Ấn Độ xây công viên từ tro cốt của nạn nhân COVID-19

00:26 09/07/2021

Khi lò hỏa táng ở Bhopal có quá nhiều hài cốt không có người đến nhận, giới chức Ấn Độ đã nghĩ ra một giải pháp thân thiện với môi trường. Đó là dùng tro cốt của hàng nghìn nạn nhân COVID-19 để xây dựng công viên tưởng niệm.

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), khi người dân địa phương đến một công viên mới ở thành phố Bhopal, bang Madhya Pradesh, để đi dạo vào buổi sáng, họ có thể không biết rằng dưới chân mình là tro cốt của 6.000 thi thể đã được hỏa thiêu tại lò hỏa táng gần đó trong làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 của Ấn Độ.

Cho đến gần đây, tro cốt của các nạn nhân tử vong vì COVID-19 vẫn được đặt trong những chiếc bình lớn tại lò hỏa táng Bhadbhada Vishram Ghat, nhưng không có người đến nhận. Dù mong muốn dành sự tôn trọng xứng đáng cho những người đã khuất, nhưng ông Mamtesh Sharma, người quản lý lò hỏa táng, cũng ngày càng quan tâm đến việc nơi này không còn không gian để đặt các bình tro cốt.

“Ở giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng dịch bệnh thứ 2, sau khi chúng tôi hỏa táng từ 100 đến 150 thi thể mỗi ngày, chúng tôi sẽ phải tìm chỗ trống để đặt các bình tro cốt. Chúng tôi phải bổ sung ngày càng nhiều ngăn tủ để đựng chúng. Chúng tôi từng đặt 500 ngăn tủ, sau đó tăng thêm 1 phòng chứa tro cốt. Hiện tại, dù không còn chỗ trống nhưng chúng tôi vẫn cần không gian cho những thi thể hỏa táng khác”, ông Sharma nói.

Shivraj Singh Chouhan, Thủ hiến bang Madhya Pradesh, trồng cây non đầu tiên tại công viên tưởng niệm gần lò hỏa táng Bhadbhada Vishram Ghat. Ảnh: Handout

Giải pháp được đề xuất là rải tro cốt xuống sông Narmada, đoạn chảy qua thành phố Bhopal, theo truyền thống của đạo Hindu. Tuy nhiên, ông Sharma không muốn làm ô nhiễm dòng sông với lượng tro cốt khổng lồ như vậy. Để hỏa táng một thi thể cần 500kg gỗ và tạo ra 50 kg tro bụi.

Ông Sharma và các đồng nghiệp đã quyết định trộn tro với đất, cát, mùn cưa và phân bò rồi rải trên khu đất hoang rộng hơn 1.000 m2 gần đó, biến nó thành một công viên tưởng niệm người quá cố.

Khoảng một tuần trước, các thầy tu theo đạo Hindu đã đọc kinh cầu nguyện và phủ những bông cúc vạn thọ lên một số bình đựng tro cốt, trước khi trộn chúng với các chất khác và rải trên mặt đất. Cây non đầu tiên được trồng bởi ông Shivraj Singh Chouhan, thủ hiến bang Madhya Pradesh.

Chẳng bao lâu nữa, hàng trăm cây non sẽ được trồng bằng kỹ thuật Miyawaki của Nhật Bản. Kỹ thuật này được sử dụng để tạo ra các khu rừng rậm rạp một cách nhanh chóng bằng cách trồng các cây non gần sát nhau, đảm bảo chúng nhận được ánh sáng Mặt Trời từ trên cao, khuyến khích thực vật phát triển hướng lên trên chứ không phải nghiêng sang một bên.

Đối với ông Sharma, những ngày từ giữa tháng 4 đến tháng 6 sẽ là ký ức không bao giờ quên. Vào giai đoạn đỉnh điểm của "cơn sóng thần" COVID-19, Ấn Độ đã ghi nhận 400.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và những lò hỏa táng như cơ sở của ông luôn rơi vào tình trạng quá tải.

“Một số gia đình sợ hãi khi đưa người chết đến hỏa táng đến mức vội vàng vứt xác ở cổng rồi bỏ đi. Sau đó, nhân viên của tôi phải thực hiện các nghi thức cuối cùng ”, ông nói.

Ông không ngạc nhiên khi tro cốt của 6.000 người vẫn chưa được gia đình đến nhận. Ông nói đó là một thời điểm khó khăn khi các quy tắc đi lại thông thường không được áp dụng.

Nỗi sợ hãi và hoảng loạn đã bao trùm thành phố đến mức các nghi lễ, phong tục thể hiện sự tôn trọng người đã khuất đều bị bỏ qua. Các hạn chế về lệnh phong tỏa cũng gây khó khăn cho một số người. Nhiều người lo sợ nhiễm virus từ hài cốt của nạn nhân COVID-19. Những người khác đến nhưng chỉ lấy một ít xương mà họ có thể dễ dàng mang theo trong một túi nhỏ, chứ không lấy tất cả lượng lớn tro.

Sharma cho biết nhiều người sống sót sau trận càn quét của dịch COVID-19 trong thành phố đã nói với ông rằng họ sẽ trồng cây non và chăm sóc chúng. Ông hy vọng công viên sẽ là một đài tưởng niệm yên bình và đẹp đẽ cho những người đã khuất, giúp bù đắp những lễ nghi được thực hiện vội vã khi họ qua đời trong hoàn cảnh khó khăn.

Rajneesh Kapoor, 32 tuổi, chủ một cửa hàng xe đạp, đã hỏa táng người cha 60 tuổi của mình tại lò hỏa thiêu ở Bhopal vào đầu tháng 5. Anh đã lấy hài cốt của cha mình và giữ chúng ở nhà cho đến khi làn sóng thứ hai ập đến. Sau đó, anh đến Varanasi để rải tro xuống sông Hằng.

Khi được hỏi liệu anh có cảm thấy khó chịu khi đi dạo trong công viên, khi biết có tro cốt của con người nằm dưới chân không, Kapoor trả lời dứt khoát: "Không."

"Hoàn toàn ngược lại. Việc tưởng nhớ các nạn nhân càng có ý nghĩa hơn khi biết tro cốt của họ nằm trong lòng đất. Mọi thứ diễn ra quá mơ hồ trong nỗi sợ hãi và đau đớn đến nỗi không ai trong chúng ta có thời gian để suy ngẫm.Đến công viên là một cách yên bình để chúng ta nhớ về những người đã khuất", Kapoor nói.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích