã được tiến hành kịp thời, sắc bén, bám sát thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên, nâng cao lòng tin vào lý tưởng và thắng lợi của cách mạng, đẩy lùi các hiện tượng bi quan, dao động; nêu gương sáng về tinh thần hy sinh, bất khuất vì lợi ích cách mạng của những người cộng sản; góp phần quan trọng vào việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng trước sự khủng bố tàn bạo của địch, chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh rộng lớn hơn về sau.

Đặc biệt trong giai đoạn 1936-1939, trong cuộc vận động dân chủ chống phản động thuộc địa và tay sai, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình, Trung ương Đảng chủ trương phát triển mạnh mẽ công tác báo chí, xuất bản, phát hành, huấn luyện, đào tạo cán bộ thông qua việc phát triển xuất bản sách báo công khai và chọn đảng viên có trình độ viết sách, viết bài.

Mỗi chi bộ lập “bình dân thư xã” mua và đọc sách, báo cách mạng; khuyến khích quần chúng mua và đọc sách, báo. Các cấp đảng bộ tái bản những tài liệu tuyên truyền của Trung ương, lập ra Ban huấn luyện chăm lo đào tạo cán bộ, bồi dưỡng chính trị cho đảng viên và quần chúng.

Nhiều tác phẩm văn hóa hiện thực phê phán ra đời. Phong trào Truyền bá quốc ngữ phát triển sâu rộng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ta đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử Viện dân biểu Bắc kỳ và Viện dân biểu Trung kỳ (1937 - 1938).

Công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng tạo ra một cao trào cách mạng sôi nổi, đây được coi là cuộc tổng diễn tập thứ hai cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị.

Đó là: đấu tranh cho tự do dân chủ, cải thiện đời sống và hoà bình, chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh; tạo điều kiện cho đường lối, chủ trương của Đảng đi sâu vào quần chúng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hoá dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ khí thế của phong trào cách mạng, tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tiến bộ tham gia vận động cách mạng.

          Hoàng Minh (Còn nữa )

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông