17:26 24/06/2020 Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN+3) đã củng cố chương trình thanh khoản khẩn cấp nhằm sẵn sàng đối phó hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong tương lai.
Trong thông báo ngày 23/6, Bộ Kinh tế và tài chính Hàn Quốc cho biết quyết định này được đưa ra sau khi các nước có những điều chỉnh trong mạng lưới an toàn tài chính khu vực được biết dưới tên gọi Thỏa thuận Đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (CMIM) và chính thức có hiệu lực vào ngày 23/6/2020.
ASEAN+3 đã nhất trí sửa đổi lại một số điều khoản của CMIM được ký tháng 5/2019 để tăng cường hỗ trợ tài chính, bao gồm linh hoạt trong việc kéo dài thời gian vay mượn theo phần thỏa thuận CMIM gắn với Quỹ Tiền tề quốc tế (IMF). Các nước cũng thống nhất bổ sung một cơ sở pháp lý bao trùm để CMIM có thể hỗ trợ các nước thành viên giải quyết các rủi ro cũng như các điểm yếu thông qua các gợi ý chính sách và hỗ trợ tài chính.
Thỏa thuận CMIM là thể thức hỗ trợ thanh khoản bằng USD của ASEAN+3 với quy mô cam kết lên đến 240 tỷ USD được thực hiện thông qua giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương để các thành viên CMIM giải quyết các khó khăn khẩn cấp về cán cân thanh toán và thanh khoản USD trong ngắn hạn, thực hiện mục tiêu ổn định tiền tệ và kinh tế vĩ mô.
ASEAN+3 gồm 10 quốc gia Đông Nam Á (Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Singapore, Việt Nam) cùng Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản./.
Theo chinhphu.vn