20:34 13/10/2013 Cách đây hai tuần, khi bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đang thực hiện kỹ thuật siêu âm đầu dò cho một thai phụ thì bất ngờ, cô này bật dậy thẳng tay tát vào mặt bác sỹ. Chồng cô ta không hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao cũng đã ném điện thoại làm vỡ tan tủ kính thuốc của bệnh viện.
Cách đây hai tuần, khi bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đang thực hiện kỹ thuật siêu âm đầu dò cho một thai phụ thì bất ngờ, cô này bật dậy thẳng tay tát vào mặt bác sỹ. Chồng cô ta không hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao cũng đã ném điện thoại làm vỡ tan tủ kính thuốc của bệnh viện. Nhìn những hình xăm trổ đầy người của ông chồng này cộng với thái độ hung hãn của họ, nhân viên bệnh viện sợ tái mặt, may có người lặng lẽ ra ngoài được đã gọi điện cho công an kịp đến can thiệp.Những chuyện như thế này dường như đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” trong các bệnh viện. Tuy nhiên, những nguy hiểm của nghề này không chỉ dừng lại ở đó…
Ám ảnh phơi nhiễm Bước chân vào Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, một thứ mùi đặc trưng của bệnh viện xộc thẳng vào mũi khiến người nhạy cảm rất dễ nôn ói. Ngó quanh những căn phòng xỉn màu, thấy phòng nào cũng chật cứng người. Một căn phòng 20m2 mà có tới 7 giường bệnh xếp san sát vào nhau, giường nào cũng có một, thậm chí là 2 bệnh nhân. Hành lang thì ken đặc người nhà bệnh nhân, chỉ đợi đến khi được phép vào thăm là ùa vào như chim vỡ tổ, nhốn nháo. “Nhiễm trùng bệnh viện và lây chéo luôn là nỗi ám ảnh thường trực của chúng tôi, nhất là khi chất lượng sát khuẩn chưa thực sự được đảm bảo, tần suất đẻ và mổ đẻ quá lớn”, bác sỹ, tiến sỹ Vũ Văn Tâm - Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đau đáu nói. Cả bệnh viện có 4 bàn mổ, bác sỹ thì có hạn mà chúng tôi phải liên tục thực hiện từ 30-40 ca mổ đẻ một ngày nên việc sát khuẩn thật sự không đáp ứng kịp nhu cầu. Việt Nam vẫn còn giữ lệ sinh con theo thời vụ, tức là chọn năm chọn tháng, chọn ngày giờ để đẻ, đơn cử như năm Thìn 2012, số lượng ca đẻ một năm lên tới 25.000 ca, vì vậy không xảy ra nhiễm khuẩn, tai biến mới là chuyện lạ. Nhân viên bệnh viện này có khi phải làm việc căng thẳng với cường độ lên tới 200% so với quy định bình thường. Không ít đêm họ phải thức trắng bên bàn mổ hay trực ca đẻ. BS Tâm cho biết, mới đây, một giáo sư đầu ngành về mổ tai biến người Pháp sang Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng để tham gia phẫu thuật. Ông này phải vã mồ hôi hột trong suốt quá trình mổ vì điều kiện vật chất của Việt Nam quá sơ sài, nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Thực hiện xong phẫu thuật, ông vẫn nơm nớp lo sợ tai biến sẽ xảy ra cho người bệnh, càng thấy khâm phục cánh bác sỹ Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn thế này vẫn hoàn thành được công việc. Bác sỹ BV Phụ sản Hải Phòng ngày càng phải làm việc với áp lực quá lớn Vấn đề làm đau đầu bác sỹ là việc kiểm soát sinh đẻ của Hải Phòng chưa tốt, sản phụ hầu như không được bệnh viện kiểm soát tình trạng sức khỏe trước khi đẻ, dẫn đến việc bác sỹ rất bị động trước các tình huống bất ngờ xảy ra. Chẳng hạn, nửa đêm có trường hợp sản phụ mổ cấp cứu, sau khi mổ sau xong mới biết sản phụ này nhiễm HIV, trong khi đó, suốt quá trình mổ, máu của sản phụ thậm chí đã vấy vào quần áo, tóc tai, mắt mũi của bác sỹ và ekip mổ, nguy cơ phơi nhiễm là điều thật khó tránh khỏi. Đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao nhất chính là các nữ hộ sinh. Ông Tâm so sánh những nữ hộ sinh trong Bệnh viện Phụ sản này chẳng khác gì những nhân viên vệ sinh bởi họ chính là người thường xuyên trực tiếp tiếp xúc với những mầm bệnh như tiếp xúc với chất thải của bệnh nhân, thường xuyên phải thay quần áo, ga giường, rửa tầng sinh môn cho sản phụ… Trong khi đó, theo số liệu ước đoán thì có đến 20% bệnh nhân sinh con là có viêm gan B, viêm gan C, ngoài ra có đối tượng còn bị nhiễm HIV, lao phổi, toàn những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong khi các trang thiết bị bảo hộ lao động cho bác sỹ cũng như nữ hộ sinh vẫn chưa đảm bảo yêu cầu, quần áo họ mặc vẫn có thể bị thấm máu, chất thải của bệnh nhân… Sợ hãi khi bệnh viện bỗng thành… chiến trường Bệnh nhân vào Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng ngoài những sản phụ bình thường ra thì còn có đủ các thể: người mang thai hộ, người có con ngoài giá thú, người cặp bồ, người muốn cho con… Bệnh viện đã nhiều phen phải nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi của các bà mẹ nhiễm HIV để lại, phải nghe bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chửi bới. Thời gian gần đây, họ còn đặc biệt bị ám ảnh bởi nạn hành hung đe dọa bác sỹ. Phó giám đốc bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho biết, việc nhắn tin đe dọa bác sỹ và nhân viên y tế là điều khá thường xuyên. Không ít trường hợp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân còn “động tay động chân”. Đơn cử như cách đây 2 tuần, bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đang thực hiện kỹ thuật siêu âm đầu dò cho một sản phụ thì bất ngờ, cô này bật dậy thẳng tay tát vào mặt bác sỹ. Chồng cô ta không hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao cũng đã ném điện thoại làm vỡ tan tủ kính thuốc của bệnh viện. Nhìn những hình xăm trổ đầy người của ông chồng này cộng với thái độ hung hãn của họ, đám nhân nhân viên bệnh viện sợ tím mặt, may có người lặng lẽ lỉnh ra được gọi điện cho công an kịp đến can thiệp. Riêng về chuyện hành hung, gây rối nhân viên y tế ở Hải Phòng có lẽ xảy ra nhiều nhất và nghiêm trọng nhất phải là khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Tiệp. Khoa này là nơi tiếp nhận nhiều ca cấp cứu nặng của Hải Phòng và các tỉnh lân cận, trong đó có nhiều nạn nhân của các vụ đánh nhau. Các bác sỹ ở đây chia sẻ, dường như, việc hành hung, lăng mạ bác sỹ đã trở thành bệnh mạn tính ở khoa Cấp cứu của bệnh viện này, mỗi ngày trung bình cũng có từ 1 đến 2 vụ gây rối. Trên youtube hiện vẫn còn lưu lại cả một đoạn video dài về vụ truy sát bằng dao kiếm của 4 đối tượng thuộc hai nhóm côn đồ gây náo loạn, kinh hoàng ở khoa Cấp cứu trong tháng 4 vừa qua. Ngoài ra, camera an ninh của Bệnh viện Việt Tiệp cũng đã ghi lại những cảnh y tá bị tát bôm bốp vào mặt hay bác sỹ bị đạp thẳng vào người... Điều dưỡng viên Nguyễn Hồng Sơn đang làm việc đã vô cớ bị những thanh niên hung hãn đánh, chém khiến anh mất 18% sức khỏe… Nhiều năm liền tình trạng mất an ninh trật tự đã xảy ra ở khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt Tiệp khiến các bác sỹ, y tá ở đây luôn ở trong tình trạng rất căng thẳng và mệt mỏi. Quá sợ hãi, nhiều y tá đã xin nghỉ việc khi hay tin mình bị phân công vào khoa Cấp cứu. Ngoài Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Bệnh viện Việt Tiệp thì các bệnh viện khác như Bệnh viện Nhi Đức hay Bệnh viện Đại học Y cũng không tránh khỏi việc nhân viên y tế bị gây rối hoặc đe dọa hành hung. Bệnh viện là nơi khám, chữa bệnh, rất cần phải duy trì một môi trường trật tự an toàn, lành mạnh để các bác sỹ tập trung sức lực trí tuệ cho công việc cứu chữa người bệnh. Họ đã phải chịu quá nhiều áp lực từ việc quá tải đến nguy cơ phơi nhiễm, nay lại còn bị gây rối, hành hung, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Không biết liệu tới đây các nhân viên y tế này sẽ còn có thể chịu thêm được những áp lực nào nữa. Nghề y - quả là một nghề nguy hiểm! |