Bác Hồ với Đại hội Đảng

23:06 01/02/2021

Những ngày này, người dân cả nước cũng như hàng triệu con tim Việt Nam ở nước ngoài đang hướng về Thủ đô Hà Nội, với niềm tự hào và tin tưởng một kỳ Đại hội thành công của Đảng. Hòa quyện trong cảm xúc đó, tình cảm đối với Bác Hồ luôn đặc biệt, bởi Người chính là ngọn gió mới đã đưa Đảng đến với chúng ta, Người là hiện sinh sống động tinh thần vô sản vĩ đã của dân tộc ta.

Ảnh tư liệu: Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1960)

Cách đây đúng 110 năm, giữa lúc dân tộc ta đứng trước khủng hoảng về đường lối cứu nước, thì người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước.

Người đã tiếp cận đường lối tiến bộ, trở thành đảng viên Đảng Xã hội Pháp, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Con đường đến với chủ nghĩa Mác – Lê nin đã giải đáp cho Người bài toán đấu tranh giành độc lập tự do thực sự cho dân tộc, cho đồng bào mình.

Từ đó Người bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào yêu nước Việt Nam. Hoạt động không mệt mỏi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối, đã tạo những điều kiện cơ bản nhất cho sự ra đời của Đảng vô sản tại Việt Nam.

Ngày 3-2-1930, Người chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc.

          Từ đó đến năm 1969, năm Người mãi mãi đi xa, Đảng ta đã tiến hành 3 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội diễn ra trong một bối cảnh lịch sử khác nhau, nhưng đều gắn liền với dấu ấn của Người. Theo những tài liệu của Đảng ghi nhận, thì nổi bật nhất trong phong cách của Người đối với các kỳ Đại hội là sự chuẩn mực rõ nét: Tổ chức chuẩn bị và tiến hành theo một nền nếp khoa học và dân chủ.

Người luôn nhận định, quan tâm chu đáo việc “thiết kế chính sách bằng phương pháp phát huy dân chủ, bởi nó quyết định một trong những phần quan trọng nhất của những nhiệm vụ vạch ra”. Gặp những vấn đề còn mâu thuẫn, Người đề nghị mọi người tập trung bàn để đi tới thống nhất, không bao giờ Người áp đặt ý kiến cá nhân, phương pháp làm việc này Người duy trì trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.

          Ngoài Đại hội I (1935) tiến hành trong bối cảnh đặc thù khi nước ta chưa giành được độc lập, Bác Hồ trực tiếp tham dự và chủ trì các Đại hội II (1951) và III (1960) của Đảng. Trước thềm Đại hội II, Người đã chủ trì nhiều phiên họp hoàn thiện Báo cáo Chính trị và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị.

Đây là Đại hội Ðảng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức ở trong nước, với quy mô lớn chưa từng thấy trước đó, giữa lúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp đang diễn ra ác liệt. Tại các phiên họp, Người yêu cầu các đại biểu “nghiên cứu sâu sắc các văn kiện, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính, thì các vấn đề phụ sẽ giải quyết dễ dàng; không nên “tầm chương trích cú” như lối ông đồ nho...”.

Đại hội II của Đảng cũng là Đại hội quyết định Đảng ta lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Trong báo cáo Chính trị trình Đại hội do Người trình bày, có đoạn: “Về mục đích trước mắt, Ðảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Người nhấn mạnh “Ðảng đổi tên nhưng bản chất không thay đổi, phải tiếp tục phát huy truyền thống Ðảng Cộng sản trong điều kiện mới. Đảng đó không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của dân tộc và toàn thể nhân dân lao động”. Cũng tại Đại hội lần này, Người tham gia bầu cử và trúng cử vào BCH Trung ương, được bầu là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội III của Đảng diễn ra tháng 9-1960, cũng là Đại hội đầu tiên của Đảng được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội, Thủ đô của một nước độc lập, tự do. Đại hội thông qua quyết định lớn là thực hiện hai chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân ở miền Nam. Tại Đại hội này, Bác Hồ được bầu lại là Chủ tịch, Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng phức tạp, thành công của Đại hội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo nên sự đồng thuận trong Đảng, tinh thần hồ hởi, phấn khởi của toàn dân, mở đường cho cách mạng Việt Nam tiếp tục vững bước tiến lên, giành những thắng lợi mới, vĩ đại hơn.

Với tư duy độc lập, chủ động sáng tạo, cách làm việc khoa học, dân chủ, dám nghĩ, dám quyết, những Đại hội Đảng do Hồ Chí Minh chỉ đạo đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Phương pháp tổ chức và điều hành các cuộc họp của Người là một mẫu mực cho chúng ta học tập, kết tinh thành giá trị văn hóa chính trị, văn hóa Đảng bền vững.

Đó là sự thật lịch sử, toát ra từ một bậc lãnh tụ vĩ đại, một tình yêu nước thương nòi sâu sắc, một tư tưởng bậc thầy đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Người đã đi xa hơn, nhưng tư tưởng của Người sống mãi, toàn dân Việt Nam vẫn kiên định con đường mà Người đã lựa chọn, lý tưởng của Người vẫn hun đúc bao thế hệ. Để mỗi kỳ Đại hội Đảng, hình ảnh Người luôn rực rỡ, như ngọn đuốc soi đường, sáng bừng niềm tin, niềm tự hào và khát vọng Việt Nam

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông