20:09 16/04/2019 Hiện Hải Phòng có khá nhiều làng nghề truyền thống. Dù giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội tại khu vực nông thôn nhưng công tác bảo đảm an toàn, nhất là PCCC tại khu vực này dường như bị bỏ ngỏ.
Tháng 11-2018 một vụ cháy lớn đã xảy ra tại xưởng chế biến gỗ ở làng nghề Lũng Kênh, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, gây thiệt hại nặng nề.
Mặc dù đã được lực lượng Cảnh sát PCCC Công an huyện Hoài Đức kịp thời có mặt, nhưng do xưởng nằm sâu trong ngõ, nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Đám cháy đã thiêu rụi hoàn toàn 400m nhà xưởng và gây thiệt hại lớn về kinh tế…
Trước đó, năm 2014, tại xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cũng đã xảy ra vụ cháy tại một cơ sở chuyên sản xuất hàng mã khiến ba người trong một gia đình tử vong.
Vụ cháy tại xưởng chế biến gỗ ở làng nghề Lũng Kênh, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Ảnh sưu tầm
Đó thực sự là hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy, trong đó có Hải Phòng. Qua các đợt kiểm tra, lực lượng chức năng đều có chung nhận xét, việc quản lý PCCC tại khu vực làng nghề còn lơ là.
Và rõ ràng, khi hậu quả xảy ra, thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về người lao động. Theo phản ánh, tồn tại lớn nhất vẫn là việc các làng nghề không trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy tại chỗ; không niêm yết nội quy, tiêu lệnh, không tổ chức tập huấn PCCC, thực tập PCCC.
Trong khi đó, một trong những nguy cơ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ chính là tại nhiều làng nghề, đa số các nhà xưởng, kho bãi đều được làm bằng khung thép, mái tôn, bao bọc xung quanh và chỉ có một lối thoát duy nhất. Nguyên liệu sản xuất tại đây rất dễ bắt lửa và gây nổ. Các thiết bị điện để khá lộn xộn; dây, ổ cắm điện để khắp nơi.
Nguy hiểm hơn, nhà kho, nhà xưởng không có hệ thống báo cháy tự động. Nhận thức về mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa được các hộ sản xuất, kinh doanh quan tâm. Đáng nói, hệ thống giao thông tại các làng nghề vẫn còn tồn tại những trụ cột chắn giữa đường, cổng làng…
Cộng với đó hệ thống ao hồ, sông ngòi ngày càng bị thu hẹp dẫn tới việc nguồn nước chữa cháy không có. Tất cả cho thấy, công tác PCCC tại các làng nghề trên địa bàn thành phố đang bị xem nhẹ.
Vụ cháy tại xưởng chế biến gỗ ở làng nghề Lũng Kênh, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Ảnh sưu tầm
Trước thực trạng trên, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - CATP cùng Công an các quận, huyện đã chủ động tham mưu với các cấp chính quyền về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố; tham mưu cho các cấp ban hành nhiều chỉ thị, chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác PCCC và CNCH.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - CATP đã triển khai nhiều hoạt động, phương thức nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia công tác bảo đảm an toàn PCCC.
Qua đó phong trào Toàn dân PCCC trên địa bàn thành phố được phát động, triển khai sâu rộng, hiệu quả với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, trong đó mô hình Làng nghề an toàn PCCC cũng đã được triển khai và đạt được hiệu quả thiết thực.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng đã chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp công tác nghiệp vụ; chú trọng công tác phòng ngừa cháy, nổ, xác định phòng cháy là chính; tổng kiểm tra toàn diện công tác PCCC ở tất cả các địa bàn, khu vực; tăng cường công tác xử lý vi phạm hành chính, siết chặt công tác thẩm duyệt theo quy định của Bộ Công an; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ theo hướng chính quy, tinh nhuệ, có bản lĩnh, tính chiến đấu và kỷ luật cao.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP cũng đề nghị để đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ gây ra, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng, chống cháy nổ cho các gia đình, doanh nghiệp tại làng nghề.
MINH PHƯƠNG
10:47 25/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão