10:00 15/08/2019 Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng vừa phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối phải thành công cho một bệnh nhân thoái hóa khớp nặng, đã nhiều năm không đi lại được. Để thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp này, do bệnh nhân cao tuổi và bị tiểu đường tuýp 2, Vinmec Hải Phòng đã áp dụng kỹ thuật thay khớp gối toàn phần hiện đại nhất của Mỹ, có nhiều ưu thế vượt trội so với kỹ thuật trước đó
Nhiều năm nay, cụ bà Dương Thị Xuân, 73 tuổi, thường phải ngồi một chỗ, muốn đi đâu phải có người dìu. Bác sỹ Nguyễn Đức Hòa – Chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình, tạo hình của Bệnh viện Vinmec Hải Phòng – người trực tiếp thăm khám cho cụ Dương Thị Xuân nhận định: Cụ Xuân bị thoái hóa khớp gối phải nặng, lại bị bệnh tiểu đường tuýp 2, nên cần phải phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối phải.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cụ Xuân tuổi cao, bệnh tiểu đường cũng rất dễ gây nhiễm trùng, sức khỏe không tốt, rất khó có thể chịu được những cơn đau do phẫu thuật. Để thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp này, Vinmec Hải Phòng đã áp dụng kỹ thuật thay khớp gối toàn phần hiện đại nhất của Mỹ, có nhiều ưu thế vượt trội so với kỹ thuật trước đó. Bác sỹ Nguyễn Đức Hòa phân tích, nếu thay khớp gối bằng phương pháp cũ và sử dụng khớp nhân tạo đời cũ sẽ có hạn chế là bệnh nhân bị cắt xương nhiều hơn, làm ảnh hưởng đến dây chằng gối. Khi muốn thay khớp mới sẽ khó khăn hơn so với lần thực hiện trước đó. Kỹ thuật cũ cũng khiến người bệnh đau sau mổ - ảnh hưởng tới việc thực hiện vật lý trị liệu và thời gian hồi phục sau mổ.
Trường hợp cụ Xuân, bác sĩ đã mổ khớp gối của cụ và thay thế bằng khớp gối nhân tạo của Mỹ với kỹ thuật đường mổ nhỏ trong thay khớp gối toàn phần (khớp Persona). Điều khác biệt ở loại khớp này là có đầy đủ các kích cỡ khớp phù hợp với thể trạng người Việt Nam, nên phần xương bị cắt ít hơn, khớp mới gần đạt mức tự nhiên.
Một phần quan trọng quyết định sự thành công và phục hồi của ca mổ là áp dụng kỹ thuật giảm đau sau mổ rất hữu ích, bệnh nhân không bị đau sau mổ nên khả năng hồi phục khá nhanh. Nếu đau sau mổ, bệnh nhân sẽ không dám vận động, tập luyện sau phẫu thuật - yếu tố rất quan trọng trong việc phục hồi sau mổ. Vì vậy, các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật truyền thuốc giảm đau ở bộ phận phẫu thuật (khớp gối), chứ không truyền giảm đau toàn thân, tránh làm ảnh hưởng không tốt tới bệnh nhân.
Cùng với sự hỗ trợ của vật lý trị liệu, bệnh nhân đã có thể đi bộ nhẹ nhàng, thậm chí tự đạp xe đi chơi nhà họ hàng. “Tạ ơn trời phật đã cho tôi được gặp thầy, gặp thuốc nên mới đi lại được. Nếu không, có khi giờ này tôi vẫn nằm một chỗ trong nhà rồi. Cả nhà tôi cùng vui và hạnh phúc lắm” – bà Xuân xúc động nói.
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão