“Bác sĩ” của các tổ chức tín dụng

10:52 19/10/2023

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được thành lập trước hết để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tạo ra một cơ chế giảm thiệt hại cho công chúng trong trường hợp xảy ra đổ vỡ ngân hàng.

Trải qua quá trình phát triển gần 100 năm qua trên thế giới, các tổ chức BHTG đã mở rộng về chức năng, nhiệm vụ, không chỉ đứng ra chi trả bảo hiểm mà còn thực hiện các nghiệp vụ khác nhằm hạn chế nguy cơ đổ vỡ, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính. Có thể nói, tổ chức BHTG cũng như những “bác sĩ” chăm lo cho sức khỏe, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền.

Tổ chức BHTG góp phần kiểm soát những vấn đề có thể gây ảnh hưởng tới sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Hỗ trợ “hồi sức” cho các TCTD gặp vấn đề

Theo khảo sát được Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI) thực hiện vào năm 2022, khoảng 23% các tổ chức BHTG trên thế giới đang hoạt động với mô hình chi trả, 42% hoạt động với mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng (như hỗ trợ tài chính, mua lại v.v.), 28% hoạt động với mô hình giảm thiểu rủi ro hoặc giảm thiểu tổn thất, 7% hoạt động theo mô hình khác. Kết quả này cũng tương ứng với các đợt khảo sát thường niên trước đó của IADI, cho thấy tổ chức BHTG có xu hướng chuyển dịch dần từ mô hình chi trả đơn thuần sang các mô hình phức tạp hơn, với chức năng, nhiệm vụ cao hơn; qua đó nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền và giữ gìn an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng.

Tại Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được thành lập ngày 09/11/1999 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2000 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang lan rộng trên thế giới và tác động mạnh tới Việt Nam. Một số quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có vấn đề đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản, gây thiệt hại lớn cho người gửi tiền.

Vào thời điểm đó, việc BHTGVN đứng ra chi trả BHTG khi tổ chức tín dụng phá sản, giảm rủi ro tổn thất cho người gửi tiền, đồng thời là một “liều thuốc tinh thần” để lấy lại niềm tin công chúng; góp phần tránh những tác động dây chuyền ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng cũng như đảm bảo trật tự, an ninh xã hội tại các địa phương. Sau 24 năm hoạt động, BHTGVN đã chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại 39 tổ chức tham gia BHTG, đảm bảo quyền lợi cho những người gửi tiền quy mô nhỏ, dễ bị tổn thương.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được thành lập trước hết để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền

Tuy nhiên, nhiệm vụ của BHTGVN không chỉ dừng lại ở công tác chi trả. Luật BHTG năm 2012 và Luật Các TCTD năm 2017 đã quy định tổ chức BHTG tham gia kiểm soát đặc biệt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực hiện cho vay đặc biệt đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt, tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân…

Đây là những nhiệm vụ mang tính chất “hồi sức cấp cứu”, khi tổ chức BHTG sử dụng nguồn lực của mình tham gia hỗ trợ TCTD gặp vấn đề duy trì hoạt động, xử lý các vấn đề nội tại và khôi phục tình trạng bình thường. Nếu TCTD được kiểm soát đặc biệt có thể xây dựng một phương án phục hồi khả thi, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được BHTGVN và các cơ quan, tổ chức có liên quan hỗ trợ về nhiều mặt, phương án đó nhiều khả năng sẽ được hiện thực hóa, khiến TCTD không còn tình trạng đối mặt với nguy cơ đồ vỡ. Như vậy, người gửi tiền vẫn được đảm bảo toàn bộ các quyền lợi, tổ chức BHTG không phải sử dụng Quỹ dự phòng nghiệp vụ để chi trả, các TCTD khác cũng tránh khỏi các tác động dây chuyền. Đây là một “cái kết” có lợi cho tất cả các bên và cũng chính là mục tiêu mà cơ quan quản lý ngành Ngân hàng hướng đến.

Mới đây, Thống đốc NHNN đã yêu cầu BHTGVN xây dựng cơ chế cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành các QTDND được kiểm soát đặc biệt. BHTGVN đã ban hành Quy định tạm thời về việc cử nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc QTDND được kiểm soát đặc biệt, nêu rõ trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, chế độ về việc đề cử cán bộ thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Theo quy định, cán bộ được BHTGVN sàng lọc, đề cử cần đạt những yêu cầu về tiêu chuẩn, kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ…, qua đó vững tay xử lý các vấn đề nội tại của TCTD gặp vấn đề, từng bước gìn giữ niềm tin của người gửi tiền. Với việc nhân sự từ tổ chức BHTG có thể được huy động, cơ quan quản lý ngành Ngân hàng sẽ có một công cụ hiệu quả để trực tiếp chấn chỉnh hoạt động của QTDND được kiểm soát đặc biệt.

Bên cạnh đó, BHTGVN còn sử dụng nghiệp vụ truyền thông chính sách như một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ bảo vệ các TCTD và người gửi tiền nói chung. Việc truyền thông chính sách BHTG vừa giúp gia tăng nhận thức công chúng, vừa khiến cho các tổ chức tham gia BHTG ý thức sâu sắc hơn về việc tuân thủ quy định của pháp luật, nâng cao kỷ luật thị trường.

Trên thực tế, với sự vào cuộc của BHTGVN và các cơ quan chức năng có liên quan, một số TCTD có khó khăn, gặp phải các tin đồn thất thiệt đã được xử lý gọn gàng và phục hồi hoạt động. Đơn cử như trường hợp của QTDND Bảo Lộc (Lâm Đồng) phải đối mặt với làn sóng rút tiền hàng loạt vào tháng 4/2023 vừa qua. Vì một tin đồn thất thiệt liên quan tới lãnh đạo Quỹ, do lo ngại hoạt động của Quỹ thiếu an toàn, có thể lâm vào trình trạng mất khả năng chi trả, người dân đã tới rút tiền liên tục trong nhiều ngày. NHNN Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, BHTGVN và chính quyền địa phương đã kịp thời trấn an tâm lý người gửi tiền, khẳng định các chỉ tiêu an toàn của Quỹ vẫn hoàn toàn ổn định, cá nhân có liên quan không vỡ nợ và bỏ trốn khỏi địa phương như lời đồn đại. Bên cạnh đó, BHTGVN đẩy mạnh việc tuyên truyền để người gửi tiền tin tưởng vào sự bảo vệ của chính sách ngân hàng và chính sách BHTG. Sau một thời gian lo lắng, người dân đã tới gửi tiền trở lại, QTDND đứng vững trước sóng gió.

Theo sát “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng

Từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã quan tâm sâu sắc hơn tới việc thiết lập một mạng an toàn tài chính quốc gia nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức tài chính – ngân hàng, cũng như sự ổn định của toàn hệ thống tài chính nói chung. Theo thông lệ quốc tế, mạng an toàn tài chính thường bao gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Cơ quan giám sát tài chính, tổ chức BHTG và một số cơ quan khác.

Trên thực tế, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền và hệ thống ngân hàng nói chung, BHTGVN đã thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên nhằm theo dõi sát tình hình, diễn biến của các tổ chức tham gia BHTG. Cụ thể, BHTGVN hiện giám sát từ xa đối với 1.280 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.179 QTDND, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. BHTGVN đang áp dụng các tiêu chuẩn giám sát tiên tiến nhất theo thông lệ quốc tế và theo hướng dẫn của Hiệp hội BHTG Quốc tế. Đồng thời, BHTGVN đang tăng cường công tác giám sát, hướng tới đáp ứng yêu cầu chuyển dịch từ giám sát tuân thủ sang giám sát rủi ro và cảnh báo sớm.

Dữ liệu giám sát không chỉ được sử dụng để phân tích, đánh giá mà còn là thông tin đầu vào khi BHTGVN thực hiện kiểm tra tại chỗ theo kế hoạch. Cụ thể, BHTGVN kiểm tra hiện trạng hồ sơ pháp lý về BHTG; kiểm tra việc niêm yết chứng nhận tham gia BHTG; kiểm tra việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo; kiểm tra việc tính và nộp phí. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm đối với các QTDND xếp nhóm 4, nhóm 5 theo kết quả phân loại hoạt động giám sát. BHTGVN cũng thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, đối chiếu cụ thể tiền gửi, tiền vay của các TCTD.

Việc theo dõi sát tình hình hoạt động, phát hiện sớm các rủi ro tiềm ẩn của tổ chức tham gia BHTG đã giúp BHTGVN có cái nhìn vừa toàn diện, vừa chi tiết về các tổ chức này. Qua đó, BHTGVN cảnh báo các sai phạm, rủi ro để tổ chức tham gia BHTG kịp thời khắc phục, đồng thời báo cáo NHNN để cơ quan quản lý ngành ngân hàng nắm bắt, can thiệp khi cần thiết. Với vai trò là một thành viên của mạng an toàn tài chính quốc gia, tổ chức BHTG đã góp phần kiểm soát những vấn đề có thể gây ảnh hưởng tới sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Nâng cao tính sẵn sàng và khả năng phản ứng nhanh của tổ chức BHTG

Từ những kết quả đã đạt được, có thể thấy, tổ chức BHTG đã có những đóng góp đáng ghi nhận đối với sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của chính sách BHTG cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức BHTG, cần không ngừng nâng cao tính sẵn sàng và khả năng phản ứng cả trong điều kiện bình thường lẫn khi phát sinh vấn đề trong hệ thống ngân hàng. Cụ thể:

Một là, hoàn thiện bộ máy, nâng cao chất lượng nhân lực của BHTGVN thông qua một chiến lược phát triển nguồn nhân lực toàn diện, có tầm nhìn xa, trong đó có tính tới các yếu tố đột xuất, cần sự tham gia sâu sát của tổ chức BHTG.

Hai là, phát triển nguồn lực tài chính của BHTGVN thông qua các cơ chế đầu tư vốn linh hoạt, có sự cân đối giữa tỷ lệ sinh lời, khả năng đảm bảo thanh khoản và khả năng bảo toàn vốn. Bên cạnh nguồn vốn sẵn có và nguồn vốn tích lũy, tổ chức BHTG cần có khả năng được cấp vốn nhanh từ các cơ chế cấp vốn hiệu quả, qua đó kịp thời huy động nguồn tài chính trong những trường hợp đột biến, ứng phó với hiệu ứng dây chuyền, cần sự can thiệp trên quy mô lớn.

Ba là, tổ chức BHTG cần tham gia sâu hơn trong quá trình kiểm tra, giám sát tổ chức tín dụng, đặc biệt là giám sát an toàn, qua đó có những phân tích, nhận định sâu, có khả năng dự báo đối với tình hình của từng tổ chức tín dụng và với toàn hệ thống nói chung.

Bốn là, tổ chức BHTG và các cơ quan trong mạng an toàn tài chính quốc gia cần định kỳ tổ chức diễn tập ứng phó thông qua các kịch bản thực tế. Việc diễn tập có thể theo hình thức table top (diễn tập bàn tròn) và diễn tập thực địa để đảm bảo khả năng ứng phó nhanh, có sự phối hợp của nhiều bên liên quan một cách thông suốt, thống nhất.

Năm là, việc truyền thông chính sách BHTG gắn với nâng cao nhận thức về tài chính cộng đồng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Các nghiên cứu của Hiệp hội BHTG Quốc tế cũng như nhiều tổ chức BHTG trên thế giới đã cho thấy, nhận thức công chúng về BHTG và tài chính ngân hàng càng cao, hệ thống tài chính sẽ càng thu hẹp nguy cơ phải đối mặt với những sự kiện đột biến có tính chất tiêu cực như rút tiền hàng loạt. Bên cạnh đó, người gửi tiền với kiến thức, hiểu biết của mình cũng sẽ là một phần quan trọng xây dựng nên kỷ luật thị trường, giữ gìn hoạt động ngân hàng trong sạch, lành mạnh.

Thái Bình

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông