BẠCH ĐẰNG GIANG-DÒNG SÔNG HUYỀN THOẠI * Kỳ 1: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”

10:02 23/03/2020

Bạch Đằng giang không chỉ là một dòng sông nổi tiếng nhất trong lịch sử dân tộc, nơi ghi lại nhiều chiến công hiển hách của cha ông ta trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc mà dòng sông còn là nguồn sữa vô tận, nuôi dưỡng, hình thành nên truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đúng như áng văn bất hủ của Thám hoa Giang Văn Minh (1573-1638) thế kỷ thứ 15, sông Bạch Đằng nằm ở phía Đông Bắc thành phố Hải Phòng, bên Tả là tỉnh Quảng Ninh, bên Hữu là huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Sông dài 42 km, tính từ đầm De, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên đến cửa Nam Triệu. Khúc sông từ đầm De đến xã Gia Đước có tên gọi là Đá Bạc, chảy theo hướng Tây-Đông, qua các xã Lại Xuân, Liên Khê, Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Gia Minh, Gia Đước. Bên Tả của sông là các xã Yên Đức, huyện Đông Triều và phường Phương Nam, thành phố Uông Bí. Đoạn sông chảy từ thị trấn Minh Đức đến cửa Nam Triệu, thường gọi là sông Bạch Đằng có hướng Bắc-Nam rồi theo Đông Bắc Tây Nam, qua các xã Minh Đức, Tam Hưng, Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ. Bên kia bờ là huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Sông Bạch Đằng có chiều rộng thuộc vào loại lớn nhất Hải Phòng, độ rộng trung bình 1.000m, chỗ rộng nhất gần 2.000m, độ sâu trung bình 10m. Thượng lưu sông Bạch Đằng, hai bên bờ là những dãy núi đá vôi trùng điệp, cảnh sắc tuyệt đẹp, được ví như Hạ Long cạn. Hạ  lưu của sông là những bãi triều, rừng ngập mặn mênh mông.

Bạch Đằng giang không chỉ là một dòng sông nổi tiếng nhất trong lịch sử dân tộc, nơi ghi lại nhiều chiến công hiển hách của cha ông ta trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc mà dòng sông còn là nguồn sữa vô tận, nuôi dưỡng, hình thành nên truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam.

Sông Bạch Đằng

Miêu tả về dòng sông Bạch Đằng, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi trong tác phẩm Dư Địa chí đã viết: “Sông Vân Cừ (Bạch Đằng), rộng 2 trượng, 69 dặm, sâu 5 thước, núi non cao vút, nước suối giao lưu, sóng tung lên tận trời, cây cối lấp bờ, thật là nơi hiểm yếu”.

Trương Hán Siêu, một nhà thơ thời Trần đã khắc họa sông Bạch Đằng như một bức tranh tuyệt tác qua bài phú Bạch Đằng Giang: “ Qua cửa Đại Than, Ngược bến Đông Triều, Đến sông Bạch Đằng, Thuyền bơi một chiều, Bát ngát sóng kình muôn dặm, Thướt tha đuôi trĩ một màu, Nước trời một sắc, Phong cảnh ba thu, Bờ lau san sát, Bến lách đìu hiu”.

Ngược dòng lịch sử, hơn 3000 năm trước, người Việt cổ từ vùng trung du đã xuôi theo các dòng sông đến Bạch Đằng giang khai phá vùng đất hoang vu ven biển, tạo lập nên một công xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá ngọc  nepherit, dưới chân núi đá Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, ngày nay).

Kết quả khai quật khảo cổ học đã phát hiện được hàng vạn mảnh gốm, hàng nghìn công cụ đá: rìu, đục, mũi khoan, bàn mài… hàng ngàn đồ trang sức: vòng tay, khuyên tai, nhẫn, hạt chuỗi, được chế tác hết sức tinh xảo, chau chuốt và vô cùng đa dạng, phong phú, đã khẳng định đây là một di chỉ cư trú, một làng thủ công cổ xưa của người Việt, có niên đại cách ngày nay khoảng 3400 năm, thuộc giai đoạn sơ kỳ đồ đồng.

Cũng tại thượng lưu ven sông Bạch Đằng, ở các xã Gia Minh, Lưu Kiếm, Liên Khê, Lại Xuân các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều mảnh gốm Đông Sơn, trống đồng, rìu, giáo đồng, đặc biệt là sự xuất hiện của mộ thuyền tại xã Lưu Kiếm, Liên Khê, Việt Khê…đã khẳng định đến thời Đông Sơn, thời đại các vua Hùng, người Việt cổ đã tụ cư, hình thành nên những xóm ấp đầu tiên ven sông Bạch Đằng.

Vào những năm đầu công nguyên, Thủy nguyên nơi có hệ thống sông ngòi dày đặc với các dòng sông: sông Giá, sông Liễu, sông Thải nhập vào sông Bạch Đằng đổ nước ra cửa Nam Triệu. Cửa Nam Triệu rộng và sâu, có vị trí cực kỳ thuận lợi để tàu bè từ vịnh Hạ Long, Lan Hạ, qua cửa biển này vào sông Bạch Đằng, qua sông Kinh Thày, Lục Đầu tiến sâu vào khắp các vùng nội địa của châu thổ sông Hồng. Cũng như vậy, thuyền bè từ nội địa sẽ qua cửa Bạch Đằng vào Hạ Long đi lên hướng Bắc (Quảng Đông, Quảng Tây), hoặc xuống các nước phương Nam.

Trong quá trình tiếp xúc Việt-Hán, cả người Việt và người Hán đều nhanh chóng khai thác con đường này và sông Bạch đằng trở thành con đường tấp nập tàu thuyền qua lại, một huyết mạch giao thương với người nước ngoài.

Trong suốt nhiều thế kỷ sau công nguyên, thuyền buôn nước ngoài đã qua lại sông Bạch Đằng. Trong hành trình giao thương với người Việt, người Hán đã dừng chân, tụ cự ở vùng đất ven sông Bạch Đằng. Việc phát hiện các mộ gạch cuốn vòm, có niên đại từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 3, tập trung dày đặc ven sông Bạch Đằng tại núi Ba Phủ (xã Kỳ Sơn, Lại Xuân), núi Điệu Tú, Thành Dền, Quỳ Khê (xã Liên Khê), núi Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức)… cũng như các ngôi mộ được xây dựng với quy mô, kích thước lớn, nhiều gian, nhiều phòng, trong lòng mộ có nhiều hiện vật quý như tượng thú, mô hình nhà, kiếm đồng, gương đồng… minh chứng chủ nhân các ngôi mộ rất giàu có và quyền lực.

Căn cứ kết quả khai quật, nghiên cứu, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng cùng với các trung tâm Đông Triều, Uông Bí (bờ bên tả của sông Bạch Đằng) thì huyện Thủy Nguyên và vùng ven sông Bạch Đằng là một trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại của đất nước ở vùng Đông Bắc thời kỳ đầu công nguyên.

(Còn nữa)

Đỗ Xuân Trung

Bảo tàng Hải Phòng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích