16:19 03/08/2018 Thấy tôi ngắm những cuộn chỉ màu sắc trên bàn làm việc, Thượng tá Hà Văn Tuấn, Trưởng Phòng PC54 - CATP cho biết đó là những “kỷ vật” thời trai trẻ của anh. Qua trò chuyện, Thượng tá Tuấn hé lộ, rất có thể anh sẽ là một nhà may uy danh nếu như không trở thành một trinh sát KTHS chuyên “mò kim đáy bể” để truy tìm thủ phạm các vụ án, góp phần mang lại sự công bằng và bình yên cho xã hội.
Thượng tá Hà Văn Tuấn tuổi Mão theo lịch âm (1964). Thời bao cấp, thanh niên của các phố quanh khu vực Nhà hát lớn đều có tiếng là dân ăn chơi nên bè bạn lấy làm lạ mắt khi thấy anh rất hào hứng, sôi nổi với máy khâu, kéo cắt vải và khá có tiếng trong làng may đo đất Cảng. Thế nhưng, cơ duyên cùng sự thôi thúc từ con tim đã đưa anh đến với Trường Đào tạo Hạ sỹ quan CATP Hải Phòng.
Tốt nghiệp năm 1983, anh Tuấn về công tác tại Phòng KTHS, ngày ấy có phiên hiệu là PC21, trụ sở ở phố Cầu Đất. Công việc của anh là giám định viên dấu vết tội phạm. Một thời gian sau Hà Văn Tuấn là lứa sinh viên đầu tiên của lớp kỹ thuật ảnh hình sự. Và dường như lớp hình ảnh này đã làm dầy tâm hồn nghệ sĩ của anh. Cái máy ảnh quả đã giúp gia đình nhỏ của anh vượt qua bao khó khăn.
Ngoài giờ làm việc, anh nhận chụp ảnh đám cưới, lang thang tại khu du lịch Đồ Sơn ngày hè… “Ai đó ngại ngùng, còn tôi thì không. Thời bao cấp, không có lịch trực ở cơ quan, tôi chụp ảnh, đi dạy may đo…” - Anh Tuấn nói và cười giòn kể về chiến tích đoạt giải trong cuộc thi nấu ăn của đơn vị và về đích thứ tư hội thi nấu ăn do CATP tổ chức vào năm 2006.
Cuộc sống đời thường vốn phảng phất tâm hồn nghệ sĩ nên từ lúc là một chiến sỹ cho tới khi được cấp trên giao trọng trách Trưởng phòng PC54, Thượng tá Tuấn luôn nghĩ đến một môi trường làm việc xanh, sạch, giúp chiến sỹ cảnh sát KTHS với công việc thầm lặng luôn làm tốt nhiệm vụ và yêu đơn vị. Nhìn những cuộn chỉ trên bàn làm việc anh bảo: “Đó là niềm vui của riêng tôi, nó ngấm vào máu rồi.
Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫy may vá thêu thùa ở nhà. Những cuộn chỉ là một thứ tình yêu không thể quên, nó luôn nhắc nhở tôi về sự cẩn trọng, khách quan, khoa học, chính xác trong công việc của người lính KTHS, để tôi sống và hết mình với PC54.
Người trong nghề mới hiểu KTHS là một lĩnh vực công tác đầy khó khăn, vất vả, đòi hỏi mỗi CBCS khi thực thi công vụ phải tuyệt đối không đẻ sót dấu vết, vật chứng, không kết luận sai. Đó có thể được xem là chìa khóa giúp cơ quan điều tra mở ra sự thật vụ án. Nghề khó, khổ, khô khan và thầm lặng là vậy, nhưng cũng âm vang đầy chiến công.
Nói một cách đơn giản, nếu khâu đầu tiên này suôn sẻ, không những án được giải quyết nhanh mà còn tiết kiệm được thời gian, giảm thiểu tới mức thấp nhất công sức, mồ hôi, thậm chí là xương máu của đồng đội.
Thượng tá Tuấn và các đồng đội của anh kể lại cho tôi nghe một trong những vụ án khá ly kỳ nhờ công tác KTHS đã được kết luận nhanh chóng, rõ ràng. Đó là hè 2017, tại khu nhà trọ của bà Trần Thị Lan, ở số 2, xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, người dân phát hiện tử thi Vũ Thúc Định, sinh năm 1995 quê Quảng Ninh trong tình trạng nằm ngửa trên giường, hai tay bị trói cố định vào chấn song cửa sổ, vùng đầu mặt bị trùm túi nilon, miệng bị quấn băng dính.
Nạn nhân đã chết trước đó nhiều ngày và đang trong tình trạng phân hủy biến dạng mạnh. Qua xác minh nạn nhân là sinh viên Đại học Công nghiệp Thái Nguyên đến Hải Phòng thuê phòng trọ. Dư luận cho đó là án mạng và Phòng PC54 đã nhập cuộc với quyết tâm rất cao. Sau gần 2 giờ làm việc trong môi trường độc hại, các giám định viên đã chỉ rõ đó là một vụ tự tử. Toàn bộ các hành vi do nạn nhân tự thực hiện và chết ngạt cơ học. Vụ việc không có yếu tố hình sự đã giải tỏa cho gia đình nạn nhân.
Hoặc như hồi tháng 5-2016 với cái chết thê thảm của cháu Nguyễn Thị Yến Nhi, ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng. Dư luận cho rằng cháu Nhi bị sát hại sau khi bị hãm hiếp. Áp lực đè nặng lên vai cảnh sát KTHS. Họ đi đến đâu cũng có ánh mắt của người dân nơi đây dõi theo. Mọi dấu vết tại hiện trường đều rất “lờ mờ” nhưng từ vết máu, các chiến sỹ đã tìm ra đích đến. Thủ phạm gây án chính là người cùng xóm, tên Cường, bị câm điếc bẩm sinh nhưng rất ngỗ ngược.
Điều đáng nói trước đó, đối tượng này ở trong diện nghi vấn nhưng đã được loại ra. Từ kết quả giám định, Cường được gọi lên thu mẫu và Thượng tá Tuấn cùng đồng nghiêp đã xác định chính xác y là thủ phạm…
Hỏi về những vụ đi làm án của cảnh sát KTHS, phải tiếp xúc những nạn nhân đã bị phân hủy và những môi trường đầy nguy hiểm, độc hại khác, Thượng tá Tuấn đăm chiêu: “Không thể nói không ghê người nhưng không vững tinh thần sẽ hỏng việc. Biết nguy hiểm là vậy nhưng đó là trách nhiệm, là lương tâm nghề nghiệp nên khi vào việc lại quên hết.
Có những vụ án cả Trưởng phòng, Phó phòng PC54 đều tham gia. Vụ án Vũ Thúc Định tự tử giữa những ngày hè nắng nóng, mái tôn hầm hập, cơ thể phân hủy bốc mùi người thường chắc không ai dám lại gần nhưng chúng tôi vẫn vào việc bình thường. Xong việc, về nhà cảm giác không dám mặc áo đồng phục mình mặc đi làm”.
Công việc vất vả, khó khăn và có phần đáng sợ với những ai yếu tim nhưng người trong nghề như anh Tuấn không bao giờ nao núng, buông tay, vẫn luôn tràn trề tâm huyết. “Trách nhiệm phải đặt lên hàng đầu.
Một giọt máu thôi cũng có thể tìm ra thủ phạm để không ai bị oan” - Thượng tá Hà Văn Tuấn nói và tự hào về PC54 của mình: “Mỗi cán bộ chiến sĩ ở PC54 đều biết từ 2 công việc của KTHS trở lên mới làm tốt công tác phòng chống tội phạm. KTHS giờ thêm kỹ thuật số, giám định ADN. Với giám định AND, PC54 đã giúp không ít công dân bố được gặp con, con tìm ra bố”.
Cùng Thượng tá Hà Văn Tuấn thăm môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp của PC54, chúng tôi bất ngờ khi một chiến sỹ trẻ đến tìm anh báo cáo công việc. Thượng tá Tuấn nhân đó kể lại câu chuyện về chiến sỹ trẻ nọ khiến chúng tôi không khỏi cảm thấy nghèn nghẹn. Số là, mới rồi đi giám định một vụ cháy dẫn đến chết người.
Xong công việc, cậu lính ra ngoài, bỏ khẩu trang. Bỗng có một bà từ đâu đến túm tay cậu ta nói: “Con ơi, cao ráo đẹp trai như thế sao làm nghề này. Bu có con gái cũng không gả cho con”. Trưởng phòng Hà Văn Tuấn bộc bạch: “Nghề cảnh sát KTHS như thế đấy, phải làm việc tại hiện trường, tiếp xúc với nhiều chất độc hại, những mùi nồng nặc của nạn nhân đã bị phân hủy nên không có sức hấp dẫn đối với cán bộ trẻ. Ai đó yêu nghề thì sẽ gắn bó. Với tôi, tôi đã gắn bó từ lúc đầu và nguyện sẽ về hưu từ PC54 này”.
Đỗ Hân