"Bách bình" - Tình yêu từ những nét hoa văn thuần Việt

09:09 14/10/2018

Những ngày này, tại Văn Cao Gallery (Số 201, QL5 mới) đang trưng bày bộ sưu tập “Bách Bình” là 100 chiếc bình gốm với những nét hoa văn thuần Việt, thu hút đông đảo khách tham quan tới chiêm ngưỡng. Tác giả của 100 chiếc bình này là nghệ nhân – thầy Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh), trụ trì chùa Đống Phúc (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), vừa được công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian tại Hải Phòng...

24 năm hành đạo của Đại đức Thích Chánh Tịnh cũng là 24 năm thầy miệt mài, say mê lao động nghệ thuật ở nhiều loại hình khác nhau: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, thi ca, thư pháp, phục chế di tích, tái hiện không gian xưa và chế tác gốm sứ phù điêu.

Thầy đã gửi gắm công sức sáng tạo của mình tại những công trình văn hóa lịch sử và kiến trúc Phật giáo ở nhiều tỉnh thành.

Thầy Tuyên và những chiếc bình gốm được làm theo phương pháp thủ công truyền thống

Cho đến nay, không ít người đã được chiêm ngưỡng và tỏ sự thán phục khi được đến thăm Khu bảo tồn nông cụ, lưu trữ văn hóa nông nghiệp Vườn xưa (xã Tú Sơn, Kiến Thụy). Đó là những tâm huyết của thầy Tuyên gửi gắm khi còn sống tại quê nhà. Thầy Tuyên cũng là tác giả của Bộ Văn phòng tứ bảo Nghiên bút mực giấy bằng đá xanh tại khu tưởng niệm Vương triều Mạc và 2 khẩu pháo thần công bằng đồng được trưng bày trước chính điện cung vua Mạc.

Mới đây, bằng niềm đam mê, kiến thức mỹ học và kỹ năng thủ công tinh nghệ, thầy đã hoàn thành việc chế tác bộ bách bình hoàn toàn bằng tay sau 2 tháng miệt mài thực hiện. 100 chiếc bình gốm được phủ men truyền thống, nung trong lò bầu, khi qua lửa toát lên vẻ đẹp trầm mặc của thời Lê Mạc, nét quyền quý của hoa văn Lý Trần.

Ông Nguyễn Công Hường, Chủ tịch Hội Nghệ nhân – Thợ giỏi Hải Phòng cho biết: “Bách bình vừa mang tính văn hóa, vừa mang tính thẩm mỹ cao. Chúng tôi đánh giá nghệ nhân – Đại đức Thích Chánh Tịnh là người đam mê, yêu nghề Việt, say mê văn hóa truyền thống của Việt Nam”.

Theo họa sĩ Phạm Kim Bình, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, Bách Bình được chú trọng trong tạo dáng, hoa văn, họa tiết nổi, sử dụng màu men Tam thái cho từng chiếc bình gốm, kích thước có độ cao từ 41cm đến 86cm, lấy sự cân bằng trong tượng quan. Loạt sáng tác 100 mẫu bình gốm của thầy Tuyên nổi rõ về “hoa văn nét nổi” tinh tế, với lối diễn hài hòa, cân đối: diềm chạy, dây treo, hoa văn chầu, hoa văn biến điệu…

Thầy Tuyên chia sẻ: “Chất men gốm thuần Việt mang dư âm của Triều Lê – Mạc có sức hấp dẫn tiềm ẩn, lôi cuốn người sáng tác. Bách bình được tinh chế, kết tụ, hun đúc mang hồn của đất, hơi ấm từ lửa. Họa tiết phù điêu trên từng tác phẩm giàu mỹ cảm, đậm đà giá trị bản sắc, kế thừa tinh hoa văn hóa ngàn xưa, kì vọng sẽ là Văn vật lưu lại ngàn sau”.

Từ lòng đam mê và tình yêu với gốm, thầy Tuyên bỏ không ít công sức để học hỏi, tìm tòi làm sao để cho ra lò những sản phẩm ưng ý nhất. Rong ruổi đến các lò gốm, làng nghề nổi tiếng trong cả nước như Phù Lãng (Bắc Ninh) hay Làng Cậy (Hải Dương)…, thầy Tuyên gửi những tác phẩm mình học nghề ở lò nung tại đó. Để rồi khi một lần nhận trên tay sản phẩm chưa đạt chất lượng là một lần thầy lại càng thêm quyết tâm làm cho kỳ được điều mình mong muốn.

Hai tháng dành trọn tâm huyết cho bộ sản phẩm Bách Bình, thầy cho ra đời những đứa con tinh thần đáng quý, là công trình nghệ thuật được chắt chiu từ dòng chảy văn hóa Việt trong tâm hồn, tình yêu với gốm đã chất chứa từ lâu. Đó cùng chính là tâm niệm của thầy Tuyên, khi lựa chọn phương pháp thủ công truyền thống để thực hiện 100 chiếc bình này và nhiều sản phẩm khác.

Thầy luôn mong muốn được tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống của cha ông xưa để làm ra những sản phẩm mang tính thừa kế, lưu giữ mãi những hồn cốt của dân tộc ở trong từng tác phẩm. Thầy Tuyên cũng chia sẻ dự định sẽ có phiên bản phục chế đồ thờ tự bằng gốm sứ trong chùa đã bị mai một và những sản phẩm gắn liền với văn hóa tín ngưỡng của người Việt, theo phương pháp và phong cách thuần Việt.

Đánh giá cao những tâm huyết của thầy Phạm Văn Tuyên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Lê Văn Quý chia sẻ tại buổi triển lãm: “Thầy Tuyên gửi gắm tâm hồn và hoài bão nghệ thuật của mình vào trong tác phẩm, cũng là tiếng nói, hành động cụ thể cho việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị vô cùng quý báu sản phẩm làng nghề gốm cổ truyền của dân tộc”.

Chính từ những đóng góp này, thầy Tuyên được Hội Nghệ nhân – Thợ giỏi Hải Phòng phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Điều đặc biệt, người được phong tặng không chỉ là một nghệ nhân đơn thuần mà là một nhà tu hành. Người theo Phật pháp nhưng lại có tâm hồn cảm nhận và nắm bắt được nét đẹp tinh hoa của nghệ thuật tạo hình cổ truyền của dân tộc.

Cùng với đó là trí tuệ sáng tạo và bàn tay tài hoa của một nghệ sĩ không màng danh tiếng, chỉ cốt được làm theo đúng tâm nguyện. Đó chính là góp sức mình tô điểm thâm, để tôn vinh những giá trị chân thiện mỹ trường tồn cùng vốn cổ của dân tộc.

Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông