Bài phát biểu của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành tại Lễ khởi công Dự án tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, huyện Thủy Nguyên

10:39 03/05/2020

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ

Kính thưa đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương

Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu.

Hôm nay, chúng ta vui mừng có mặt tại đây để tham dự Lễ khởi công Dự án xây dựng tuyến đường và Khu bảo tồn bãi cọc tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng, tôi nhiệt liệt chào mừng đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học cùng toàn thể quý vị đại biểu đã về tham dự buổi Lễ có ý nghĩa quan trọng ngày hôm nay. Kính chúc đồng chí Thủ tướng cùng các đồng chí, các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ

Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu

Bãi cọc Cao Quỳ thuộc địa bàn xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng được nhân dân phát hiện và Viện khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật khảo cổ. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tổ chức Hội thảo với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà khoa học nổi tiếng ở nước ta. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu lịch sử cùng đội ngũ các nhà khoa học đã thống nhất đánh giá: Bãi cọc Cao Quỳ phát lộ thực sự là một điều kỳ diệu và là di sản lịch sử vô giá mà cha ông để lại cho chúng ta. Đây là chứng tích hiện thực về trận địa cọc độc đáo trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 chống quân xâm lược Nguyên Mông, gắn liền với tên tuổi của Người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Bãi cọc Cao Quỳ là một phần trận địa được Trần Hưng Đạo sử dụng để chặn quân Nguyên Mông, không cho chúng đi vào khu vực sông Giá và khu vực đại bản doanh của quân dân ta, buộc địch phải đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc đã được bố trí sẵn. Trận chiến Bạch Đằng năm 1288 là trận quyết chiến chiến lược toàn thắng của quân dân nhà Trần, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 3 của quân Nguyên Mông; đồng thời cũng là trận chiến nhấn chìm giấc mộng xâm lăng xuống khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản của đế quốc Nguyên Mông, mang lại một thời kỳ hòa bình lâu dài cho nước ta và các nước trong khu vực.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ

Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu

Hàng ngàn năm qua, các thế hệ người dân Hải Phòng đều có chung một niềm tự hào về dòng sông Bạch Đằng lịch sử, dòng sông huyền thoại và linh thiêng, một địa danh nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Hải Phòng tự hào là địa phương còn lưu giữ rất nhiều những dấu ấn sâu sắc về ba chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Có thể khẳng định: hiếm có một địa phương nào trên đất nước ta lại có hệ thống đền thờ về Đức Vương Ngô Quyền, Hoàng Đế Lê Đại Hành, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng sỹ trong thời kỳ đó lại nhiều và phong phú như ở Hải Phòng.

Điều đó khẳng định, các chiến thắng vĩ đại chống ngoại xâm trên dòng sông Bạch Đằng vào thế kỷ thứ X và thế kỷ thứ XIII, gắn với các Vị Anh hùng dân tộc, các tướng sỹ luôn luôn được người dân Hải Phòng ghi nhớ, truyền tụng qua các thế hệ và đã trở thành một bộ phận của văn hóa “uống nước nhớ nguồn”, văn hóa tâm linh trên khắp các làng quê, khu phố của thành phố Hải Phòng và cũng trở thành mạch nguồn sức mạnh, sức sống của nhân dân Hải Phòng trong suốt chiều dài lịch sử từ trước tới nay.

Sự kiện phát hiện bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân Hải Phòng, đồng thời cũng là sự kiện làm nức lòng các nhà nghiên cứu lịch sử cũng như nhân dân cả nước.

Ngay từ khi bãi cọc Cao Quỳ được phát hiện, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã rất khẩn trương và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ, đồng thời tiến hành các thủ tục để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản vô giá này. Với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, tới nay chúng ta đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật. Hôm nay với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Đảng bộ, chính quyền thành phố tổ chức Lễ khởi công xây dựng tuyến đường và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ cùng một số hạng mục công trình liên quan.

Dự án có tổng mức đầu tư 431 tỷ đồng, quy mô khoảng 150 ha bao gồm nhiều hạng mục quan trọng, mặc dù có tổng mức đầu tư không lớn, nhưng được xác định là dự án trọng điểm của thành phố. Khi hoàn thành, di tích bãi cọc Cao Quỳ sẽ hòa cùng Khu di tích Bạch Đằng Giang và hệ thống các di tích khác sẽ trở thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa rộng lớn dọc bờ hữu ngạn sông Bạch Đằng. Quần thể khu di tích này sẽ trở thành di sản văn hóa và là nơi giáo dục tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Để dự án được thực hiện thành công, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tôi đề nghị:

Thứ nhất: Về quản lý chất lượng, tiến độ công trình: Thành phố đã giao UBND huyện Thủy Nguyên làm chủ đầu tư. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền huyện Thủy Nguyên, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện Dự án, bảo đảm chặt chẽ đúng pháp luật. Đặc biệt, đối với một dự án văn hóa lịch sử, cần có có phương pháp khoa học và thực hiện nghiêm túc các quy định, cũng như các yêu cầu trong quản lý khoa học về khảo cổ, về văn hóa lịch sử của các bộ, ngành trung ương.

Thứ hai: Đối với các đơn vị xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế: Cần xác định rõ đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa hết sức đặc biệt của thành phố; do đó, đòi hỏi mỗi hạng mục đều phải bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật; đặc biệt là phải có các biện pháp khoa học tiên tiến nhất để giữ gìn và bảo vệ di tích nguyên vẹn những di tích đã phát lộ và cả chưa phát lộ. Đồng thời, cần huy động thiết bị hiện đại nhất, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhất để thực hiện Dự án; bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng; kịp thời đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Sự thành công của dự án sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các thủ tục để đề nghị Nhà nước công nhận quần thể di tích Bạch Đằng Giang là Di tích lịch sử văn hóa danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hải Phòng, tôi xin trân thành cảm ơn đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cùng toàn thể các đồng chí, các quý vị đại biểu đã về dự Lễ khởi công ngày hôm nay. Xin kính chúc Thủ tướng Chính phủ cùng toàn thể các đồng chí, các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công./.

Xin trân trọng cảm ơn!

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông