Âm vang “Hào khí Bạch Đằng giang”

11:10 13/10/2018

Đoàn Chèo Hải Phòng vừa cho ra mắt vở diễn “Hào khí Bạch Đằng Giang” sau 5 tháng tập luyện. Từ sự dàn dựng công phu và hợp luyện của hơn 100 diễn viên tham gia, vở chèo được kỳ vọng trở thành tác phẩm kinh điển của Đoàn Chèo Hải Phòng, khẳng định sự trường tồn của những chiến công oanh liệt bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Tại Hải Phòng, địa danh Bạch Đằng giang và núi đá Tràng Kênh còn âm vang đến muôn đời truyền thống hào hùng từ những chiến công vang dội cách đây 730 năm, với những chứng tích lịch sử còn lưu lại đến ngày nay. Năm 2018 cũng là năm đầu tiên Lễ hội Bạch Đằng Giang ở Hải Phòng diễn ra với quy mô cấp thành phố. Lễ hội bắt đầu từ ngày 23-4 (tức ngày 8-3 âm lịch) mang nhiều hoạt động đặc sắc: lễ dâng hương, lễ tế trời đất, đêm hội hoa đăng, múa lân, giải đua thuyền Rồng Hải Phòng mở rộng trên sông Bạch Đằng... nhằm kỉ niệm chẵn 1.080 năm chiến thắng của Ngô Vương Quyền, 1.037 năm chiến thắng của Lê Đại Hành và cũng chẵn 730 năm chiến thắng của nhà Trần, tưởng nhớ 1013 năm ngày Húy nhật của Đức vua Lê Đại Hành (1005-2018).

“Hào khí Bạch Đằng giang” với sự dàn dựng công phu và hợp luyện của hơn 100 diễn viên cùng tham gia

Với những giá trị thẩm mỹ, địa chất, đa dạng sinh học, khảo cổ học, di tích lịch sử và văn hóa dân gian… vùng đất Tràng Kênh – Bạch Đằng có sức hấp dẫn và lôi cuốn với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Hải Phòng tự hào với những giá trị lịch sử to lớn ấy. Những chứng tích lịch sử được lưu giữ tôn tạo, làm nên một “Hào khí Bạch Đằng giang” vang vọng mãi cùng thời đại.

Từ những ý nghĩa lớn lao, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy những giá trị lịch sử và giá trị di tích, đạo diễn Trần Thị Hoàng Mai – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cùng Ê kíp sáng tạo và Đoàn Chèo Hải Phòng quyết tâm dàn dựng nên vở chèo mang tên “Hào khí Bạch Đằng giang”.

Xây dựng từ kịch bản văn học “Âm vang Bạch Đằng” của Trưởng đoàn Vũ Huy Thành, “Hào khí Bạch Đằng giang” đã khắc họa nhân vật lịch sử sắc nét và các tình tiết chính, khái quát toàn bộ diễn biến của quá trình quân ta chống giắc Nguyên Mông xâm lược. Mặc dù không tương quan lực lượng, sự chênh lệch là rất lớn, nhưng với tài năng tuyệt vời của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ông đã vận dụng binh pháp vô cùng tinh tế mà bọn giặc không thể ngờ tới. Với phương thức “dùng đoản binh chế trường trận” đã làm suy yếu đối phương, bẻ gãy quân xâm lăng hùng hậu, đầy mưu mô và đầy kinh nghiệm chiến tranh. Hơn nữa, Trần Hưng Đạo chọn sông Bạch Đầng tiêu diệt thủy quân của giặc, dựa vào đặc điểm sông, núi, thủy triều, ghềnh thác… lập thành cái bẫy khổng lồ vùi thầy hàng trăm chiến thuyền với hàng chục vạn quân Nguyên Mông, đến nỗi “Huyết hồng mãn giang”.

Theo tác giả kịch bản, Trưởng đoàn Vũ Huy Thành, vở chèo đã nêu được một quan điểm lớn, có tính quy luật từ cổ chí kim vẫn nguyên giá trị, đó là “quốc dĩ dân vi bản” – lấy dân làm gốc. Hưng Đạo Vương nói riêng và triều Trần nói chung đã tạo được niềm tin với dân, dựa vào sức dân. Từ sự đoàn kết, vua tôi đồng lòng, “thượng mục, hạ hòa” đã cộng hưởng thành sức mạnh phi thường, mà có được chiến thắng đổi ngược tình thế, vang mãi muôn đời.

Sông Bạch Đằng, núi đá Tràng Kênh thuộc địa phận Thủy Đường, nay là huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Nhân dân bản địa, các địa phương thuộc Hải Phòng, Quảng Ninh và nhân dân cả nước ngày đó đã có công lao to lớn trong Trận chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Vở chèo “Hào khí Bạch Đằng Giang” nêu được sự đóng góp đáng kể của nhân dân bản địa, khắc họa một số nhân vật đã ghi danh vào lịch sử mà nay được mang tên như: Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Chùa Đỏ, Chùa Vẽ, đường Vũ Chí Thắng, Bùi Thị Từ Nhiên, Phạm Hữu Điều… Ngoài ra còn có các nhân vật trong giai thoại mà nhân dân còn truyền tụng đến nay như Cô Lủi, bà hàng nước (vua bà)…

Sau hơn 5 tháng tập luyện với sự phối hợp tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Cải Lương, Đoàn nghệ thuật Múa rối, Liên đoàn Võ thuật, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng, vở diễn đã có buổi diễn báo cáo thành công, nhận được sự đánh giá cao từ hội động nghệ thuật và khán giả. “Hào khí Bạch Đằng Giang” được kỳ vọng trở thành tác phẩm kinh điển của Đoàn Chèo Hải Phòng từ sự dàn dựng công phu và hợp luyện của hơn 100 diễn viên tham gia. Phải nói rằng, “Hào khí Bạch Đằng giang” là vở chèo quy mô nhất từ trước đến nay được dàn dựng.

NSƯT Hồng Minh, nguyên Phó Trưởng đoàn  Đoàn Chèo Hải Phòng cho biết năm 1980, Đoàn chèo Hải Phòng từng dàn dựng thành công vở “Tấm vóc Đại Hồng” của tác giả Trúc Đường, đạo diễn Dương Ngọc Đức tạo được tiếng vang trong đời sống sân khấu chuyên nghiệp ở đề tài lịch sử. Đến nay, Đoàn Chèo Hải Phòng tiếp tục xây dựng thành công một vở lịch sử lớn như “Hào khí Bạch Đằng giang”, thể hiện sự nối tiếp, khẳng định bề dày truyền thống của chiếu chèo “Hải Phòng” từ nhiều năm qua.

Nói thêm về kịch bản của “Hào khí Bạch Đằng Giang”, tác giả Vũ Huy Thành cho biết, để sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật sân khấu về đề tài lịch sử, đương nhiên phải xây dựng nhân vật hư cấu. Nhưng, những sự kiện, những nhân vật chính đều phải bám sát lịch sử, tôn trọng giá trị lịch sử trên cơ sở nghiên cứu tư liệu để đạt được tính sát thực cao nhất. Bởi thế, bên cạnh việc khắc họa nhân vật lịch sử sắc nét với những tình tiết chính, vở chèo có các tuyến nhân vật làm nổi bật thêm chủ đề của vở với những câu chuyện thấm đầm tình người và tính nhân văn.

Đoàn Chèo Hải Phòng hiện có hơn 20 diễn viên thì tất cả đều được phân vai trong vở diễn này. Trong đó một số vai nổi bật được giao cho những giọng “đinh” của đoàn: Thanh Bình vai Trần Hưng Đạo, Quang Thao vai Trần Nhân Tông, Văn Mởn vai Trần Kim, Thùy Dương vai Ngọc lan, Thùy Dung vai Cô Lủi, Thanh Mai vai Bà hàng nước, Hoàng Phúc vai Thoát Hoan… Điều đó cho thấy vở diễn huy động số lượng lớn diễn viên tham dự. Cùng với đó số lượng đạo cụ, phục trang cũng tăng gấp nhiều lần so với những vở diễn bình thường. Quân số dàn nhạc cũng được tăng cường lên 11 người để phục vụ cho vở diễn. Thành công của vở “Hào khí Bạch Đằng giang” không chỉ ghi nhận tinh thần say mê lao động nghệ thuật của ê kíp sáng tạo cùng tập thể các nghệ sĩ mà đó còn là cả một sự nỗ lực lớn trong việc xã hội hóa kinh phí xây dựng vở. Bởi dàn dựng tác phẩm sân khấu lịch sử luôn cần phải đầu tư rất lớn.

Một tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử không thể bỏ quên những yêu cầu cốt yếu: đảm bảo tính chân thực của lịch sử nhưng cũng cần gắn với chỗ đứng và quan điểm của thời đại hôm nay. Cùng với đó tác phẩm phải có tính sinh động và hấp dẫn. Thì “Hào khí Bạch Đằng giang” đã làm được những điều đó và chiếm trọn cảm tình của người xem, hứa hẹn trở thành tác phẩm kinh điển như mong đợi. Trưởng đoàn Đoàn Chèo Hải Phòng Vũ Huy Thành cũng mong muốn, sắp tới vở sẽ được diễn thường xuyên tại Nhà hát thành phố hoặc biểu diễn những trích đoạn ngắn phục vụ du khách ngay tại quần thể danh thắng Tràng Kênh, Khu di tích Bạch Đằng giang.

Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông