Áp lực kép làm khó thị trường hàng hóa

09:32 09/03/2022

Nhìn lại thời gian trong khoảng 10 năm trở lại đây, có lẽ chưa có năm nào thị trường hàng hóa phải chịu nhiều áp lực như thời điểm này. Trong đó ảnh hưởng đáng kể nhất vẫn là những hệ lụy liên quan đến dịch bệnh Covid-19, thời tiết xấu và sự gia tăng của giá xăng dầu. Chưa kể những diễn biến bất ổn của tình hình thế giới, cộng hưởng lại đang tiềm ẩn những nỗi lo, khiến thị trường hàng hóa lâm vào tư thế nhấp nhổm.

Giá xăng dầu tăng cao tạo áp lực lớn cho thị trường hàng hóa

          Hơn hai năm kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã gây tổn thất lớn cho nền kinh tế đất nước, khi nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị gián đoạn, thậm chí là ngừng trệ.

Liên quan đến thị trường, dịch bệnh là yếu tố cản trở lớn nhất trong lưu thông, làm đứt đoạn nhiều chuỗi cung ứng, từ đó tác động đến hệ thống phân phối bán lẻ, đến giá cả hàng hóa, gây hiệu ứng dây chuyền khiến cả các nhà cung ứng lẫn người tiêu dùng đều bị tổn hại.

          Trao đổi về điều này, ông Hoàng Long – cán bộ quản lý của một siêu thị bách hóa trên địa bàn thành phố cho biết, trong kết cấu phân phối, siêu thị của ông thường xuyên có khoảng hơn 25 nghìn mặt hàng. Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 diễn ra năm 2021 vừa qua, nhiều thời điểm giao thương giữa các địa phương trên địa bàn cả nước bị gián đoạn, tổng lượng hàng hóa kinh danh bị giảm khá lớn.

Bởi rất nhiều mặt hàng thị trường Hải Phòng phải khai thác từ các tỉnh phía Nam, nhất là thực phẩm chế biến và các loại hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng… Nhiều sản phẩm thương hiệu quen thuộc lâm vào tình trạng khan hiếm và tăng giá, dù hiện đã được phục hồi những chưa thể bù đắp được những lỗ hổng trong tiêu thụ, khi một bộ phận người tiêu dùng đã chuyển sang lựa chọn thương hiệu khác thay thế.

          Từ cuối năm 2021, cả nước chuyển sang trạng thái mới thích ứng linh hoạt với dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động thị trường cơ bản được khơi thông trở lại. “Nhưng cùng với sự di chuyển của luồng sản phẩm, nguồn dịch bệnh cũng nhanh chóng lây lan trên diện rộng, tạo ra áp lực mới cho quan hệ thương mại” – ông Hoàng Long chia sẻ.

Đơn cử như Hải Phòng, những ngày gần đây dịch bùng phát, số đông người dân vì phải điều trị cũng như áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã không thể tham gia vào giao dịch thị trường, một số khác thì có lẽ do tâm lý nên cũng hạn chế mua sắm.

Nhìn bằng mắt thường, thấy rõ lượng khách đến các siêu thị rất thưa thớt, kể cả giao dịch online cũng không được như kỳ vọng, vì trong hoàn cảnh thu nhập khó khăn, chi phí liên quan đến dịch bệnh khá lớn, người tiêu dùng cũng chỉ tập trung tiêu thụ những sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm.

Các siêu thị hiện đang rất vắng khách đến mua sắm

          Ở một diễn biến khác, một kênh giao thương lâu nay nhiều người tiêu dùng không mấy để ý, đó là hàng hóa qua lại biên mậu. Thực tế lâu nay thị trường Hải Phòng có nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ Thái Lan (qua biên giới Việt - Lào) bằng đường bộ, bao gồm cả hàng gia dụng và nông sản, thực phẩm.

Nhưng do tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua các nước láng giềng thắt chặt kiểm soát biên giới với Việt Nam, đã ảnh hưởng trực tiếp đến giao thương. Đây cũng là một trong những lý do khiến nông sản Việt Nam ùn ứ ở biên giới, trong khi đó hiện thị trường Hải Phòng cũng đang chứng kiến sự khan hiếm và tăng giá của hàng hóa nhập từ các nước này.

Chẳng hạn, theo ông Phong – một người kinh doanh thiết bị điện tử, thì các loại linh kiện, phụ kiện dùng cho máy tính và điện thoại hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung, vì đa phần được nhập từ Trung Quốc.

Còn bà Dung – chủ một đầu mối ở chợ hoa quả Tam Bạc thì cho biết, hiện các loại hoa quả Việt đang bán khá rẻ và tồn đọng nhiều như mít bán lẻ chỉ 10 nghìn đồng/kg, dưa hấu 8 nghìn đồng/kg, xoài cát 25 nghìn đồng/kg… nhưng các loại táo nguồn gốc Trung Quốc đều tăng gấp đôi so với trước tết Nguyên đán, loại rẻ nhất cũng 40 nghìn đồng/kg, các loại nho Trung Quốc đều trên 100 nghìn đồng/kg nhưng không có hàng bán.

          Bên cạnh những áp lực đến từ dịch bệnh, trong suốt thời gian qua thị trường trong nước phải chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ của xăng dầu. Cũng trong tình cảnh dịch bệnh, nhưng hơn một năm về trước giá xăng dầu giảm xuống rất thấp, còn từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại, xăng dầu có 22 đợt điều chỉnh tăng, riêng giá xăng đã hơn 26 nghìn đồng/lít, cao gần gấp hai lần so với giá đáy năm 2020.

Đáng chú ý, Hải Phòng đang sở hữu lượng tàu thủy, xe container, xe chở khách và các phương tiện vận chuyển khác thuộc nhóm đứng đầu cả nước, tương ứng với mức tiêu hao nhiên liệu lớn. Cho thấy xăng dầu tăng là một trong những nỗi lo lớn nhất đối với thị trường hàng hóa, khi nhóm nhiên liệu chiếm tỷ lệ chủ đạo trong cước vận chuyển, một trong những yếu tố chi phối giá bán lẻ hàng hóa.

          Cùng với những khó khăn nêu trên, trong đợt mưa rét kéo dài vừa qua, các vùng nông sản cung ứng chính cho thị trường Hải Phòng cũng bị tổn thất nặng nề, khi mà nguồn tích trữ cũng cơ bản được tiêu thụ hết trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần. Hiện thời tiết đã được cải thiện, nhưng việc tái tạo nguồn cung không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Hơn nữa, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, hiện nhiều phân khúc thị trường chưa thể phục hồi bình thường như du lịch, lưu trú, ăn uống… Mặt khác, dịch bệnh cũng chưa thực sự tạo ra sự thống nhất về phương pháp tiếp cận, đang tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức cộng đồng, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường.

          Trước những áp lực cộng hưởng, hy vọng rằng đây chỉ là giai đoạn cục bộ. Nhưng dù nói gì thì nhiệm vụ phát triển kinh tế nói chung và bình ổn thị trường hàng hóa nói riêng đang cần hơn sự nỗ lực của cả xã hội, bao gồm cả cơ chế, chính sách, ổn định sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và bình ổn tâm lý của người tiêu dùng. Với quyết tâm vượt khó để tăng trưởng.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích