Anh em như chân với tay

18:52 04/07/2015

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Ông Ba mở khẽ cánh cửa bước vào nhà, đã thấy bà Ngân ngồi đăm chiêu, nước mắt tràn gương mặt. "Có chuyện gì làm bà không vui à?”. “Vui sao nổi, đúng là bực không chịu được. Anh với chả em, chẳng được một ngày yên”…

“Ra thế, lại chuyện chia chác đất cát, mấy đứa vẫn chưa giải quyết xong à, phức tạp nhỉ?”. “Xong cái nỗi gì, bọn nó còn kiện nhau ra tòa kìa. Tôi tức mà chết thôi ông ơi”… Nhìn vợ đang khổ sở vì chuyện mấy đứa em mà ông Ba thấy chạnh lòng. Trước đây thì đất đai, vườn tược bạt ngàn, có ai tranh chấp gì đâu. Đứa nào, đứa nấy bỏ lại đất hoang, lũ lượt kéo nhau ra phố làm ăn. Dần dà cũng tiết kiệm được một ít, mua nhà, lập gia đình rồi định cư luôn trên phố. Thỉnh thoảng anh em lại tụ họp nhau ăn uống, đi chơi thật vui…

Riêng Ba thì lại khác, ông vốn là chàng trai thành phố gốc. Mấy chục năm trước, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, Ba xin về một xã nghèo ở huyện ngoại thành dạy học. Là một người trẻ, năng động, lại có năng khiếu về ăn nói, ca hát, ngoài giảng dạy chuyên môn, Ba còn được nhà trường phân công phụ trách công tác đoàn, đội. Việc này khiến Ba có điều kiện tiếp xúc, giao lưu với các đoàn viên thanh niên trong xã. Và Ngân, cô phó bí thư xã đoàn xinh đẹp, tài năng đã làm anh giáo Ba đêm ngày thầm thương trộm nhớ. Rồi sau những buổi hẹn hò trên những triền đê gió mát, trăng thanh và cả những vần thơ lai láng, tình cảm, trái tim Ngân đã bị Ba chinh phục. Để rồi một đám rước dâu từ quê về phố giản dị nhưng thắm đượm tình yêu thương diễn ra trong sự mừng vui khôn xiết của đôi trẻ và chúc phúc của họ hàng hai bên…

2. Hơn 5 năm cống hiến ở vùng xa, Ba được điều chuyển công tác về phố. Bà Ngân cũng theo về làm nhân viên văn phòng cho một công ty gần nhà chồng. Mấy đứa em bà Ngân vui mừng ra mặt, thế là chị em có cơ hội được ở gần nhau. Nhất là khi ở quê bố mẹ đã về với trời thì việc mấy chị em cùng đoàn tụ nơi thành phố như thế này thì chẳng còn hạnh phúc nào bằng. Với cương vị là chị cả, bà Ngân luôn hướng cho các em cần phải gần gũi, thương yêu, giúp đỡ nhau bất kể lúc nào…

Ở thành phố rộng lớn, cuộc sống cũng đầy sự bon chen, cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, anh em bà Ngân vẫn sống khá sung túc nhờ chịu khó làm ăn. Cứ năm hôm, nửa tháng họ lại hẹn nhau về nhà chị cả Ngân bù khú thật là đầm ấm, làm ông Ba còn phát ghen. Thế mà…

3. Chuyện bắt đầu từ việc cái xã nghèo của mấy chị em bà Ngân được một doanh nghiệp lớn đầu tư mở cả một khu công nghiệp để tận dụng nguồn lao động địa phương. Một vùng đất cằn cỗi, một vụ trồng lúa, còn lại chỉ để cỏ mọc nay lại rất có giá, từ việc giải phóng mặt bằng xây dựng khu công nghiệp và các công trình phụ trợ đã ngốn một quỹ đất rất lớn với giá đền bù cao. Chưa kể những khu đất hành lang bỗng nhiên được đội giá lên cho các công trình nhà trọ, quán xá. Thế là cái xã nghèo bỗng sốt xình xịch với chuyện đất cát. Những ti vi, tủ lạnh, xe máy đắt tiền, những ngôi nhà cao tầng mọc lên từ việc đền bù của dự án. Đất ruộng và đất thổ cư của anh em nhà bà Ngân cũng nằm trong phạm vi xây dựng nhà máy nên được đền bù hàng tỷ đồng, còn được cấp đất tái định cư…

Ngồi trên cả đống tài sản như vậy, mấy đứa em nhà bà Ngân bắt đầu có những mâu thuẫn trong việc chia tiền, chia suất tái định cư. Cậu út thì khăng khăng đòi chia phần hơn vì cậu là người cuối cùng sống với bố mẹ trước khi ông bà khuất núi. Ông con trai trưởng thì cho rằng mình lớn nhất, mình có quyền phân chia, người nào khó khăn được nhiều, ai dư giả rồi thì được ít. Bà Ngân đồng ý với cách chia này, nhưng cậu út lại kiên quyết phản đối, hai đứa em gái cũng không bằng lòng. Bà Ngân đành bàn với chồng nhường suất của mình cho cậu út, dù gì vợ chồng bà cuộc sống đã ổn định, con gái trưởng thành, không cần phải bon chen nữa. Ông Ba thấy vợ nói có lý nên chiều vợ, không muốn chia chác gì cho đau đầu…

Những tưởng việc gương mẫu của anh chị sẽ làm các em nhường nhịn nhau và không tranh chấp nữa. Nhưng chẳng ăn thua, ai cũng muốn bảo vệ chính kiến của mình nên rốt cuộc họ làm đơn đưa nhau ra tòa. Riêng cậu út còn kiếm đâu ra bản di chúc của bố giao hết cả tài sản cho mình. Đến nước này thì bà chị cả Ngân cũng đành bất lực nhìn cảnh đàn em "nồi da xáo thịt", kiện tụng nhau…

 4. Bà Ngân bị ngã cầu thang chấn thương cột sống phải nằm liệt chữa trị, các con đi công tác xa, một mình ông Ba hết đi chợ nấu nướng, rồi lại lộc cộc vào bệnh viện chăm vợ. Ông Ba lại bị cao huyết áp, gặp phải những ngày nắng nóng đâm ra cũng quỵ luôn. Những lúc hoạn nạn như thế này, anh em đông mà chẳng trông cậy được vào ai vì các em còn mải lo đi kiện nhau. Bà Ngân chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng.

Đúng lúc bà Ngân buồn tủi nhất, không có cách nào nói được các em thì tổ hòa giải và tòa án đưa ra những phân xử hợp tình, hợp lý. Các em bà nhận thấy những hành động tranh chấp, khiếu kiện của mình thật là ngu ngốc, vừa mất tình nghĩa anh em, vừa tốn thời gian cho tổ chức xã hội, cơ quan pháp luật. Họ hối hận vì những việc đã làm và còn bảo nhau đến chăm sóc bà Ngân vì có khi chính việc làm của họ đã làm cho bà buồn bực, thất vọng, rồi chẳng may ngã bệnh hiểm nghèo. Điều quan trọng là họ đã biết lỗi, bà Ngân vui lòng tha thứ cho những đứa em bồng bột, vì chút lợi ích trước mắt mà quên đi nghĩa tình anh em như "chân với tay"…

Quảng Bình


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông